Phạm Chí Dũng – VOA
‘2%’ là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn
Cuộc đấu tranh gian khổ và khắc nghiệt của báo chí độc lập, người lao động và giới chủ doanh nghiệp rốt cuộc cũng tiệm cận thắng lợi: Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 – 6 năm 2019, chủ đề phí công đoàn 2% mà từ nhiều năm qua các doanh nghiệp phải ‘nộp tô’ cho Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã được nêu ra khá sòng phẳng, không phải từ những đại biểu ‘cấp thấp’, mà bởi những quan chức và cơ quan có vai vế.
Một trong những tiếng nói gióng lên chủ đề này là đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông Lợi đề nghị Chính phủ làm rõ việc khoản 2, điều 26, Luật Công đoàn quy định người sử dụng lao động nộp 2% tiền lương cho quỹ công đoàn có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn, theo quy định tại điều 2, Công ước 98, hay không.
Điểm đặc biệt nhất của kỳ họp Quốc hội lần này là lần đầu tiên chính thể độc tài ở Việt Nam phải chấp nhận ký Công ước 98 về quyền thương lượng tập thể – một trong ba công ước quốc tế còn lại của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) mà Việt Nam chây ì không chịu ký từ nhiều năm qua.
Ba công ước còn lại của ILO lại chính là đòi hỏi rất dứt khoát của Nghị viện châu Âu – thể hiện trong bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam mà Nghị viện châu Âu đã tung ra với nhiều nội dung cùng từ ngữ mạnh mẽ chưa từng có vào giữa tháng 11 năm 2018.
Trong đó, Công ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động.
Nếu không ký tối thiểu là Công ước 98, Việt Nam sẽ mất hẳn cơ hội được tham gia vào EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) – có thể được ký và phê chuẩn vào nửa cuối năm 2019.
Theo quan điểm của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, việc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam thu phí công đoàn 2% đương nhiên là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn, vì người sử dụng lao động là người nộp công đoàn phí.
Trước đó, khi góp ý thẩm tra dự án Luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng lưu ý, khoản 2, điều 2 của Công ước 98 quy định những hành vi được coi là can thiệp gồm hành vi thúc đẩy thành lập tổ chức của người lao động do người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động chi phối, hoặc nhằm hỗ trợ tổ chức của người lao động bằng tài chính, hoặc bằng những biện pháp khác với ý đồ đặt các tổ chức dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động, hay tổ chức của người sử dụng lao động. Do đó, việc người sử dụng lao động đóng phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương cho người lao động có thể coi là hành vi can thiệp và bị chống lại theo quy định của Công ước 98.
Đáng chú ý, bản tin tường thuật của các tờ báo theo dõi họp Quốc hội chưa cho thấy có ý kiến nào phản bác nhận định của đại biểu Bùi Sỹ Lợi và Ủy ban Pháp luật Quốc hội, dù đây là nhận định cực kỳ ‘nhạy cảm chính trị’ – mà nếu được nêu ra trong các kỳ họp Quốc hội trước đây thì chắc chắn đã khiến không chỉ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ‘nhảy dựng lên’ mà còn bị đảng nổi giận ‘chặn họng’.
Nhưng trong thực tế, phí công đoàn 2% mà đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu ra vẫn chưa thể hiện đầy đủ quy mô ‘ăn cướp có hệ thống và tinh vi’ của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
‘3%’ và một chế độ ‘ăn chơi nhảy múa’ trên xương máu người lao động
Được xem là ‘anh em sinh đôi’ với Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn ‘ăn cướp 3%’ là một trong những chân kiềng cho chế độ độc tài và độc quyền cả về bóp hầu bóp cổ công nhân.
Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam – tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ – đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).
Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ: ‘không ăn cướp thì là cái gì!’.
Nhưng cho tới nay, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vẫn chưa hề minh bạch tài chính, hay nói thẳng là chưa hề công bố con số thu hàng năm từ ‘phí ăn cướp 3%’ là bao nhiêu và số tiền mà cơ quan này lợi dụng để ‘ăn chơi nhảy múa’ thâm lạm đến mức nào.
Một trong nhiều bằng chứng sống động về tinh thần ‘ăn chơi nhảy múa’ như thế là câu chuyện “học hỏi kinh nghiệm từ các nước có chế độ chính sách xã hội tiên tiến hàng đầu như Hà Lan, đồng thời, tìm biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả và vai trò của Công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động”, khi có đến hai chục ‘quan chức trong đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dẫn đầu bởi quan chức Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, đi du ngoạn ở đất nước hoa tulip vào tháng 12 năm 2018.
Trong bức ảnh về chuyến du hí mà báo Thế Giới & Việt Nam đăng, có đến hai chục ‘đại biểu Việt Nam’, trong khi chỉ có mặt duy nhất một người Hà Lan nhưng lại chẳng được báo Việt Nam giới thiệu về tên tuổi và chức danh – điều mà rất dễ khiến người đọc nghi ngờ về tính thực chất của chuyến ‘công tác’ này. Mặt khác, nội dung làm việc quá chung chung và đặc biệt là kết quả làm việc về ‘hợp tác quốc tế’ cũng chung chung không kém của ‘đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’ đã cung cấp thêm một bằng chứng trần trụi về tổ chức hội đoàn ‘cánh tay nối dài của đảng’ này đã quen thói xài tiền chùa để du hí nước ngoài trong nhiều năm qua như thế nào.
‘Cá mập’ sẽ phải nhả?
Thu tiền và xài tiền phủ phê đến thế, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lại chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Nhiều nguồn tin từ giới công nhân cho biết nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.
Rốt cuộc, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn cướp’ 3% và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.
Nhưng sắp tới, việc chính thể Việt Nam phải ký Công ước 98 để vào EVFTA sẽ bắt buộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam không những phải chấp nhận cơ chế ‘đa công đoàn’, tức chấp nhận công đoàn độc lập và phi nhà nước do người lao động tự thành lập và cạnh tranh sòng phẳng với ‘cánh tay nối dài của đảng’, mà ‘cá mập’ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn phải ‘nhả’ 3% ‘phí ăn cướp’ sau quá nhiều năm ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’. Bởi nếu không chịu nhả ra, chính những doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng lên đòi xóa bỏ cái cơ chế bất công như lối ăn cướp ấy.
Leave a Comment