Minh Châu – (VNTB) – Quốc Hội và Chính Phủ Hoa Kỳ thông qua quyết nghị chung S.J.Res.168 ấn định ngày 11 tháng 5 (May 11) hàng năm là “Ngày Nhân Quyền Việt Nam”, được Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành thành công luật số PL 103-258 ngày 25-5-1994.
***
Mục đích của luật này nhằm “hỗ trợ những nỗ lực bất bạo động đòi tự do và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam” và “tổng thống kêu gọi nhân dân Hoa Kỳ kỷ niệm ngày này với nghi lễ và hành động cần thiết”. [https://www.govinfo.gov/content/pkg/STATUTE-108/pdf/STATUTE-108-Pg692.pdf]
Giờ là câu chuyện của năm thứ 26
Trong công luật có đoạn ghi như sau (tạm dịch): “Quốc Hội Hoa Kỳ hối thúc Hà Nội phóng thích tức thì và vô điều kiện tất cả tù nhân chính trị, cùng với việc phục hồi cho họ tất cả các quyền dân sự và nhân quyền; cam đoan bảo đảm cho mọi người Việt được bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt tín ngưỡng, xu hướng chính trị, hay những liên hệ trong quá khứ; phục hồi tất cả nhân quyền căn bản, như tự do ngôn luận, tôn giáo, di chuyển, và lập hội; loại bỏ hệ thống độc đảng và để cho tất cả các tổ chức chính trị được hoạt động mà không bị đe dọa hay quấy nhiễu và công bố một khuôn khổ cùng lịch trình cho bầu cử tự do và công bằng dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc để cho nhân dân Việt Nam được quyền tự chọn cho mình thể chế chính quyền”.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, Hoa Kỳ đã dành riêng một ngày đặc biệt trong năm là ngày nhân quyền cho một quốc gia. Đó là kết quả của sự gắn bó sâu sắc giữa chính phủ Hoa Kỳ và nhân dân Việt Nam. Hàng năm, lễ kỷ niệm đã được tổ chức trọng thể tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ với mục đích nhắc nhở và cổ xúy cho nhân quyền tại Việt Nam. Năm nay là lần kỷ niệm thứ 25.
Như vậy là một phần tư thế kỷ đã đi qua và những vấn đề về tự do nhân quyền đã nêu ở công luật số PL 103-258 của Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa được Hà Nội ‘để mắt đến’, mặc dù những nội dung này gần như cũng là các yêu cầu bắt buộc của thỏa thuận ở chương 19 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đó là quyền tự do công đoàn của người lao động.
Và đâu chỉ có CPTPP, mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều đưa ra yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO với nền tảng cơ bản là tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp… Tất cả các quốc gia thành viên của ILO, bao gồm cả Việt Nam đều phải tôn trọng các quyền này. Đây được coi là những quyền được ghi nhận trên toàn thế giới trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên hiện Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức.
Khởi đầu từ quyền tự do công đoàn cho từng bước thay đổi thể chế chính trị?
Quyền tự do liên kết của các tổ chức công đoàn độc lập, theo nguyên tắc của ILO, thì các công đoàn, nghiệp đoàn độc lập hình thành tại Việt Nam có quyền tự do lựa chọn việc có hay không trong liên minh với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – một tổ chức lâu nay được quy định trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Như vậy, hiểu theo nghĩa nào đó, những cơ hội mới đang mở ra cho việc từng bước thay đổi thể chế chính trị độc đảng như đã nêu ở công luật số PL 103-258 (nguồn đã dẫn). Thực hiện các cam kết ở chương 19 của CPTPP, thì các công đoàn độc lập phải có đầy đủ các quyền như tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động hiện nay, bao gồm quyền về chính trị. Chính điều đó sẽ mang đến lợi ích cho công việc quản trị quốc gia, thông qua bắt đầu có sự giám sát hữu hiệu, thiết thực hơn của những tổ chức không chịu sự lệ thuộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – một tổ chức được quy định là phải “tham gia xây dựng Đảng” (Điều 3.4, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
“Có nguy cơ hình thành tổ chức người lao động nhưng thực ra đối tượng tham gia không phải là đại diện người lao động mà lợi dung tổ chức hoạt động có động cơ chính trị và có hành động chống phá làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”. Lý do này đang được nêu ra trong các buổi góp ý sửa đổi Bộ Luật lao động. Lo ngại đó là có cơ sở, vì với thực trạng phe nhóm lợi ích hiện nay trong bộ máy cầm quyền, cho thấy chỉ có thể giải quyết bài toán ‘có động cơ chính trị’, bằng việc minh bạch hóa các tổ chức chính trị, và đảng cộng sản Việt Nam cần tự tin chấp nhận việc cạnh tranh trong quyền tự do lựa chọn chính trị đó của người dân.
Nếu những đảng viên cộng sản khi làm công việc điều hành quốc gia luôn hướng đến mục đích dân giàu nước mạnh, thì họ sẽ biết mình nên rút lui một cách tử tế khi đã ‘lực bất tòng tâm’ ở thể chế độc đảng toàn trị trong suốt hơn 44 năm qua. Hoặc có thể họ đường hoàng sử dụng quyền con người được hiến định, để cùng lập ra những tổ chức chính trị khác, cùng đồng hành cạnh tranh sòng phẳng với đảng cộng sản trong quản trị quốc gia.
Nếu đảng cộng sản Việt Nam thực sự đúng như lời của một bài viết đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2013, rằng “Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc; Đảng không có mục đích nào khác là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…”, thì vì lợi ích của giai cấp công nhân, nay đang sắp có các tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn độc lập, “Đảng ta” cũng cần hiểu rằng “nhân dân – dân tộc” đang cần sự thay đổi của thể chế một cách căn cơ.
Những giải pháp mang tính tình thế của ‘củi – lò’ đang diễn ra cho thấy tính “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” là mờ nhạt, và các đe dọa lợi ích phe nhóm vẫn không thể giải quyết. Những ung dung của Lê Thanh Hải, của Tất Thành Cang…; của loay hoay ‘thu giá – thu tiền’; của oán giận ngút trời ở người dân Thủ Thiêm, của cư dân vườn rau Lộc Hưng là những hình ảnh dễ thấy nhất về sự bất lực của “Đảng ta” trong suốt thời gian rất dài và đến tận hôm nay…
***
Xin vui lòng tiếp tay phá vỡ bức màn bưng bít thông tin của chế độ bằng cách bấm LIKE, SHARE và COMMENT. Trân trọng cảm ơn Bạn.
Leave a Comment