Tân Phong – Web Việt Tân
Từ sự hoang tưởng kiêu ngạo cộng sản đến viễn tượng bế tắc, hoang mang
Đúng một tháng biến mất khỏi mọi phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Phú Trọng đã trở lại chỉ đạo công tác “đốt lò” và chủ trì cuộc họp ban chấp hành Trung ương đảng khoá XII, hội nghị lần thứ 10, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 16 đến 18/5/2019. Đây là một cuộc họp quan trọng trong đó có những nội dung về công tác chuẩn bị đề cương các văn kiện trình đại hội XIII của đảng CSVN; góp ý việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội XIII và một số vấn đề cấp thiết khác mà thể chế CSVN đang đối mặt.
Ông Trọng có hai bài phát biểu tại buổi khai mạc và bế mạc hội nghị. Bài phát biểu khai mạc hội nghị của ông Nguyễn Phú Trọng có nhiều điểm đáng chú ý, xong dường như nhận được quá ít sự chú ý của công chúng, kể cả giới “bất đồng chính kiến”, những nhà nghiên cứu và quan sát chính trị Việt Nam trong và ngoài nước.
Có thể, mấy chục năm qua, những diễn văn, báo cáo chính trị đầy các tính từ và sáo ngữ của nhà nước CSVN rất ít ý nghĩa thực tiễn. Trong một thời gian dài, những phân tích, dự đoán chính trị xã hội dựa trên những “định hướng” của các lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN này… phần lớn đều sai lầm. Đơn giản là chúng chỉ được viết ra cho có và để đọc trong những hội nghị đảng.
Nó được cả một hệ thống chính trị khổng lồ tạo ra, vẽ lên những viễn tượng huy hoàng và chỉ có tác dụng duy nhất là thỏa mãn chứng hoang tưởng của những lãnh đạo cộng sản và đem cho người dân những cái bánh vẽ to lớn hơn. Những thay đổi thực tế mang tính căn bản hiếm khi xảy ra. Tuy vậy bài phát biểu của ông Trọng vừa qua, đã hé lộ những điểm khác lạ so với thứ diễn ngôn chính trị đầy tính kiêu ngạo cộng sản thường thấy bấy lâu nay.
Trong một bài diễn văn khai mạc hội nghị, khoảng hơn 2000 từ, ông Trọng đã đặt ra nhiều vấn đề “xưa như trái đất” nhưng vẫn mới đối với hệ thống đảng trị của thể chế CSVN. Trong diễn văn đó, cụm tính từ “khó, phức tạp”, “rất lớn, vô cùng khó”, “khó lắm, không dễ”, “rất khó, rất phức tạp”… cho đến một câu đầy cảm thán “Khó lắm, các đồng chí ạ!”, đã được lặp lại với tần suất bất thường. Những vấn đề ông Trọng cho là chiến lược, “rất lớn, vô cùng khó” đưa ra để bàn trong việc xây dựng văn kiện cho đại hội đảng XIII làm cho người có một chút tư duy chính trị xã hội phải ngỡ ngàng.
“…Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? …các địa phương hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào? …TP.HCM, 10 năm nữa, 15 năm nữa sẽ là thế nào? Có hình dung được hết không? Hà Nội sẽ là thế nào? Cứ nói thành phố thông minh, thành phố xanh, vậy nội hàm cụ thể là gì, hoặc nước ta đến năm 2030 sẽ là nước công nghiệp phát triển hay là một nước phát triển, hay là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội hàm của nó là gì? Từ năm 2001, chúng ta đã xác định đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giờ đã trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa? Khó lắm các đồng chí ạ, phải hiểu biết rất sâu sắc cả lý luận và thực tiễn, cả trong nước và quốc tế.
…Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó. Hay bây giờ nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không?”
Có thể thấy, những khái niệm chính trị xã hội rất “quen tai” mà các nghị quyết đảng, các chính sách chiến lược của chính phủ, nhà nước XHCNVN mà hệ thống truyền thông, tuyên giáo ra rả suốt hàng chục năm qua, giờ đây được ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra để bàn, định nghĩa cho hệ thống chính trị trong văn kiện đại hội XIII sắp tới. Tức là, suốt hơn 30 năm qua, họ nói về mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp”, về “thời kỳ quá độ”, “đổi mới kinh tế, chính trị”, v.v. như những con vẹt mà chẳng hiểu nội dung và ý nghĩa của các sáo ngữ đó là gì.
Đây là lần đầu tiên, một ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước đã phát biểu “hồn nhiên và chân thật” khi ông ta công nhận thật khó mà hình dung ra đất nước sẽ như thế nào trong 10 năm, 20 năm tới. Ngay cả, các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh với mục tiêu sẽ xây dựng thành phố thông minh, thành phố xanh nhưng nội hàm là gì thì cũng mô tê răng rứa. Đó là sự thực.
Trong buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2019, ông Bí Thư thành ủy thành Hồ Nguyễn Thiện Nhân, cũng phải than rằng “…với tốc độ xây dựng hạ tầng như hiện nay, hơn 100 năm nữa mới có thể đạt chuẩn quốc tế”. Vậy thì nói gì đến việc xây dựng đô thị thông minh? Nó cũng giống như việc ông Nguyễn Phú Trọng từng nói “…Đến hết thế kỷ này, không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”
Rất khác với những lãnh đạo cộng sản thời kỳ trước như Lê Duẩn – người nổi tiếng với những câu nói “để đời” như “Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng” hay cặp đôi “Nguyễn Tấn Dũng – Nông Đức Mạnh” vẫn còn say mê với tham vọng hão huyền tới năm 2020 sẽ xây dựng Việt Nam thành “nước cơ bản công nghiệp theo hướng hiện đại”. Giờ đây, lớp lãnh đạo cộng sản thời kỳ Nguyễn Phú Trọng đang cố gắng hình dung đất nước sẽ như thế nào trong vòng 10, 20 năm nữa.
Một sự chuyển đổi đáng kinh ngạc từ sự hoang tưởng của thói kiêu ngạo cộng sản hợm hĩnh đến những viễn tượng hoang mang, bế tắc với “tầm nhìn” không vượt qua nổi cái mũi của chính bản thân họ. Thời kỳ đầy huyễn hoặc về thiên đường xã hội chủ nghĩa và những lãnh đạo theo kiểu Anh chủ nhiệm “… Áo nâu bạc màu bay với gió. Anh giơ tay vẽ cả đồng xanh. Vẽ cả ngày mai thành bức tranh…” (thơ Hoàng Trung Thông) đã qua. Thay vào đó là lớp lãnh đạo “thày bói xem voi” đang cố gắng sờ cái chân của ông bạn vàng 4 tốt, để tả “con voi XHCN” vĩ đại như thế nào.
Và, để bàn xem những khái niệm “quá độ lên XHCN”, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” …là cái gì, thì cần phải tiếp tục tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế của người dân để… bàn tiếp. Hơn 90 triệu người dân đang còng lưng đóng thuế, nuôi một bộ máy 4 triệu đảng viên CSVN để làm những công việc như thế. Đó quả là một công việc “rất lớn, vô cùng khó khăn”. Vâng, thực là:
Khó lắm, các đồng chí ạ!
Tân Phong
Xin vui lòng tiếp tay phá vỡ bức màn bưng bít thông tin của chế độ bằng cách SHARE bài viết trên FB của Bạn. Trân trọng cảm ơn Bạn.
Leave a Comment