Quảng Cáo

Đu theo “Make in Vietnam“

Quảng Cáo

Hoàng Hải Vân|

Lấy ý tưởng từ mấy ông Ấn Độ, Bộ TTTT giương khẩu hiệu “Make in Vietnam” gây tranh cãi, rất nhộn nhịp trên facebook. Người chú tâm vào nội dung của cuộc giương cao khẩu hiệu này thì ít mà người cãi nhau về cái sai sai của mấy “chữ lạ” này thì nhiều. Thực ra cụm từ trên ít được dùng chứ không sai không lạ gì.

Gần đây nhất ông Trump dùng nó để đe mấy công ty sản xuất hàng tại Trung Quốc rồi mang sang Mỹ bán. Ông ấy nói, “Make in America” nhé, làm ở Trung Quốc mang về đây sẽ bị áp thuế cao đó, liệu hồn đi ! Là bởi vì tỷ lệ thất nghiệp trong nửa nhiệm kỳ của ông ấy đã xuống mức rất thấp rồi, ông ấy muốn nó xuống thấp hơn nữa để chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới cho thuận lợi. Đại khái thế.

Ở Việt Nam ta thì hơi khác, khác cả Mỹ lẫn Ân Độ. Cái khác căn bản đầu tiên là dân chúng không tin vào các khẩu hiệu. Bởi vì lâu nay đằng sau các khẩu hiệu, người dân không sờ mó được thứ gì (trừ những khẩu hiệu trong chiến tranh ngày xưa không tính). Cho nên, những khẩu hiệu cũ như “Năm mới thắng lợi mới” năm nào cũng giương lên không ai buồn để ý, chỉ khẩu hiệu nào có “chữ lạ” mới được quan tâm, nhưng cũng chỉ quan tâm nhộn nhịp xung quanh mấy cái chữ đó thôi.

Xin nói lạc đề một chút về lịch sử công nghệ. Trong suốt hàng chục ngàn năm qua, mỗi bước tiến của nền văn minh đều bắt đầu bằng mỗi bước tiến của công nghệ. Chúng gồm những phát minh tại chỗ và những phát minh được phát tán từ nơi này qua nơi khác. Công nghệ được tiếp thu, duy trì và phát triển phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Ngành khảo cổ phát hiện bằng chứng xưa nhất của nghề dệt là từ 27 ngàn năm trước (tại một vùng thuộc Séc ngày nay), nhưng tấm vải đầu tiên mà người ta được biết thì ra đời cách đây khoảng 9000 năm, đơn giản là công nghệ dệt không thể phát triển trong xã hội hái lượm, người ta không thể đi đâu cũng lè kè mang khung cửi theo.

Ngày nay thế giới không có nước nào là không có súng, nhưng ngày xưa không phải nước nào cũng mặn mà với nó, điển hình là nước Nhật. Súng được du nhập vào Nhật Bản rất sớm, vào năm 1543, do hai nhà thám hiểm Bồ Đào Nha mang tới. Người Nhật rất khoái món này, nên nhanh chóng tiếp thu, cải tiến và tiến hành sản xuất hàng loạt cả súng, cả đạn. Đến năm 1600, súng của Nhật tốt hơn bất kỳ súng của nước nào trên thế giới. Nhưng Nhật vốn là xã hội do các võ sĩ đạo chi phối. Đối với tầng lớp này, thanh gươm và tinh thần thượng võ mới là cao quý. Từ khi có súng, người bình thường chỉ cần có súng là Ok, chẳng cần võ nghệ lễ nghi gì hết. Tinh thần thượng võ vì vậy mà kém đi. Nhận thấy súng ống làm cho “văn hóa suy đồi”, nhà cầm quyền Nhật bắt đầu hạn chế dần cho đến khi không còn một khẩu súng nào. Không còn súng, trong khi các nước khác có súng, nếu như ở châu Âu thì nước Nhật đã bị các nước láng giềng đè bẹp rồi, nhưng Nhật là một hòn đảo nên nguy cơ này đã không diễn ra. Mãi cho đến năm 1853, niềm tin vào sự an toàn của Nhật mới chấm dứt khi lần đầu tiên một đội tàu trang bị tua tủa súng ống của Mỹ do thuyền trưởng Perry chỉ huy ghé thăm. Đến lúc này nước Nhật mới giật mình, cho khôi phục lại ngành sản xuất súng. (*)

Đó chỉ là hai trong rất nhiều lý do khiến cho công nghệ không phát triển. Tóm lại, công nghệ chỉ có thể phát triển khi có nhu cầu và nhu cầu đó không bị các điều kiện tự nhiên, nhà nước hoặc các thế lực mâu thuẫn lợi ích được nhà nước hậu thuẫn khống chế.

Mọi công nghệ phát triển đột biến rực rỡ nhất ở phương Tây từ thế kỷ 17-18, kéo theo là một quá trình thịnh vượng kéo dài cho tới ngày nay, bắt nguồn từ tự do cá nhân được giải phóng khiến cho sức sáng tạo bung ra mãnh liệt.

Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin cùng với phương tiện giao thông hiện đại, những rào cản cho sự phát tán công nghệ giảm xuống đến mức thấp nhất. Nhưng không phải là không còn. Đó là rào cản từ phía các bộ máy quan liêu của một số nhà nước và các nhóm lợi ích do các bộ máy quan liêu này bảo kê. Hầu hết các thứ công nghệ đều chỉ khu trú và được nuôi dưỡng trong xã hội tự do, còn trong các xã hội thiếu tự do thì chỉ có các công nghệ phục vụ cho sức mạnh của giới cầm quyền.

Ở nước ta hiện nay chưa phải là mảnh đất tốt mấy để nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo. Các “nhà giàu” nhất của chúng ta ngày nay đa phần đi lên từ việc khai thác sự mập mờ của Luật Đât Đai, nói nôm na là “cạp đất”, chưa thấy “nhà giàu” đáng giá nào đi lên từ công nghệ.

Vì vậy, không nên loay hoay với những khẩu hiệu. Hãy áp dụng “bí kíp” mà Adam Smith chỉ ra từ mấy trăm năm trước: “Chỉ cần một vài điều kiện là có thể đưa một đất nước từ tình trạng dã man lên trạng thái phú cường nhất, đấy là hòa bình, thuế khóa dễ chịu và việc thực thi công lý có thể chấp nhận được: tất cả những điều còn lại sẽ xảy ra một cách tự nhiên”.

HOÀNG HẢI VÂN
______
(*) Các dẫn chứng lấy từ cuốn “Súng, vi trùng và thép” của Jared Diamond, NXB Tri thức,2007.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux