tuankhanh’s blog – RFA
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh là một điển hình về quyền tự do ngôn luận bị giam hãm và chà đạp tại Việt Nam. Chỉ bằng việc bước xuống đường bày tỏ về tình hình ô nhiễm môi trường của đất nước, lên facebook để nói về thực trạng xã hội, nhưng anh Nguyễn Ngọc Ánh bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là mối nguy cho sự tồn vong của chế độ.
Ngày 6-6-2019, tòa án tỉnh Bến Tre đã kết án anh Nguyễn Ngọc Ánh 6 năm tù giam và 5 năm quản chế, theo điều 117 BLHS, tức có hành vi làm ra, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng với những cụ già, thanh niên mới vào đời… việc tạo cớ bỏ tù hàng loạt người dân, cho dù họ sống và hành động đúng với Hiến pháp Việt Nam về quyền tự do ngôn luận. nhà cầm quyền Việt Nam cũng bộc lộ sự suy nhược và mong manh của chính họ, trong thành trì đầy vũ trang và điều luật mơ hồ để chống lại nhân dân.
Phát biểu sau khi đi dự phiên tòa của chồng mình, chị Nguyễn Thị Châu nói rằng “dù sao đi nữa, tôi luôn tự hào về người chồng của mình” . Chị Châu mô tả lại phiên xử ngắn ngủi đó.
– Dạ, em đi lên tòa từ ngày 5/6. Mấy chị em người nhà các tù nhân lương tâm mướn nhà nghỉ và chờ ngày xử. Dù không cản trở gì, nhưng nơi ở của các chị em bị an ninh vây kín. Sáng ngày 6-6, em nhận thấy cách tòa án chừng 500m, công an đã dày đặc. Sau đó, em thấy một đoàn 5 chiếc xe chở Cảnh sát cơ động (CSCĐ) chạy vào, trong đó một xe chở anh Ánh. Lúc đó, em giơ máy lên để chụp thì công an thường phục ập đến ngăn em. Với em, phiên tòa diễn ra sau đó vô cùng nhàm chán và áp đặt. Thông báo thì nói tòa bắt đầu lúc 7g sáng, nhưng đến 8g30 mới bắt đầu, đến 12g đã kết thúc.
Thẩm phán và Viện Kiểm Sát chỉ đọc trên giấy ghi sẵn, nhưng lủng củng, đọc sai rất nhiều. Họ bắt chồng em phải nhớ lại những chuyện từ hai năm trước.
Chồng em xác nhận có livestream, nhưng khẳng định viêc anh tham gia biểu tình về môi trường, dân oan… là quyền của công dân. Anh Nguyễn Ngọc Ánh cũng nói xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm công dân, nên anh không có tội.
Nhưng với em, đó là phiên tòa dàn dựng. Chẳng hạn như phần người làm chứng thì có em và một người làm của gia đình em trước đây. Riêng người đó, công an có xe đưa rước riêng, cách ly với em. Người đó nói những lời mà an ninh muốn để kết tội chồng em. Chẳng hạn nhà em có một cái ao, mà anh Ánh để ở đó một cái gậy, thì người này nói là anh Ánh làm cái gậy để đi biểu tình. Rồi công an hỏi, người này kể tên những người nói chuyện livestream với chồng em y như lời an ninh kết tội.
Các video livestream trình chiếu lên màn hình để kết tội chồng em không có nguyên bản mà bị cắt sửa, chỉ có những câu nói hay phần nào bị coi là bất lợi. Còn nguyên bản, nguyên ý thì không có. Tòa cũng cố ý nhắc đi nhắc lại những điều này coi như là tội nặng của anh Ánh. Thẩm phán rồi Viện Kiểm Sát thay phiên tấn công chồng em không nghỉ, không kịp suy nghĩ để đối phó. Em còn nhớ lúc đó anh Ánh bị mệt và chân anh cũng đau đến mức anh phải vịn chặt mới không ngã, nên thẩm phán cho phép chồng em ngồi, nhưng chồng em đã từ chối. Em tin là chồng em muốn bày tỏ rằng dù như thế nào, anh cũng không nhượng bộ.
Lúc đó, em tức giận quá nên bật tiếng chửi thề và đá tung cánh cửa nên công an áp lại, ngăn em. Sau đó đi ra ngoài thì công an cũng kèm chặt.
Lúc kết thúc phiên tòa, em chạy vào và la lên với chồng mình “anh yên tâm đi, mình còn cuộc chiến cuối cùng. Mình sẽ cùng nhau vượt qua”. Công an cũng chặn em lại, không cho em lại gần chồng em.
Em còn nhớ, trước đó chồng em nói là dù có tù 15 hay 20 năm, thì anh cũng sẽ chấp nhận. Nên khi nhận bản án, anh Ánh không có gì tức tối hay sợ hãi gì cả.
Nhưng đó là suy nghĩ của anh Ánh, còn chị thì cảm thấy thế nào?
– Em nghĩ là bản án do ở trên đưa xuống, quyết định trước rồi. Một bản án bất công, soạn sẵn rồi. Em hiểu chồng mình đã quyết tâm bước trên con đường lên tiếng cho đất nước, tức chồng em đã biết trước chuyện gì sẽ đến. Vì vậy, cùng chồng mình, em chấp nhận hết. Có là một người tù án 10 hay 20 năm, chồng em vẫn là niềm tự hào của em.
Kết thúc phiên tòa, họ có cho chị gặp anh Ánh không?
– Lúc đi vào, đoàn xe đi cổng trước, nhưng khi kết thúc, họ đưa anh Ánh ra bằng cổng sau để tránh tiếp xúc với mọi người. Họ cũng không muốn anh chị em phản ứng, và tránh chuyện em nổi khùng lên. Em nhào vào xe chở anh Ánh thì 5 người an ninh giữ em lại, ngăn không cho em la lên, hay nói gì với anh Ánh. Ra đến quán café cùng mấy chị em gia đình tù nhân lương tâm thì vẫn còn canh, nhưng về đến nhà nghỉ thì không thấy nữa.
Phiên tòa xử anh Nguyễn Ngọc Ánh có ai đến đồng hành với chị không? Vì từ ngày 5-6, ở Sài Gòn hay nhiều nơi khác, an ninh đã chặn cửa rất nhiều người vì sợ mọi người tập trung về Bến Tre?
– Dạ có 4-5 chị em gia đình tù nhân lương tâm đến. Em nghĩ cũng có những người khác đến nhưng không gặp được tụi em, vì mọi người bị kèm chặt. Trong tòa thì chật ních người ngồi nhưng rất nhiều là người do công an cài đặt, nên không biết ai là ai.
Theo tình hình này, thì chị và anh Ánh có quyết định kháng cáo không?
– Em đã liên hệ với luật sư Đặng Đình Mạnh cho việc này. Em nghĩ ông xã em có sai lầm khi nghe công an thuyết phục không cần luật sư và ảnh cũng muốn giữ lời hứa với họ. Nhưng anh Ánh cũng nói rằng sau khi tự bào chữa mà xảy ra những tình huống mà ảnh không đồng ý, thì sẽ nhờ đến luật sư. Chắc là em sẽ đi thăm chồng em rồi có quyết định ngay. Qua phiên tòa này, em thấy chồng em bị lợi dụng chuyện chồng em tự bào chữa rồi quay chồng em chóng mặt luôn. Lúc em ở vị trí người làm chứng, thẩm phán hỏi em có thấy anh Ánh livestream không. Em nói là tôi không quan tâm livestream hay gì cả, nhưng việc chồng tôi nói chuyện với ai, làm gì, đó là quyền tự do của ảnh. Chồng tôi chỉ nói và đóng góp cho xã hội theo điều 167, chồng tôi không có tội. Tòa đã bắt em im lặng.
Cám ơn chị, và mong anh chị sớm có ý kiến sớm để cùng kháng cáo về bản án này.
Tuấn Khanh (ghi)
Leave a Comment