Chỉ sau khi dư luận, mạng xã hội, báo chí quốc doanh và có thể cả ‘một bộ phận không nhỏ’ trong giới đồng chí của nội bộ đảng cầm quyền phản ứng dữ dội về thảm họa tăng giá điện vô tội vạ của Bộ Công thương và EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), giới chóp bu của chính phủ ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ mới vội vàng chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ tiến hành ‘kiểm tra việc tăng giá điện’ như một động tác chữa cháy và rất có thể chỉ mang tính dân túy (hoặc gọi thẳng ra là mị dân).
Chiến thuật ‘núp lùm’
EVN đã tăng giá điện đến 8,36% vào đầu năm 2019, nhưng đến khi tính giá điện cụ thể với các hộ gia đình thì lại xảy ra quá nhiều trường hợp người dân ngã ngửa khi mức thu hàng tháng vọt đến 50 – 70% so với tháng trước, thậm chí một số hộ dân bị thu gấp đôi.
Như vậy, động tác tự biên tự diễn kiểm tra giá điện’ của Bộ Công thương – cơ quan chủ quản của EVN và cũng là kẻ từ lâu đã bảo kê rất lộ liễu cho tập đoàn này – đã bị dư luận phản ứng đến mức phía chính phủ phải cho bộ này ‘núp lùm’. Còn Trần Tuấn Anh – con trai cựu ‘nguyên thủ quốc gia’ Trần Đức Lương kiêm bộ trưởng công thương và là một trong những thủ phạm phi mã giá điện, còn được Quốc hội ‘gật’ ưu ái đến mức không xếp ông ta vào danh sách bộ trưởng phải trả lời chất vấn với lý do… có quá ít yêu cầu chất vấn.
Vậy có thể tin được Thanh tra chính phủ sẽ công tâm trong ‘kiểm tra tăng giá điện’ hay không?
Những ‘tội đồ’
Vào năm 2011, EVN từng bị thanh tra và bị phát hiện đã hạch toán cả các công trình hồ bơi và sân tennis vào giá thành điện và bắt người tiêu dùng phải lãnh đủ. Nhưng bất chấp báo chí và dư luận kêu gào, từ đó đến nay Thanh tra chính phủ vẫn chưa có bất kỳ xử lý nào. Cũng từ đó đến nay, đã dậy lên rất nhiều dư luận về việc các thành viên trong đoàn thanh tra của Thanh tra chính phủ đã được ‘lót tay’ hậu hĩ.
Vụ việc cho chìm xuồng đó là quá lộ liễu và trơ trẽn, đến mức danh sách ‘tội đồ ngành điện’ ngoài Bộ Công thương, EVN còn được bổ sung thêm cái trên Thanh tra chính phủ.
Dưới thời Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, còn nhiều vụ bê bối khác đã nhanh chóng bị chìm xuồng.
Vào năm 2015, EVN bị phát hiện trốn thuế gần 5.000 tỷ đồng – theo một kết luận thanh tra của Bộ Tài chính.
Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện tập đoàn có những khoản hạch toán không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2015 -2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Tp.HCM (giai đoạn 2012-2015) dù thực tế chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Tp.HCM mà EVN phải trả cho Tập đoàn Dầu khí là 1.938 tỉ đồng.
Ngoài ra, EVN còn không hạch toán 4.847 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2016. Theo quy định, lãi chênh lệch tỉ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỉ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này…
Trước đó, vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến nay, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN giải quyết xong.
Cho tới nay, cấp trên trực tiếp của EVN vẫn là Bộ Công thương – một ‘cá mập’ lớn mà suốt từ thời cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến bộ trưởng đương nhiệm là Trần Tuấn Anh thuộc diện cán bộ ‘hót hay nhảy giỏi’, đều trắng trợn bao che cả tập đoàn tài phiệt trên không chỉ cho những âm mưu tăng giá điện, mà còn về hàng loạt cú xả lũ thủy điện bất nhân của EVN từ năm 2013 đến nay ở các tỉnh miền Trung mà đã trở thành tác nhân chính giết sống ít nhất hàng trăm mạng dân nghèo nơi rốn lũ.
Còn quan chức chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ ‘kiểm tra tăng giá điện’ – Nguyễn Xuân Phúc – thì lại ‘dính’ vụ chính ông ta chỉ đạo và quyết định việc tăng giá điện.
“Sau khi Thủ tướng có ý kiến phê duyệt, Bộ Công Thương mới ban hành quyết định tăng giá” – quan chức Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thanh minh với báo chí về việc tăng giá điện khi kể lể việc doanh nghiệp này đã đề xuất để “Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành liên quan trình Chính phủ phương án tăng giá điện”.
Cùng lúc, trên mạng xã hội hiện ra thêm một bằng chứng rõ như ánh sáng ban ngày: Quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 – 2020. Quyết định này là của Thủ tướng chính phủ, mang số 34, được ký ngày 25/7/2017 và dóng dấu ‘MẬT’, trong đó duyệt mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.
Trách nhiệm nào của Thủ tướng Phúc?
Với đề án trên, EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối mà không hề có một chút hơi hướng nào về điều mà giới quan chức hay phủ dụ là “hướng đến thị trường điện cạnh tranh”.
Trong đề án trên, nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ có một đầu mối EVN mua điện và bán điện. Mặt khác, theo quyết định của Chính phủ thì Nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không hề có cơ hội để tham gia…
Và với đề án “tái cơ cấu EVN” được chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, nhân dân đã tràn đầy cơ hội hoặc phá sản hoặc bị “móc túi”.
Cũng cần nhớ lại EVN đã độc quyền đến thế nào về chuyện mua điện.
Từ năm 2009, EVN đã mua điện từ các doanh nghiệp Trung Quốc với giá gấp đến 3 lần mức thông thường của doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, EVN mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, vin vào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thái độ kinh doanh bất chấp này đã bất chấp một thực tế là trong thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn, nhiều nhà máy điện ngoài EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam. Nhưng bởi lối hành xử đầy ngờ vực, EVN đã cố tâm mua điện trong nước với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc, kèm theo các điều kiện rất khắt khe…
Còn vào lần này, chính phủ ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ sẽ thông qua đoàn kiểm tra Thanh tra chính phủ, với cả thành viên của Bộ Công thương, để vừa đá bóng vừa thổi còi, xoa dịu dư luận và mị dân, và sẽ khiến ‘vụ án’ EVN sẽ lại chìm xuồng như những lần trước đây?
Leave a Comment