- NhanHoa’s blog – RFA – Tít báo “Ông Trọng để Phó Chủ tịch nước thay mặt đọc tờ trình ở Quốc hội” chẳng mấy ai quan tâm. Tuy nhiên, những vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại Hội nghị TW10 lại là đề tài thu hút các bình luận gia vỉa hè lẫn giới phân tích kinh điển.
Phó Chủ tịch nước thay mặt Chủ tịch nước đọc tờ trình ở Quốc hội là câu chuyện ai cũng đoán trước được. Giờ nó thuộc vào loại tin “xe cán người” chứ không còn giật gân như loại tít “người cán xe” cách đây nửa tháng khi ông Trọng xuất hiện (ngồi) tại Hội nghị TW10. Tuy nhiên, những vấn đề Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại Hội nghị thì vẫn là đề tài trung tâm đối với các nhà bình luận vỉa hè lẫn giới phân tích quốc tế.
Luận theo hướng tích cực
Phải thừa nhận ông Trọng đã xới lên ba vấn đề khá cốt lõi lâu nay. Đó là: i) Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không? ii) Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? và iii) Có cần phải sửa đổi điều lệ của đảng hay không? Ngay lập tức, một số chuyên gia “cầm đèn chạy trước ô tô”, hy vọng vào một “đột phá” nào đấy trong tư duy và não trạng của người đứng đầu đảng CSVN, nhất là liên quan đến vấn đề ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và sức ép từ chính nội bộ đảng đòi phải có đổi mới chế độ chính trị.
Xu hướng lạc quan nói trên cho rằng, ông Trọng tuy thuộc loại “hủ Marx” nhưng khi đã đứng trên đỉnh cao nhất của quyền lực, hiểu được sự hữu hạn của cuộc đời, ông sẽ muốn được lưu danh muôn thuở trong sử sách của đảng cũng như lịch sử của dân tộc. Ông nghĩ về Lê Nin những năm cuối đời, từ trên giường bệnh, “đẻ” ra cái NEP (chính sách kinh tế mới của nước Nga Xô-viết những năm 1920) nổi tiếng sau này, dù là “chửa trâu” và bất khả thi.
Từ Mạc Tư Khoa “bay về” Đài Bắc, ông Trọng nhớ đến bố con Tưởng Giới Thạch. Con trai Tưởng là Tưởng Kinh Quốc, kế vị cha, thời gian đầu vẫn duy trì chính sách độc tài. Nhưng sức khỏe của Kinh Quốc trong thập niên 1980 ngày càng yếu đi. Tháng 3/1986, Kinh Quốc yêu cầu chỉnh đảng đi cùng cải tổ chính trị. Một ủy ban 12 người lập ra để thảo luận 6 khâu “đột phá”, trong đó có vấn đề đảng đối lập… Khi các nhà dân chủ thành lập đảng đối lập Dân Tiến, ngồi trên xe lăn, Tưởng Kinh Quốc (cũng cỡ tuổi ông Trọng bây giờ, 76), ra lệnh: không đàn áp, không làm gì hết
Thấp thoáng, ông Trọng có đọc ở đâu đó về ứng viên Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo. Ngày 29/6/1987, Roh tung ra diễn văn hứa sẽ ân xá cho mọi tù nhân chính trị. Đến 19/12/1987, Roh Tae-woo trở thành Tổng thống đầu tiên do dân bầu ra tại Hàn Quốc. Năm 1993, người kế nhiệm Roh là Kim Young-sam, mở chiến dịch chống tham nhũng, đưa đưa cả Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo vào tù, vì tội nhận hối lộ. Chun bị án tử hình, sau đó rút còn chung thân; án 22 năm tù của Roh giảm xuống còn 17 năm.
Đến đây, ông Trọng không dám nghĩ tiếp, vì… mạch đập nhanh hơn và huyết áp lại tăng vọt. Trường đoạn phim về lịch sử dân chủ hóa đẫm máu của Hàn Quốc khiến ông giật mình. Mỏi mệt, ông cũng không dám tham khảo nhiều hơn về phương cách thoát khỏi ách “độc tài thông minh” của đảo quốc Singapore và con đường “dân chủ hoá thực sự” của một thành viên đáng nể trong ASEAN, đất nước vạn đảo Indonesia.
Phải chăng, cú “sốc nhiệt” ở Kiên Giang và những ngày sống nhờ chế độ chăm sóc đặc biệt (với giàn bác sỹ Tầu) đã khiến nội tâm ông Trọng trải qua quá trình tự chuyển hóa sâu sắc (deep self-transformation). Giáp ranh giữa sự sống và cái chết, ông chợt nhận ra cuộc đời này là vô thường, quyền lực và lợi danh chỉ là hư vinh, còn ý thức hệ lại càng phù phiếm (Có lúc ông cũng đã thử xé rào trong tư duy khi phát ngôn, không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hay chưa…).
“Rung chà cá nhảy”?
Quyền lực Tổng – Chủ (ngang ngửa với ông Tập bên Tầu) khiến ông Trọng khá mãn nguyện. Ngoài ra ông còn giữ các vị trí: Bí thư Quân uỷ Trung ương (nắm khối quân đội), Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương (nắm khối công an), Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đấy là chưa kể một lô một lốc các chức vụ khác do cơ cấu như: Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Văn kiện Đại hội Đảng XIII sắp tới…
Có lẽ giờ này, chính ông cũng không nhớ hết các chức vụ của mình (!) Ông trầm ngâm trên giường bệnh. “Ta nghi ngờ vậy thì ta tồn tại!” Ông cố tình sửa lại cái vế đầu trong một phát biểu triết học từng được René Descartes sử dụng và đã trở thành yếu tố nền tảng cho triết học Tây phương “Cogito ergo sum” (Ta tư duy vậy thì ta tồn tại!) Ông Trọng tư duy và không phải không có lúc ông nghi ngờ tất cả. Ông thấy “cái lò” của ông tuy nóng nhưng không mấy hiệu quả. Tham nhũng xứ Đại Việt này sao lại giống ở “mẫu quốc” vậy? Chúng như những cái đầu của Phạm Nhan, chém đầu này chúng mọc đầu khác.
Rồi ông nhớ lại kinh nghiệm các đại hội đảng X, XI và XII… Báo chí thời ấy đã đăng rất nhiều ý kiến tâm huyết của người dân về các dự thảo văn kiện Đại hội, nhưng trên thực tế lại không có mấy ý kiến được tiếp thu, dẫn tới tình hình kinh tế xã hội đang ngày càng sa sút, đến mức báo động. Ông Trọng giật mình, nói gì thì nói chứ phải ổn định bằng mọi giá, không để mất chế độ. Ông chợt nhớ lại thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi nói chuyện với văn nghệ sỹ, ông ấy khuyến khích mọi người “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Chỗ riêng tư người ta khen ông nói hay, ông đáp lại, với trí thức văn nghệ sỹ phải nói thế chứ, nhưng khi hành động ta vẫn cứ phải riết róng!
Đúng thế, 3 vấn đề ông Trọng vừa đặt ra tại Hội nghị TW10 chỉ là mồi nhử, đúng như cánh nghiệp vụ từng cố vấn. Hãy rung chà cho cá nhảy! Sau Đại hội XII, chính ông cũng từng lớn tiếng sau khi thu trọn quyền lực: “Để xem còn ai dám đòi bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng hay đòi áp dụng tam quyền phân lập nữa không?” Đe thế mà chẳng thấy cánh xã hội dân sự phản ứng gì. Phía Hoa Kỳ và châu Âu có vẻ cũng yên ắng. Mỹ Trung đang lo quại nhau, châu Âu đang sợ phân rã.
Giống như “Trăm hoa đua nở” bên Tầu, “Rung chà cá nhảy” sẽ là diệu kế. Trong giấc ngủ miên man, ông lướt qua các báo cáo từ Tô Lâm và Phạm Bình Minh vừa gửi tới, tóm tắt những kết quả và khúc mắc của hai vị tay chân vừa đi công du Mỹ Quốc về. Bài toán khá nan giải, tránh được vỏ dưa nhưng liệu đối phó với vỏ dừa thế nào đây? Lẩn được chuyến “triều cống” Bắc Kinh, nhưng các yêu cầu của Washington xem ra không dễ đáp ứng. Vẫn là dân chủ, nhân quyền, vẫn là tự do báo chí, tuy mức độ không gay gắt. Tuy nhiên các khoản lợi về kinh tế và an ninh thì hết sức lớn lao. Qua Mỹ hay mời Mỹ qua?
Nguyễn Phú Trọng thiếp đi trong giấc mơ “đu dây” đầy mạo hiểm ở các gánh xiếc rong…
Leave a Comment