Quảng Cáo

Cao tốc Bắc – Nam với “một đai một đường”

Quảng Cáo

Nguyễn Xuân Phúc vừa chân ướt chân ráo về Hà Nội thì chạng vạng 28/4, mưa như những túi nước khổng lồ trút ào ào xuống đầu người dân. Cơn giông lốc tràn qua thủ đô khiến nhiều người liên tưởng tới “tâm bão thông tin” đang vần vũ trên cả nước. Chuyến “đóng thế” của Xuân Phúc tại Bắc Kinh lành dữ thế nào trở thành mối quan tâm hàng đầu (Tin Nguyễn Phú Trọng sẽ xuất hiện tại quốc tang 3/5 tới tạm thời bị đẩy xuống thứ yếu).

Nhiều người thở phào nhẹ nhõm khi biết Việt Nam không có tên trong danh sách những nước ký vào bản ghi nhớ về “Diễn đàn Vành đai Con đường” (BRF). Trong một tuyên bố riêng rẽ sau ba ngày thượng đỉnh (từ 25—27/4), Trung Quốc cho biết họ đã ký được bản ghi nhớ với nhiều quốc gia khác nhau bao gồm Ý, Peru, Barbados, Luxembourg, Peru và Jamaica.

Sự hoan hỷ càng bộc lộ khi biết rằng, hàng chục văn kiện tầm quốc gia do phía Trung Quốc chuẩn bị sẵn, nhẽ ra Nguyễn Phú Trọng phải ký trong đợt “triều cống” vừa qua, nhưng nhờ biến cố 14/4, đã được gác lại. Đáng chú ý, trong chuyến công tác này, Nguyễn Xuân Phúc chỉ đóng vai “chứng kiến” các đối tác hai nước ký các văn bản liên quan đến kinh tế, trong đó có hai thỏa thuận mở cửa để Việt Nam xuất khẩu sữa và măng cụt vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Mỹ và phương Tây không một nước nào tỏ ra mặn mà, chỉ một mình Trung Quốc quan tâm tới dự án cao tốc Bắc – Nam, vẫn nổi lên như “thanh gươm Damocles” lơ lửng trên đầu trên cổ Việt Nam. Phát biểu của Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật tại phiên họp Uỷ ban Kinh tế Quốc hội càng làm cho người dân nghi ngờ bản hoà tấu “mật ngọt chết ruồi” của TTXVN về cuộc hội kiến giữa ông Phúc với ông Tập[1].

Đối mặt với Tập, hẳn nhiên Phúc bắt buộc phải hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ (BRI), nhưng đã không quên gắn việc tham gia BRI của Việt Nam với việc “bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp luật pháp quốc tế, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các nước”.

Ông Phúc “hoan nghênh Trung Quốc triển khai các dự án lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đại diện cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam”. Khi hoan nghênh như thế, chắc hẳn cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh tạm thời tảng lờ dự án “Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông” do Trung Quốc thiết kế và thi công chưa đi vào vận hành nhưng có đoạn trông như hoang phế.

Mà không chỉ có đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, các đại dự án đầu tư công ở Việt Nam như boxit, các nhà máy nhiệt điện, gang thép, phân đạm, hóa chất… do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận trọn gói hay trúng thầu thi công đều bị đội vốn, bị chậm tiến độ, có công nghệ lạc hậu… gây nên thua lỗ cực lớn. Được biết, trong hội kiến riêng vừa rồi tại Bắc Kinh, hai bên đều có liên hệ tới những mảng tối này trong bang giao vừa qua.

Nhưng việc Xuân Phúc lại tiếp tập đoàn Thái Bình Dương tại Bắc Kinh, một tập đoàn mà Hà Nội đang định “bán cái” dự án “Cao tốc Bắc – Nam” cho họ, càng dấy lên lo ngại điều chuyên gia Phạm Chi Lan cảnh báo: “Dân ta không thể chấp nhận trao cả con đường xương sống của đất nước hay bất cứ đoạn nào của con đường vào tay những kẻ đến từ một quốc gia không ngừng muốn biến đất đai, biển trời của ta thành một bộ phận trong vành đai, con đường của họ…”[2]

Bài viết của bà Chi Lan còn vạch rõ những thủ thuật từ nhiều dự án Trung Quốc ở nước ta, như bỏ thầu thấp rồi nâng vốn lên gấp hai – ba lần, kéo dài thời gian thi công, sử dụng kỹ thuật, thiết bị, vật tư chất lượng thấp, đưa lao động của họ sang và tìm cách ăn đời ở kiếp tại nước ta, đấy là chưa kể đến những hệ quả về môi trường và tệ tham nhũng khi làm ăn với họ. Ý kiến chung của người dân hiện nay, nếu tiếp tục thuê nhà thầu Trung Quốc là tiếp tay cho tham nhũng.

Cách đây đúng một tháng, một tuyên bố của bảy tổ chức xã hội dân sự và hàng trăm cá nhân thúc giục nhà cầm quyền “loại bỏ dứt khoát nhà thầu Trung Quốc, không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc.” Trong số những người tham gia ký tên trên bản tuyên bố, ngoài những nhân sĩ, trí thức nổi tiếng trong ngoài nước, còn có nhiều người từng là đảng viên CSVN.

Sau khi EVN “tăng chui” giá điện lên trên 35% (Đông Âu xưa mà thế này chính phủ đã đổ rồi) thì việc “lót ổ chui” cho đặc khu Vân Đồn để đón lân bang “có chung đường biên giới với Việt Nam”, chưa phải là kết thúc. Giờ đến lượt “Cao tốc Bắc – Nam”! Cơ sở nào mà Nguyễn Thiện Nhân dám hứa với Bộ Chính trị là sẽ không có biểu tình trong các dịp này. Nhìn những tấm áp-phích của giáo dân vùng Nghệ An thì quả là Thiện (hay Ác?) Nhân này đã uống thuốc liều.

Đối phó với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), ngay cả cái đảng và nhà nước này dường như buộc đang phải lựa chọn dần dà trở thành thành viên theo sát (shadow member) trong “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) do Bộ tứ thúc đẩy. Một số chuyên gia nhận định, Việt Nam phát huy nguyên tắc tham gia tất cả, theo như một định hướng đối ngoại sau Đổi mới là “làm bạn với tất cả”.

Nhưng trên thực tế, hai đại chiến lược nói trên là hai mô thức kiến tạo trật tự thế giới khác nhau giữa Hoa Kỳ với thế giới tự do là một bên, còn bên kia là Trung Quốc với một vài quốc gia lạc hậu và độc tài ở Á Phi Mỹ – La tinh. Hai cái hệ hình này là hoàn toàn ngược nhau trong cả triết lý lẫn nội hàm. Vì vậy, chủ động tham gia hay bắt buộc phải tham gia là hai câu chuyện hoàn toàn không thể đánh đồng làm một.

Không được quên, hiện nay một bóng ma đang ám ảnh Tập Cận Bình – bóng ma của nền dân chủ toàn cầu. Phải luôn luôn nhớ, tham vọng Mao Trạch Đông từng tuyên bố: “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Mục tiêu của chúng ta là toàn thể trái đất”. Vì vậy, bằng mọi cách, tránh làm “cánh tay nối dài” cho Trung Quốc. Vì quyền lợi thiết thân của quốc gia lẫn khu vực, không thể để cho dự án “Cao tốc Bắc – Nam” trở thành đầu cầu của “một đai một đường” (OBOR)!

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
whatsapp
line
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux