Tôi chưa có cái hân hạnh được diện kiến thi sĩ Đỗ Trung Quân. Email, fb, điện thoại (qua lại) cũng không luôn – dù chỉ một lần. Nói tóm lại là không có quen biết gì hết trơn; và nói nào ngay thì cũng chả có chút thiện cảm nào hết trọi. Tính tui không sính chuyện văn thơ (vớ vẩn) và cũng chả ưa gì đám người cầm bút (nói chung) vậy thôi.
Bữa rồi, vừa trở lại Bangkok, nghe em út nói lại là trong lúc tui vắng mặt thì Đỗ Trung Quân có ghé qua đây vài bữa:
- Thằng chả chơi được lắm, anh ơi.
- Được cái khoản nào?
- Rót ly nào ực hết ly đó. Trận nào cũng gục ngay tại bàn. Bữa nhậu chia tay, tụi em phải đi kèm ra phi trường Don Mueang đó chớ. Chả cho chó ăn chè, ói ửa tùm lum, tài xế taxi nó chửi dậy sóc Bom Bo luôn …
- Vậy thì “được” thiệt!
Nói nào ngay thì mấy cha nội theo trường phái “xả láng sáng về sớm” (rót ly nào ực hết ly đó) rất khó có ai “đàng hoàng và đứng đắn” lắm nhưng chắc chắn họ đều là những người chân thật. Tin được, chơi được, và viết lách – xem ra – cũng … được:
Tạm “tị nạn rượu” nằm nhà, chợt nhớ lâu ngày anh em chưa gặp nhau. Gọi điện cho thằng em ruột mời cà phê. Nó cười trong điện thoại: “Ông anh mà cà phê à ?”
Quán lề đường . Thằng bộ đội của năm 1979 giờ thất nghiệp, vợ nuôi. Tôi bảo:“chú có số ‘thân cư thê’ sướng hơn tôi. Thằng em thua tôi 6 tuổi, năm 79 nó ở quận 4. Khi Trung Quốc đánh Việt Nam nó lang bang vào cuộc mít tinh ở ngã tư Hoàng Diệu – Đoàn Nhữ Hài nghe anh Bí thư Quận đoàn 4 đọc một bài hiệu triệu nảy lửa “đánh cho để răng đen …đánh cho để tóc dài…đánh cho chích phản bất phục hoàn…” gì gì đấy .
Sôi máu thanh niên nó về thưa mẹ tôi: “Cho con đi bộ đội”. Nghe kể lại mẹ tôi khi ấy rưng rưng nước mắt: “Thằng anh mày còn ở bên K chưa về, mày đi có chuyện gì thì mẹ sống với ai …” Nhưng nó cứ đi, đăng ký quân đội. Chuyển quân ra phía bắc. 4 năm sau vác ba lô giải ngũ, đen kịt lầm lì nhưng mẹ tôi hạnh phúc. Hai đứa con trai đều trở về bình an, lành lặn. Tôi đi làm công nhân in 8 năm, nó chạy xe ôm. Khi tôi về Tuổi Trẻ làm báo. Nó vẫn chạy xe ôm , tình thật nó chưa học xong lớp 6.
“Cái anh đọc diễn văn hiệu triệu hồi ấy tên gì em quên rồi anh nhỉ? “Anh Ba Đua – Nguyễn Văn Đua!”- Tôi trả lời, nó là thường dân chả để ý gì đến cán bộ lãnh đạo. Nhưng tôi biết chắc nó vào lính vì lời hiệu triệu chống bọn bành trướng bắc kinh của anh ngày ấy.
Anh Ba Đua. Thằng em tôi không biết anh bây giờ làm gì nhưng tôi thì đương nhiên biết. Anh là Phó bí thư thường trực Thành ủy thành phố này. Người không thích thanh niên Sài Gòn xuống đường, không thích cái áo U No – đường lưỡi bò mà ngay đến cả tạp chí Nature nổi tiếng thế giới cũng đã có bài lật tẩy bọn học giả Trung Quốc về cái đường lưỡi bò nhảm nhí ây. Anh không thích những cuộc hội thảo của giới trí thức việt nam về những vấn liên quan đến chủ quyền biển đảo, cho dù hôm nay họ cũng như anh ngày xưa đầy lòng yêu nước.
“Sao lại thế, hồi ấy ổng hùng biện, quyết liệt lắm kia mà. Em sôi máu đi lính vì bài diễn thuyết của Ổng đấy!” Tôi cười buồn, biết giải thích thế nào chuyện “ổng” nhỉ. Nó hỏi thế anh xuống đường ông Ba Đua có cấm, cản, làm khó gì không? Mà chẳng lẽ có hai anh Ba Đua. Có đúng là ông Đua ấy không ? Tôi lại cười buồn:“Hình như là có hai anh Ba Đua chú ạ!” (Đỗ Trung Quân. “Có Hai Anh Ba Đua.” Bauxite Việt Nam).
Thì rõ ràng là có “hai anh Ba Đua” rồi, chớ còn “hình như” cái con bà gì nữa – cha nội? Và chuyện này thì nghĩ cũng thường tình thôi, đâu có gì nghiêm trọng lắm mà buồn bã và cứ thở dài sườn sượt (năm lần/bẩy lượt) vậy cà?
Trong hai anh Ba Đua ít ra cũng có một anh (lúc trẻ) chịu chơi, dù là chơi dại nhưng chơi tới bến, dám “nhẩy núi” theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam từ tháng 8 năm 1971 lận. Người ta vẫn ví tuổi tác như cái gạt tàn thuốc lá, càng nhiều thì nó càng dơ nên Nguyễn Văn Đua khi già hoá bẩn (và hoá quẩn) cũng là theo “đúng qui trình cách mạng” thôi. Mấy chả đều như vậy hết trơn mà. Có sót mạng nào đâu.
Ủa! Không lẽ chỉ có bốn cậu bộ trưởng này thôi mà có thể làm cho đất nước lụn bại và tan hoang tới cỡ này sao?
Tất nhiên là không riêng gì tụi nó nhưng tui lựa đại bốn thằng vì con số (4) này có sự trùng hợp và tương thích với một đoạn hồi ký (Đến Già Mới Chợt Tỉnh) của nhà báo Tống Văn Công:
Năm 1991 trong vòng một tháng báo Lao Động có 4 bài phê bình 4 vị Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song lem nhem giành nhà cửa; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm không nghiêm túc thực hiện sắc lệnh đổi mới ngân hàng; Bộ trưởng Lâm nghiệp Phan Xuân Đợt phá rừng mà không trồng rừng bù lại; Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải chậm xây dựng nhà máy điện).
Tôi được Ban Tư tưởng Văn hóa mời riêng để góp ý. Lúc này ông Trần Trọng Tân đã vào Sài Gòn làm Phó bí thư Thành ủy. Ông Hữu Thọ lên Trưởng ban. Tôi nói, tất cả các bài báo đều rất chính xác. Nếu các Bộ trưởng không đồng ý thì xin cứ gửi bài phản biện, chúng tôi sẽ trả lời đúng quy định của pháp luật. Trưởng ban Hữu Thọ cười đáp: “Hôm nay Ban không mời Tổng Biên tập Tống Văn Công mà mời đảng viên Tống Văn Công, cho nên chúng ta không nói chuyện pháp luật mà chỉ nói về ý thức trách nhiệm của đảng viên đối với Chính phủ do Đảng mình lãnh đạo”. Tôi nói, dù chỉ xét về trách nhiệm đảng viên cũng vẫn phải căn cứ theo luật pháp chứ anh. Hữu Thọ cười, rồi thân tình nói bỗ bã theo kiểu bạn bè: “Tao hỏi mày, một Chính phủ mà chỉ trong một tháng bị mày phê phán te tua tới bốn vị Bộ trưởng thì còn đâu uy tín với trong, ngoài nước?
Té ra, hồi đó – hồi 1991 – Ban Tư Tưởng Văn Hoá của Đảng vẫn còn có chút ít sĩ diện để quan tâm đến “uy tín của chính phủ trong lẫn ngoài nước” nữa kia. Còn bây giờ thì Trưởng Ban Võ Văn Thưởng (1970) cùng Phó Ban Nguyễn Mạnh Hùng (1962) và đám trẻ trâu (Anh, Hà, Nhạ, Thể) đều là cá mè một lứa, và tuyệt không đứa nào còn biết liêm sỉ là gì nữa.
FB Thanh Tran mỉa mai: “Tôi đang nghĩ đến chuyện một ngày nào đó , những người làm giày dép ở Việt Nam có thể tạo ra được những đôi giày được làm bằng da mặt của những đảng viên CS vì nó đủ độ dày …”
Đã thế, lũ mặt dầy này còn được “lãnh đạo” bởi một anh T.T (Cờ Lờ Mờ Vờ) vừa thất học, vừa thất đức, và thất cách nữa nên đất nước mới nát như tương Bần – như hiện cảnh./.
Leave a Comment