Tình hình kinh tế chính trị Việt Nam trước và sau đại hội 13

- Quảng Cáo -

Đỗ Văn Ngà|

Nói về một doanh nghiệp, nếu được ưu đãi về tài chính thì đó là một thế mạnh khó có ai địch nổi. Có nhiều doanh nghiệp, nhiều nhóm khởi nghiệp có ý tưởng tốt nhưng chỉ vì thiếu nguồn tài chính mà những ý tưởng ấy phải lụi tàn. Nếu nói ý tưởng là mầm non, thì tài chính là nước tưới. Dù cho hạt giống tốt, dù cho mầm khỏe mà gặp cảnh hạn hán thì chỉ có chết khô. Như vậy, để vực dậy nền kinh tế đất nước, bộ máy nhà nước cần biết đâu là mầm tốt và có chính sách tưới nước đúng cách thì vô số chồi non sẽ nảy mầm và lớn mạnh. Nói cụ thể là, xác định dự án khả thi và ưu đãi tín dụng đúng đối tượng thì kinh tế Việt Nam sẽ khác.

Ở Việt Nam, ngành ngân hàng là sân chơi các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp sân sau. Cho nên chuyện cho vay của họ cũng lắm phức tạp và đủ thứ quan hệ ma quỷ trong đó, họ đi đêm với nhau để ký những khoản vay dễ dãi. Thường thì sân sau hiểu nhau, ngân hàng biết doanh nghiệp đó là của đại thần này của tể tướng kia thì họ an tâm cho vay. Thực tế những ngân hàng này cho vay dựa vào thế lực của doanh nghiệp chứ không dựa vào năng lực nên họ đã rất dễ dãi cho loại doanh nghiệp sân sau. Còn doanh nghiệp nhà nước thì có sự bảo kê của nhà nước nên ngay trong chính sách đã có những ưu đãi đặc biệt. Mà trong số những doanh nghiệp này, có khá nhiều là loại doanh nghiệp yếu kém. Nếu doanh nghiệp tỷ đô mà yếu kém thì những khoản vay của nó trở thành khoản nợ khó thu hồi. Chính vì thế, nhiều ngân hàng thương mại rơi vào cảnh mất khả năng thanh khoản do nợ xấu quá nhiều và đứng trước nguy cơ phá sản. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước ra tay hốt về xử lý khối nợ xấu ấy. Nói cho cùng, để xử lý khối nợ xấu một cách ổn thỏa thì chỉ có in tiền đắp vào mà thôi. Thế thì khác nào móc túi toàn dân để xử lý khối nợ đó?

Sự phân bổ tài chính ưu ái một cách đặt biệt những doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp sân sau và sự thắt chặt tài chính với những doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính, điều đó chẳng khác nào mầm cây thuốc bị cho thiếu nước phải chết héo hoặc tồn tại một cách còi cọc, còn mầm cây độc lại được chăm bón thật kỹ không? Một đất nước mà mặt có ích bị hạn chế, còn mặt phá họai được khuyến khích thì phát triển thế nào được?

- Quảng Cáo -

Ở doanh nghiệp tư nhân ngoài nhóm thân hữu, rất nhiều trong họ bị đói vốn cạy không ra và phải để ý tưởng chết yểu. Trong khi đó khối doanh nghiệp quốc doanh được ưu đãi tài chính thì mang tiền đi đầu tư một cách ngu ngốc để rồi cuối cùng hàng loạt gói vay đó không cách nào thu hồi, kéo theo nền kinh tế phải gánh nợ cho một hệ thống kinh tế nhà nước và khối doanh nghiệp thân hữu chỉ chuyên phá hoại.

Làm ăn thua lỗ thì có nhà nước cứu, điều đó nó tạo nên tâm thế ỉ lại của cả một bộ máy doanh nghiệp. Các chuyên gia nước ngoài gọi đó là “zombie workers”, nghĩa là con người làm việt trong những doanh nghiệp này như những cái xác vô hồn biết đi. Và tất nhiên, trong những doanh nghiệp loại này thì tính sáng tạo gần như là zero. Những doanh nghiệp to xác, ngốn vốn lớn nhưng lại không làm ra lãi mà làm ra nợ. Tiền ngân sách nói cho cùng là tiền của dân.

Trong hệ thống chính trị độc tài Cộng Sản, mỗi một lãnh đạo đều mang cho mình sứ mệnh làm chính sách cho nhóm sân sau. Thực tế là, những doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp sân sau dù lớn đến đâu cũng chỉ là những con đại bàng non háu đói cứ hả mỏ la la làng chờ đại bàng bố mẹ đi gắp mồi về mớm. Mồi của những con đại bàng non này là những gì? Đó là những cơ chế, những chính sách đánh vào quyền lợi nhân dân và những doanh nghiệp chân chính. Và hiện nay, doanh nghiệp sân sau mọc lên như nấm để tranh thủ khai thác lợi thế. Và càng về sau, thứ doanh nghiệp này hoành hành càng kinh khủng hơn. Với một đất nước mà hiện trạng này không hề cải thiện thì đất nước này không thể ngóc đầu nổi chứ đừng nói gì cất cánh.

Còn chừng 20 tháng nữa thì đến đại hội 13, ai cũng chạy đua giành giật ghế cho mình nên trong Bộ Chính Trị và Trung ương đảng đang ráo riết tố nhau để giật đối thủ xuống, nâng cánh hẩu mình lên tạo thành một một chính trường đấu đá bát nháo. Mồm mấy ông lãnh đạo cấp cao đầu óc thủ cựu thì vẫn cứ bảo lưu mô hình kinh tế như cũ nhưng họp hành thì vẫn lập ra mục tiêu rất kêu và rất hoang tưởng, nào vượt Singapore, nào tạo đà cho đất nước “cất cánh”, nào vân vân và vân vân…

Sau đại hội 13, dàn lãnh đạo mới sẽ lên, nhưng đất nước vẫn sẽ lún sâu vào khủng hoảng và nhân dân sẽ là kẻ chịu mọi thiệt thòi do hậu quả lãnh đạo đất nước kém hiệu quả của ĐCS mang lại. Dân phải gánh chịu khủng hoảng đất nước như thế, còn quan chức thì sao? Đất nước nghèo, dân cực khổ nhưng chắc chắn một điều rằng, quan chức vẫn giàu có và sống phè phỡn. Việt Nam dưới thời CS, chẳng rồng chẳng chim gì cả mà chỉ là con giun đất, mà giun đất thì lấy đâu ra cánh để mà cất? Thực tế là vậy, ĐCS lãnh đạo chỉ đến thế thôi, không cất cánh nổi đâu./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here