Trở lại với câu hỏi “Liệu có thảm sát Thiên An Môn ở Việt Nam hay không?” Không ai có thể có câu trả lời chắc chắn về những gì chưa diễn ra. Tuy nhiên, tôi cũng như Đoan Trang, “vẫn tin vào chút tình đồng bào, tình người có trong họ (nhà cầm quyền VN)” và hy vọng rằng họ không sắt máu như đảng CSTQ. Nhưng để trả lời: “Không” thì không ai có thể khẳng định.
Cách đây 30 năm, một cuộc biểu tình khổng lồ đòi dân chủ nổ ra tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc mà tâm điểm là Thiên An Môn do giới sinh viên tổ chức. Cuộc biểu tình này vào đỉnh điểm lên tới cả triệu người tham gia.
Với chủ trương đè bẹp bất cứ sự xáo động nào để giữ ổn định chính trị từ phía đảng CSTQ, cuộc biểu tình đã bị đàn áp đẫm máu. Quân đội được huy động với qui mô quân đoàn và số binh lính được huy động bằng một nửa đội quân xâm lược Việt Nam vào Tháng 2 năm 1979.
Quân đội đã nhả đạn vào đám đông biểu tình, cho xe tăng cán lên họ.
Bao nhiêu người thiệt mạng trong cuộc đàn áp này? Vài trăm, vài nghìn hay 10 nghìn? Con số này bị giấu giếm và không bao giờ có được. Nó chỉ có thể được tiết lộ khi một chế độ dân chủ thay thế cho chế độ độc tài hiện nay ở TQ.
Tuy nhiên, theo thông tin trong một bài “Tài liệu tuyệt mật của CIA về vụ thảm sát Thiên An Môn 1989” ngày 29/02/2016 của tờ Petrotimes thì số bị giết cụ thể đến con số lẻ là 10454 người
Một chế độ man rợ, chống lại loài người, không có lý do gì để tồn tại trong một thế giới văn minh.
Cuộc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn là một vết nhơ không bao giờ gột rửa được trong lịch sử đảng CSTQ.
Cứ nghĩ rằng việc bắn giết đồng bào của mình chỉ xảy ra ở thời điểm ấy, khi mà những giá trị dân chủ của nhân loại còn ít lan tỏa đến Trung Quốc. Cứ nghĩ rằng họ sẽ phải ân hận, sẽ phải rút kinh nghiệm và lấy làm tiếc vì việc làm của những người lãnh đạo tiền nhiệm.
Vây mà 30 năm sau, chứ không phải là vừa sau năm 1989, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn không hề thấy sai lầm trong việc bắn giết đồng bào của họ ở Thiên An Môn. Theo VOA thì ngày 2/6, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói rằng cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh 30 năm trước là quyết định “đúng đắn”.
Phát ngôn của họ Ngụy với tư cách Bộ trưởng quốc phòng tại một diễn đàn quốc tế đương nhiên không phải là ý kiến cá nhân. Nó phản ánh nhãn quan của Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Trên thực tế thì suốt 30 năm qua, Trung Quốc không hề có một ý kiến chính thức hay ít ra từ một nhà lãnh đạo nào tỏ ra “lấy làm tiếc” về sự kiện này. Nếu Cách mạng văn hóa ở TQ, Đặng Tiểu Bình thừa nhận sai lầm thì với sự kiện Thiên An Môn họ cho là chuyện đương nhiên phải thế.
Quan điểm giữ ổn định chính trị được đưa ra để đàn áp khốc liệt mọi sự phản kháng ở TQ. Họ muốn một sự ổn định kiểu nhân dân làm nô lệ thì cứ làm nô lệ, họ cai trị thì cứ cai trị. Như thế là ổn định chính trị. Chính sự duy trì ổn định này đã khép nhân dân TQ vào thân phận tôi đòi, mất hết tinh thần phản kháng và các giá trị dân chủ bị chặn đứng tại biên giới tư tưởng.
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy, nếu có những biểu tình qui mô tương tự biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 cũng sẽ bị đàn áp, bắn giết. Súng vẫn nhả đạn vào những người biểu tình và những mảng thịt nát bét, những búi tóc vẫn tiếp tục quấn vào bánh xích xe tăng.
Phát ngôn này của Ngụy Phượng Hòa làm cho người Việt nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước rùng mình. Họ đặt câu hỏi: Nếu VN trở thành thuộc địa của TQ, thì số phận của người VN sẽ ra sao? Tất nhiên còn rẻ rúng hơn những người TQ bị giết ở Thiên An Môn.
*
Nhà báo Phạm Đoan Trang đặt câu hỏi: “Liệu có thảm sát Thiên An Môn ở Việt Nam hay không?”
Bàn về câu hỏi này, cần phải liên hệ đến tình hình ở VN:
Đợt biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu vào Tháng 6 năm ngoái, nhà nước đã dẹp được bằng đàn áp, bắt bớ và bỏ tù. Nhưng giả sử không dẹp được thì sao?
Ở VN, chưa có đợt biểu tình nào qui mô và dài ngày như ở Thiên An Môn. Tinh thần phản kháng ở VN hiện nay còn xa mới bằng tinh thần Thiên An Môn 30 năm trước. Lưu ý rằng 30 năm trước chưa có sự bùng nổ thông tin nhờ mạng Internet như ngày nay.
Đoan Trang kể một câu chuyện về một người bạn Trung Hoa của cô là Rose Tang, một trong các nhân vật lãnh đạo sinh viên còn sống sót và tự do sau sự kiện Thiên An Môn.
Rose Tang nói với Đoan Trang rằng sai lầm lớn nhất của chị và các bạn sinh viên hồi đó, là đã tưởng rằng “Đảng và Nhà nước Trung Quốc không thể ác đến thế”.
Chị thừa nhận với Đoan Trang rằng “chúng tôi ngây thơ. Chúng tôi đã nghĩ là họ sẽ không bắn giết những người dân không một tấc sắt trong tay, những người thậm chí không hề kêu gọi lật đổ chính quyền. Chúng tôi đã chỉ muốn đối thoại mà thôi. Chúng tôi đã quá ngây thơ, cứ tưởng những viên đạn bay trên đầu chúng tôi chỉ là đạn cao su…”
Trở lại với câu hỏi “Liệu có thảm sát Thiên An Môn ở Việt Nam hay không?” Không ai có thể có câu trả lời chắc chắn về những gì chưa diễn ra. Tuy nhiên, tôi cũng như Đoan Trang, “vẫn tin vào chút tình đồng bào, tình người có trong họ (nhà cầm quyền VN)” và hy vọng rằng họ không sắt máu như đảng CSTQ. Nhưng để trả lời: “Không” thì không ai có thể khẳng định.
Leave a Comment