Kinh tế Việt Nam sẽ qua mặt Singapore năm 2029?

- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Việt Nam cũng như các quốc gia nhỏ vừa thoát khỏi tình trạng chiến tranh, muốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống dân chúng đều phải được thúc đẩy bởi các chính sách kinh tế khôn ngoan của chính phủ dựa trên tiềm năng nhân lực, tài chánh và viện trợ giúp đỡ của quốc tế.

Từ sau năm 1975, có lẽ còn ngây ngất chất men chiến thắng của cuộc chiến tranh xâm lăng, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam không quan tâm đến những điều đó, mà họ chăm chú vào việc tuyên bố cho thật nổ hay vin vào các dự báo kinh tế này nọ để vỗ tay reo mừng. Lê Duẩn trước đây đã từng khẳng định một cách chắc chắn Việt Nam sẽ qua mặt Nhật Bản 10 năm sau, nhưng rốt cuộc chỉ là lời nói nước đổ đầu vịt. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì lâu nay mãi mê với những tuyên bố đầy ảo tưởng mà theo ông ta, tỉnh, thành phố nào của Việt Nam cũng là đầu tàu thế giới.

Mới đây, hãng Bloomberg chuyên về tin tức kinh doanh trên thế giới đã đưa tin, theo báo cáo của ngân hàng DBS Bank của Singapore cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua Singapore vào năm 2029. Dĩ nhiên đây không phải là một tin đáng ăn mừng cho kinh tế Việt Nam, mà chỉ là dự báo của một tổ chức tài chính dựa trên những chỉ số được phân tích trên lý thuyết.

- Quảng Cáo -

Chuyên gia kinh tế ở Singapore cho rằng với điều kiện Việt Nam giữ được mức tăng trưởng liên tục 6.5% như hiện nay thì trong vòng 10 năm tới Việt Nam sẽ qua mặt Singapore. Con số 6.5% là con số do Tổng cục thống kê đưa ra mà ai cũng biết mức độ chính xác của nó trồi sụt theo nhu cầu chính trị, đôi khi được thổi phồng một cách vô tội vạ. Vì vậy có thể kết luận đó là con số không đáng tin.

Chỉ cần một câu “qua mặt Singapore” thế là lãnh đạo Việt Nam vội vàng phất tay chỉ đạo cho báo đài quốc doanh phối hợp nhau thổi phồng tin này lên, với mục đích biến con nhái thành con bò. Họ không giấu được sự vui mừng coi như đây là sự thật không thể nào không xảy ra. Việt Nam nếu không hoá rồng thế nào cũng hoá cọp.

Nhưng nếu đọc kỹ bản tin, chuyên gia ở Singapore đã đưa ra nhận định của mình căn cứ vào những khó khăn mà Trung Quốc phải đương đầu trong cuộc chiến tranh mậu dịch với Hoa Kỳ. Thương chiến Mỹ-Trung càng kéo dài Việt Nam càng có thể hưởng chút ít lợi lộc, nhờ vào các công ty sẽ đầu tư vào Việt Nam thay vì vào Trung Quốc. Trong trường hợp đó, với lợi thế giá nhân công còn rẻ, điều kiện đầu tư dễ dàng sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Và theo cách tính toán của chuyên gia ngân hàng DBS Bank, GDP năm 2029 của Singapore chỉ đạt 492 tỷ USD, trong khi GDP năm 2029 của Việt Nam là 499 tỷ USD.

Vậy là Việt Nam đã qua mặt Singapore, một kết luận quá đơn giản mà không tính tới biết bao yếu tố rủi ro khác của một nền kinh tế không chân đứng. Hay nói khác đi là kinh tế Việt Nam thiếu tiềm lực phát triển lâu dài do chính sách kinh tế khập khiễng, vì bị ràng buộc trong khuôn khổ của định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác chuyên gia này không tính tới năm 2029, lúc đó đời sống của người Việt Nam đã qua mặt được Singapore chưa?

Thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2017 cho thấy lợi tức bình quân của người Singapore là trên 55.000 USD/đầu người so với chưa tới 2.400 USD của người Việt Nam. Như vậy sự chênh lệch mức sống giữa hai bên thật sự không biết đời nào mới có thể san bằng, giống như giữa địa ngục với thiên đàng.

Cho dù ao ước vượt qua Singapore là ao ước không xấu nhưng nó thể hiện một tầm nhìn quá thiển cận của những người cộng sản đang nắm vận mệnh nền kinh tế đất nước trong tay. Họ không nhìn thấy bản thân nền kinh tế Việt Nam đã quá nhiều năm bị trói buộc trong những cơ chế đi ngược lại sự phát triển, do chưa từ bỏ nổi định hướng xã hội chủ nghĩa u ám, suốt đời nuôi dưỡng các công ty quốc doanh làm chủ đạo.

Họ vẫn tin tưởng một cách mù quáng rằng những công ty quốc doanh là nền tảng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang theo đuổi đến cuối thế kỷ 21. Do đó, dù là những đứa con chỉ biết làm ăn thua lỗ, phá sản dài dài chính phủ vẫn gồng mình duy trì sự sống của chúng bằng ngân sách ngày càng kiệt quệ. Chính định hướng này đã đóng mọi cánh cửa để kinh tế Việt Nam cất cánh, ít nhất cũng sánh vai ngang ngửa với các nước ASEAN mà không đến nổi lẹt đẹt phía sau như hiện nay.

Chúng ta nên hiểu một cách rõ ràng nền kinh tế Việt Nam hiện nay hầu hết dựa vào đầu tư vốn trực tiếp từ nước ngoài (FDI), với thế mạnh chiếm 70% lượng hàng xuất cảng. Vì thế nếu vào năm 2029 nếu quy mô nền kinh tế Việt Nam có vượt qua Singapore thì mức sống chênh lệch do thu nhập bình quân đầu người vẫn cho thấy còn lâu Việt Nam mới đuổi kịp Singapore. Vả chăng quy mô kinh tế Việt Nam có thực sự lớn mạnh sau 10 năm nữa thì đó không phải là do năng lực của chính các công ty quốc doanh nhà nước hay của tư nhân Việt Nam. Mà nó do doanh nhân ngoại quốc mang tiền vào đầu tư, thiết lập cơ sở sản xuất, dùng sức lao động giá rẻ của người Việt Nam xuất cảng hàng hoá kiếm lời.

Vì vậy nếu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo cách tính toán thiếu minh bạch của Việt Nam qua mặt Singapore thì có gì đáng mừng? Nó chỉ là một phương tiện hào nhoáng giúp cho đảng CSVN tuyên truyền huênh hoang kinh tế tăng trưởng cao nhờ tài lãnh đạo kiệt xuất của đảng cộng sản sáng suốt, anh minh.

Trong thực tế hàng năm chính phủ phải xoay sở bù đầu, vơ vét từng đồng để trả nợ công. Còn người dân thì còng lưng với hàng trăm loại thuế phí, cuộc sống vẫn nghèo nàn thấp kém chưa sánh được với Lào, Campuchia làm sao so được với Singapore.

***

Xin vui lòng tiếp tay phá vỡ bức màn bưng bít thông tin của chế độ bằng cách SHARE bài viết trên FB của Bạn. Trân trọng cảm ơn Bạn.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here