Khám nhà để hợp thức hóa việc đưa Trương Duy Nhất ra tòa?

Công an khám xét nhà ông Trương Duy Nhất chiều 10/6
- Quảng Cáo -

Thường Sơn (VNTB)|

Không công bố lệnh bắt và quyết định khởi tố bị can nhưng vẫn khám nhà, lệnh khám xét được ký vào ngày 16/1 còn Trương Duy Nhất bị bắt vào 28/1 nhưng đến ngày 10/6 năm 2019 mới tiến hành khám xét… là hàng loạt mâu thuẫn khó che giấu của cơ quan điều tra Bộ Công an xung quanh vụ ‘bắt cóc Trương Duy Nhất’.

Thậm chí, động tác khám xét nhà Trương Duy Nhất vào ngày 10/6 đã chỉ trưng ra toàn hình công an lấp ló mà không hề thấy ảnh ông Nhất.

Cái cảnh lấp ló của ngành công an liên quan vụ việc nhạy cảm chính trị này thực ra đã kéo dài quá lâu.

- Quảng Cáo -

Trương Duy Nhất là blogger đã bị mất tích tại Bangkok vào cuối tháng Giêng năm 2019 với nhiều nghi ngờ của dư luận về ‘Trương Duy Nhất bị mật vụ Việt Nam bắt cóc’.

Nhưng phải hai tháng sau đó, tại buổi họp báo quý I/2019 diễn ra chiều 25/3/2019, lần đầu tiên một quan chức công an là Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mới ‘can đảm’ nêu tên Trương Duy Nhất. Tuy nhiên tướng Vệ đã chỉ nói về mối liên đới của ông Nhất với vụ ‘Vũ ‘Nhôm’ chứ hoàn toàn không dám đề cập đến câu chuyện mà dư luận xôn xao: Trương Duy Nhất đã bị một cơ quan mật vụ nào đó bắt hoặc ở Thái Lan, hoặc ở Lào, hoặc bắt ở Thái Lan rồi sau đó ‘vận chuyển’ qua Lào về Việt Nam và ‘bàn giao’ cho Bộ Công an.

Cũng không thấy tướng Vệ đả động về việc Trương Duy Nhất đang bị giam giữ ở đâu, trong khi ngay trước đó một tin tức “từ trên trời rơi xuống” thình lình đến với người nhà của ông Nhất: Trương Thục Đoan, con gái của ông Trương Duy Nhất, hiện đang ở Canada cho báo chí nước ngoài biết rằng phía trại giam thông báo cho mẹ của cô là ông Nhất bị bắt vào ngày 28 Tháng Giêng và bị đưa vào trại T16 ở Thanh Oai, Hà Nội trong cùng ngày. Không rõ cách thức thông báo trên bằng cách nào, nhưng không có bất kỳ giấy tờ nào được chuyển cho gia đình ông Nhất.

Sau đó, bà Cao Thị Xuân Phượng – vợ của ông Trương Duy Nhất và là mẹ của Trương Thục Đoan – vào ngày 20 tháng Ba đã đến Trại giam T16 với mục đích được thăm gặp chồng; nhưng cán bộ trại không cho gặp với lý do việc điều tra chưa xong. Tuy nhiên, việc Trại T16 chịu nhận một ít thực phẩm và áo quần do bà Cao Thị Xuân Phượng gửi vào cho chồng là một bằng chứng về “Trương Duy Nhất ở trong đó.”

Bình luận về tin tức “từ trên trời rơi xuống”, nhiều người cho rằng Bộ Công an đã không dám thông báo về tình trạng Trương Duy Nhất theo đường chính thống, mà đã phải cho một ai đó gọi điện nặc danh báo cho gia đình ông Nhất biết về Trại giam T16 đang giam giữ ông.

Tình thế Bộ Công an luôn ‘á khẩu’ khi thông báo về Trương Duy Nhất nhưng không hề xác nhận ‘đã bắt’ và nơi giam giữ ông Nhất cho thấy dường như đã xảy ra một lo ngại nhìn trước ngó sau ghê gớm khi buộc phải phát ra thông báo này – trong bối cảnh không chỉ áp lực dư luận trong nước mà còn cả nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, thậm chí cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam và Thái Lan phải có trách nhiệm công bố việc có dính líu hay không đến vụ việc ‘Trương Duy Nhất mất tích/bị bắt cóc’ ở Bangkok.

Dù cách thức đơn giản nhất của Việt Nam là chối phắt ‘không bắt cóc Trương Duy Nhất’, hoặc cùng lắm thì tuyên bố ‘Trương Duy Nhất tự nguyện về nước đầu thú’ theo cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ‘đạo diễn’ cho Trịnh Xuân Thanh, sau khi Nhà nước Đức tố cáo rằng mật vụ việt Nam đã nhảy xổ vào Berlin để bắt cóc Thanh vào tháng 7 năm 2017…, nhưng hiện tượng các cơ quan “mật vụ” của Việt Nam như Bộ Công An (nhưng không còn Tổng Cục Tình Báo như thời “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”) bị ‘á khẩu’, còn Tổng Cục 2 (Tình báo quân đội) thuộc Bộ Quốc Phòng thì ‘cấm khẩu’ đã khiến cứ mỗi ngày trôi qua, tính ‘chính nghĩa’ và ‘chính danh’ của chính quyền Việt Nam trong vụ ‘Trương Duy Nhất bị mất tích ở Bangkok’ lại càng lu mờ, thay vào đó là nghi ngờ về ‘Trương Duy Nhất bị bắt cóc’ càng được xác thực.

Và càng ồn ào đồn đoán việc Bộ Công an không phải là ‘tác giả’ mà chỉ là cơ quan ‘tiếp nhận Trương Duy Nhất’ do một cơ quan khác bàn giao.

Vụ khám xét nhà Trương Duy Nhất vào ngày 10/6 trùng với thời điểm Vũ ‘nhôm’ và hai cựu thứ trưởng công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân ra tòa. Phải chăng động tác khám nhà ‘cho có’ này là nhằm hợp thức hóa theo quy trình tố tụng hình sự để đưa Trương Duy Nhất ra tòa trong vụ án Vũ ‘nhôm’ trong ít tuần nữa?

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here