Nguyễn Hiền – (VNTB) – Nếu để miêu tả chính xác những gì mà xã hội Việt Nam đang tương tác, thì tiêu đề một bài viết của tác giả Quách Hạo Nhiên [1] đã miêu tả đúng bản chất: “Ung Thư Văn Hóa”, “Ung Thư Nhân Cách” Ở Việt Nam: Những Mảng Lở Loét Đã Bắt Đầu Thối Rữa, Bong Tróc.
Phạm Thị Yến, một người đàn bà đăng đàn thuyết giảng sai trái về “vong báo oan” và “oan gia trái chủ” nhằm hỗ trợ thu lợi bất chính từ hoạt động tôn giáo – tín ngưỡng của Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã gây chấn động dư luận, đến mức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tạm đình chỉ tất cả chức vụ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh vì đã vi phạm Hiến chương giáo hội và làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, Tăng đoàn.
Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, thì còn hàng trăm con người vẫn xì sụp, chắp tay, và nuốt từng lời một khi bà Yến thuyết giảng.
Nếu bà Yến đáng trách một, thì số lượng người u mê đáng trách mười, họ tìm cách thoát ly ra khỏi thực tiễn đời sống và khoa học luân lý, hình thành một khối ung thư về mặt văn hóa, khối u đó “lở loét và đã bắt đầu thối rữa, bong tróc”.
Và những con người u mê đó không xứng đáng được sống trên cương vị con người, một thực thể tồn tại vì biết tư duy.
Điều mà bà Yến làm ra, hay cái mà ông Đại đức Thích Trúc Thái Minh tận dụng, đó chính là một hệ văn hóa đầy tính chất lỗi thời và phản loạn, đi ngược lại với triết lý của sự phát triển và hệ tư duy của một con người. Nơi mà một đám người khốn khổ, luồn cúi như cách mà xã hội hoang dã con người từng diễn ra cách đây ngàn năm, nơi mà “Bái vật giáo” khiến con người co rúm lại để trốn tránh. Một bức tranh tôn giáo, nơi tái hiện đầy đủ nhất, sinh động nhất một “hình thức lịch sử đầu tiên của bái vật giáo”, xuất phát từ “trình độ văn hóa cực kỳ thấp kém” của con người nguyên thủy trong thế kỷ XXI. Thế nên, bằng cách nào đó, xuất hiện hiện tượng cực kỳ mâu thuẫn nhưng lại phù hợp với yếu tố xã hội hiện tại: Bỏ ra ngàn tỉ xây chùa nhưng không ai xây trường học [2].
Xứ sở này, với lớp phông văn hóa biến dạng đã không còn tồn tại yếu tố “thật thà” như cách mà nhà thơ Nguyễn Duy từng mô tả, thay vào đó, nó nghiêng hẳn về sự “điếm nát” cực đại, len lỏi tận vào mọi ngóc ngách nhỏ nhất của xã hội và con người, làm mục rữa giá trị đạo đức và pháp luật, làm bong tróc thói giả tạo và dựng nên một tượng đài của sự buông thả.
Một nền tảng văn hóa không phải bị sụp đổ, mà tất cả được tạo dựng trên nền tảng văn hóa mang đậm bản chất thiết chế và con người xã hội chủ nghĩa. Đến mức, GS.TS Hồ Sỹ Quý trong buổi góp ý kiến với Thủ tướng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn mới (13.5.2019 tại Hà Nội) đã sử dụng cụm từ “tha hóa con người” khi đề cập hiện trạng xã hội.
Cần một cuộc xét lại văn hóa?
“Văn hóa là sản phẩm của con người; là hệ quả của sự tiến hóa nhân loại”, nhưng nền văn hóa lố lăng và đầy giả tạo, thừa phi nhân bản nhưng lại đầy chất điếm của Việt Nam hiện nay đã không phải là sản phẩm của con người, thuộc về con người, mà nó là sản phẩm của cơ chế, và hệ quả của sự tiến hóa ngược, tư duy ngược từ chính trong thể chế. Do đó, không phải là chấn chỉnh văn hóa, xây dựng văn hóa trên mớ hổ lốn hiện tại, mà cần phải tiến hành một cuộc xét lại về văn hóa trong 44 năm qua (1975 – 2019). Bình diện này sẽ xét tất cả những khía cạnh văn hóa do cơ chế tạo ra, lột trần những thành tựu văn hóa giả tạo, đả kích mạnh những suy đồi văn hóa và đạo đức, lên án văn hóa điếm và sự giả dối,… Một bức tranh miêu tả đầy đủ nhất, về cái bản chất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Và chỉ khi con người đối diện với những “thành tựu” đầy man rợ đó, thì con người mới nhận thức được sự mất mát và thối rữa của chính nó, thúc đẩy những biện pháp và phương thức để đưa nền văn hóa này đến tro tàn, tạo điều kiện cho nền văn hóa mới của dân tộc trong tương lai.
Vào năm 1943, Trường Chinh – một người trong ĐCSVN đã viết bài luận về văn hóa, với tên gọi “Đề Cương về Văn hóa Việt-nam”. Trong đó, ông không những chỉ ra quan hệ giữa văn hóa với các yếu tố khác trong xã hội, về lịch sử của văn hóa, mà còn chỉ ra nguy cơ, cũng như cách định hình nền văn hóa Đông- dương trong tương lai. Dường như, những người cộng sản đời đầu (Hồ Chí Minh, Trường Chinh,…) họ có cảm quan văn hóa – chính trị rất tốt, dự báo tương lai từ hiện thực đương thời rất sát đến mức trở thành chân lý.
Trong bản đề cương, về “chính sách văn hóa của Pháp”, ông Trường Chinh đã dẫn ra: đàn áp các nhà văn hóa cách mạng, dân chủ, chống phát-xít; ra tài liệu, tổ chức các cơ quan và các đoàn thể văn hóa để nhồi sọ; kiểm duyệt rất ngặt những tài liệu văn hóa; mua chuộc và hăm dọa các nhà văn hóa; mật thiết liên lạc với tôn giáo để truyền bá văn hóa trung cổ, văn hóa ngu dân; tuyên truyền chủ nghĩa đầu hàng và chủ nghĩa ái quốc mùa quáng và hẹp hòi (chauvinisme); làm ra vẻ săn sóc đến trí dục, thể dục, đức dục cho dân.
Tất cả những yếu tố mà Trường Chinh chỉ trích, lại là những gì đã tái hiện sau hàng chục năm xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Và bằng cách nào đó, phương thức mà ông Trường Chinh đề ra để chống lại nền văn hóa mà ông cho là mọi rợ của Pháp trên cũng là phương thức tốt để xét lại và đẩy lùi hệ văn hóa “điếm” hiện tại. Trong đó, chú trọng phát huy văn hóa tân dân chủ và chống lại văn hóa thoái hóa, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân./.
Xin vui lòng tiếp tay phá vỡ bức màn bưng bít thông tin của chế độ bằng cách bấm LIKE, SHARE và COMMENT. Trân trọng cảm ơn Bạn.
Leave a Comment