Nhớ hồi còn nhỏ khoảng năm 1985, xóm tôi hầu hết là thiếu ăn. Nghe mẹ nói, trước 1975 một mình ba tôi đi làm thì nuôi được cả nhà ăn cơm trắng mặc đẹp. Đến thời kỳ XHCN thì cả nhà tôi ai cũng đi làm nhưng cơm chỉ đủ nuôi 1 người. Chẳng lẽ nhà 5 miệng ăn mà dồn cơm trắng cho 1 người ăn sao đươc? Cho nên mẹ tôi mới bán nửa số gạo trắng đó đi và mua khoai mì về độn thêm cho đủ bữa. Người ta nói cơm độn khoai, nhưng ba tôi lại nói “đó không phải là cơm độn khoai mà là khoai có rắc thêm cơm làm gia vị”.
Quả thật, thời đó, cầm chén “cơm” lên thấy khoai mì nhiều đến nỗi, mắt phải tỏ mới nhặt được hạt cơm. Trên những miếng mì to như ngón tay cái ấy, tôi thấy có lốm đốm vài hạt cơm như là cái trứng gà ốp la được rắc lên vài hạt tiêu cho đẹp mắt.
Cũng thời đó, trong làng có anh đội trưởng, anh ta là một người “lính Cụ Hồ” vào miền nam “giải phóng” rồi giờ được phân công làm đội trưởng trong hợp tác xã (một hợp tác xã có nhiều đội). Dốt đặc cán mai nhưng được chỉ huy một đội trong đó có một vài người là các công chức VNCH có học, mặt vênh váo luôn tỏ vẻ ta đây vì có quyền. Một hôm, anh đó ngồi khoe với ba tôi rằng, hôm qua tui được chủ nhiệm hợp tác xã dẫn đi ăn “cháo phở”. Ba tôi đang uống ngụm nước thì ông bị sặc nước và phải phun tung tóe.
Ở trong câu chuyện có thật này có 2 điều nổi bật:
Điều thứ nhất, đó là khi đất nước chuyển từ “tư bản bóc lột” sang XHCN đã cho ta thấy 2 bức tranh về giá trị lao động. Một bên một người làm dư sức nuôi cả nhà, và sau đó cả nhà cùng làm nhưng không đủ ăn. Hình ảnh này toàn miền nam gặp phải chứ không phải riêng ai. Không cần giải thích nhiều, chỉ cần mô tả thế thì những người không cần lý luận họ cũng nhận ra sự khác biệt;
Điều thứ nhì, đó là anh cán bộ đội dốt nát khoe khoang những thứ mà anh ta chỉ nghe tên chưa biết mặt mũi nó là gì cả. Suốt đời ở trong rừng chiến đấu, đến độ không biết sự khác nhau giữa cháo và phở mà vẫn cứ nói bừa, ghép bừa một cách tự tin.
Quy luật kinh tế thị trường là gì? Nói nôm na có là kinh tế tự do để cho thị trường tự điều chỉnh, không hiếp dâm nó bằng sự can thiệp thô bạo và thường trực vào thị trường thông qua thứ kinh tế nhà nước giành độc quyền nhiều ngành mà tư nhân có thể đảm nhận. Nền kinh tế thị trường bản chất của nó là tôn trọng và bảo vệ sự tư hữu.
Kinh tế XHCN là công hữu hóa tất cả, từ phương tiện sản xuất đến thành quả lao động. Nói từ công hữu cho oai chứ thực chất dân bị nhà nước tước đoạt tất cả, dân không phải làm thuê mà là làm nô lệ cho nhà nước.
Còn định hướng XHCN là gì? Theo Wikipedia thì “Cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích nguyên lý chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong khi đó “pháp quyền XHCN” là gì họ cũng không có định nghĩa nốt. Như vậy là CS họ lấy thứ mơ hồ để định nghĩa cho một khái niệm mơ hồ khác. Xem như định hướng XHCN là như thế nào cũng không ai biết.
Tự trong bản chất, kinh tế XHCN và kinh tế thị trường là 2 loại hình thức kinh tế phủ định nhau, có thằng này thì không thể có thằng kia. Đã là kinh tế thị trường nó ở 9 tầng mây, kinh tế XHCN ở trận đáy biển sâu thế thì định hướng thế nào? Máy bay đang bay ngon lành Tổng Bí Thư bảo phi công bẻ lái dụi đầu xuống đáy biển chết chìm hả? Nghĩa là đang ăn cơm trắng có thịt có cá phải đưa về thời kỳ ăn cơm độn khoai à? Vả lại, cái gọi là “định hướng XHCN” là cái gì mà cả một đảng đông đúc gồm hàng triệu người và mất hơn 30 năm cũng chẳng định nghĩa rõ ràng nó tròn méo như thế nào cả. Thế nhưng ông Tổng Bí Thư, có bằng tiến sỹ xây dựng đảng bảo toàn bộ ĐCS của ông hãy dung hòa những thứ này lại là làm sao? Ông Nguyễn Phú Trọng, đang là người đứng đầu đất nước, ỷ vào quyền lực như hoàng đế ra lệnh mọi người phải chế ra một loại “cháo phở” cho ông thì cả bọn họ chế thế nào được?
Ngày trước, đất nước chuyển sang XHCN thằng dốt chỉ đạo thằng có chữ thì nay vẫn vậy. Vẫn một kẻ dốt nát và độc quyền dùng mệnh lệnh để ra lệnh hàng triệu thuộc hạ làm những thứ mà cả ông và cả họ không hề hiểu gì cả. Sự ngu dốt của lãnh đạo, cộng với sự độc đoán chuyên quyền nó đã phá hoại tiềm lực đất nước vô cùng khủng khiếp. Thay vì hoạch định chính sách thiết thực thì không làm, mà lại đi họp bàn những thứ vớ vẩn như thế nầy mãi. Dân nói không bao giờ chịu lắng nghe. Việt Nam bất hạnh./.
Leave a Comment