Paulus Lê Sơn – Web Việt Tân
Việt Nam luôn chiếm vị trí đội sổ trên tất cả các biểu đồ thống kê của thế giới. Tự do báo chí là một trong những chỉ số rõ rệt thông thường nhất được lặp đi lặp lại năm này qua năm khác đạt ngưỡng mức tồi tệ.
Theo báo cáo thường niên mới nhất của Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) hôm 25/4/2019 xếp hạng các quốc gia về tự do báo chí, Việt Nam đội sổ với thứ hạng 176 trong số 180 quốc gia được khảo sát. Tụt 1 hạng so với hai năm trước đó, năm 2018 và 2017, là 175/180.
Ngày 3 tháng 5 hàng năm là ngày Liên Hiệp Quốc dành riêng để cổ vũ và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí trên toàn thế giới. Nó nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Việt Nam là quốc gia đã ký kết và thừa nhận quyền tự do báo chí đã được quy định trong bản Tuyên Ngôn và các Công Ước quốc tế.
“Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết.” (sic) Ngoài ra, Điều 25 Hiến Pháp CSVN cũng đã ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình.”
Xét theo văn bản pháp luật và lời lẽ như trên thì Việt Nam có tự do báo chí không?
Ngược lại những mỹ từ trong văn bản chữ viết của nhà nước cộng sản thì trong con mắt của dư luận trong nước cũng như thế giới, họ thấy Hà Nội đối xử tự do báo chí như “Việt Nam: ‘Tự do báo chí’ là tự do gì?”, “Tự do cấm khẩu trước áp bức”, “Tự do báo chí ở Việt Nam ngày càng tồi tệ”, “Việt Nam bảo đảm tốt tự do báo chí khi tống giam hàng loạt blogger”, “Đảng Cộng sản Việt Nam chống Tự do Báo chí”, hay “Nguyễn Phú Trọng là kẻ thù của tự do báo chí.”
Trên thực tế, quyền được thông tin của báo chí phụ thuộc vào Ban Tuyên Giáo trung ương, Bộ Thông Tin Truyền Thông, Bộ Công An và công an các tỉnh thành về định hướng tư tưởng và tuyên truyền; theo dõi báo chí và nhà báo; xử phạt báo chí vi phạm những nội dung “nhạy cảm”, cố ý che giấu, đặc biệt thực trạng xã hội, kinh tế, đảng viên hủ bại, tham nhũng, nhân quyền, tù nhân chính trị, v.v.
Những kẻ nhân danh pháp luật và công lý lại chính là thủ phạm vấy tay bịt miệng tự do báo chí.
Tại sao Hà Nội lại sợ hãi trước quyền lực của tự do báo chí?
Một nền báo chí tích cực, sâu sát và độc lập cung cấp một hàng hóa công cơ bản: Sự minh bạch khiến trách nhiệm giải trình về kinh tế và chính trị trở nên khả thi. Có thể nói báo chí tự do giúp “phân tán quyền lực truyền thông của nhà cầm quyền” mà chắc chắn điều này thì mọi chế độ độc tài đều không muốn nó xảy ra.
Hơn 10 năm làm báo tự do cho tôi một kinh nghiệm, nếu mỗi một người người dân đều là người làm báo để chống lại nền báo chí có định hướng của nhà cầm quyền thì rõ ràng nó sẽ phá vỡ kết cấu khép kín và quyền lực truyền thông của nhà nước. Thực vậy, tự do báo chí đem lại sự minh bạch cho truyền thông trong các sự kiện người dân không được chứng kiến, đem lại những góc nhìn khác để người dân có cái nhìn đa chiều, từ đó có quyết định chính xác hơn.
Hơn thế nữa, trong một viễn kiến muốn có sự đổi thay của xã hội, đó cũng là phương cách “giúp khai dân trí, khơi gợi sự phản tỉnh và đánh thức sự phản kháng” trong người dân sau hàng mấy chục năm bị chế độ cộng sản ru ngủ, mị dân và dối lừa.
Theo thống kê năm 2018, với dân số 96 triệu người, lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam đạt 64 triệu người dùng, chiếm 67% dân số. Đây là những con số tích cực, cho thấy sự tiếp cận thông tin của người dân đang dần được phổ cập.
Ngày nay, mặc dù bị nhà cầm quyền Hà Nội không từ bất cứ thủ đoạn nào để bỏ tù tự do báo chí, từ sử dụng kỹ thuật tường lửa ngăn chặn các nguồn thông tin tự do, khách quan đến việc thông qua Luật An Ninh Mạng, khủng bố người sử dụng mạng xã hội, đi đến việc kết án tù người mở miệng. Tuy nhiên, sự nhận thức và tính phản kháng trong nhiều sự kiện bất công xã hội đang được người dân hành động và truyền cảm hứng. Điều đó làm cho nhà cầm quyền vô cùng run sợ.
Nhiều người dân Việt Nam đang phải hi sinh sự tự do của họ bằng nhiều năm ngục tù để thực hành quyền tự do báo chí, bảo vệ lẽ phải, chân lý và sự thật.
Tự do báo chí là cái gai nhọn trong con mắt của các chế độ độc tài, và là kẻ thù của cộng sản Hà Nội. Nhưng nó lại là vũ khí vô cùng lợi hại của người dân, mang một ý nghĩa hết sức lớn lao cho sự đổi thay của đất nước.
Portland, OR 5/5/2019
Paulus Lê Sơn
Leave a Comment