Ông Trọng bị “choáng” nắng ở Kiên Giang hôm cuối tuần 13-14 tháng 4, tính đến nay đã kéo dài hơn một tuần. Cái nóng ở Kiên Giang khủng khiếp thật. Tổng bí thư/Chủ tịch nước đi kinh lý chắc chắn là phải có người hầu đàng hoàng, vậy mà để cho ông Trọng choáng nắng đến đột quỵ là điều không thể tha thứ.
Ngoài ra, sự kiện ông Trọng bị “choáng nắng” dẫn đến đột quỵ cũng là lỗi rất lớn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khoẻ Cán bộ Trung ương, vì những người như ông Trọng trong tứ trụ được khám sức khoẻ mỗi ngày mà lại không phát hiện ra sớm… để cứu ông Trọng.
Trong khi bệnh tình ông Trọng xảy ra với những điều khó hiểu nói trên, báo chí đảng và nhà nước hoàn toàn im lặng. Chỉ có mạng xã hội là tưng bừng với những tin tức và bình luận… rất sát với thời cuộc, khiến cho cả nước đổ xô đi tìm khiến cho ba chữ “Trọng đột quỵ” trở thành top tìm kiếm trong mấy ngày qua.
Không một ai trong chính quyền hé môi lên tiếng khiến cho dư luận lại càng có dịp bàn ra tán vào, nghi ngờ có chuyện gì rất hệ trọng đang diễn ra mà bị nhà nước giấu kín. Chuyện giấu giếm quanh co này dư luận cũng không lạ gì vì nó từng diễn ra trước đây với Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, Đinh Thế Huynh và gần nhất là Trần Đại Quang và Đỗ Mười.
Sự đồn đại càng lúc càng lan rộng vì thời nay mọi thông tin rất thoáng, lại nhờ có internet nên đi rất nhanh. Chỉ có báo chí quốc doanh vẫn cố thủ trong pháo đài tự do báo chí hàng triệu lần, ngoan ngoãn chờ lệnh Ban tuyên giáo vì tôn trọng điều luật “sức khoẻ của lãnh đạo là bí mật quốc gia”.
Bỗng ngày 18/4 vừa qua, báo Quân Đội Nhân Dân (QĐND), cơ quan của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng trong chuyên mục phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hoá” đã vội vàng lên tiếng. Tờ báo này lu loa rằng trong những ngày gần đây nhiều tin tức xuyên tạc, bịa đặt lan tràn trên các trang mạng xã hội nhằm nói xấu tình trạng sức khoẻ lãnh đạo.
Tác giả bài báo còn cường điệu về một “thuyết âm mưu đen tối” của một số “đối tượng” như Lê Nguyễn Hương Trà (Cô gái Đồ Long), Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) là hai blogger có số lượng người theo dõi đông đảo. Ngoài ra báo QĐND còn cáo buộc các trang mạng của đảng Việt Tân, đài RFA, BBC, thoibao.de…thường xuyên phát tán tin tức “xấu độc” về lãnh đạo đảng, cụ thể là bệnh tình của ông Nguyễn Phú Trọng. Để rồi báo này mở loa kêu gọi phải kiên quyết đấu tranh với “nấm độc thông tin” và các “thuyết âm mưu” đen tối và phải “xử lý nghiêm” bọn người này!
Không thể nói gì khác hơn khi ngậm miệng trước sự kiện đang diễn ra thì đây là lỗi của chính quyền, khinh miệt quyền được thông tin của quần chúng. Vì không phải vô cớ mà dư luận thêu dệt, đơm đặt chuyện chết sống của người đứng đầu đảng và nhà nước. Nếu đảng biết tôn trọng dân và tỏ ra minh bạch với dân như đã hứa, thì mọi chuyện sẽ không còn gì phải bàn tán. Đảng chỉ cần công bố cho người dân biết: ông Tổng Tịch vì tuổi già sức yếu, làm việc quá độ nên cần phải tịnh dưỡng một thời gian và không có chuyện đột quỵ, đột tử như tin đồn. Kèm theo là hình chụp Tổng Trọng ăn cháo bào ngư, ngồi xe lăn hay đang tập vật lý trị liệu với các hộ lý vậy là đủ.
Đàng này đảng và chính phủ cương quyết không chịu lên tiếng dù chỉ vài giòng tin ngắn. Trong khi phát ngôn viên chính phủ cũng bỗng dưng trở thành người câm thì trong bóng tối các cơ quan tuyên giáo cho một số ngòi bút bình luận sặc mùi dư luận viên đua nhau chụp mũ, đánh phá các cá nhân và các trang thông tin muốn tìm hiểu sự thật. Luận điệu bọn dư luận viên này cũng cùng một lò với báo QĐND, cho rằng các thế lực thù địch đã loan truyền tin thất thiệt, bịa đặt về sức khoẻ của ông Trọng để kích động gây hoang mang dư luận, làm giảm lòng tin quần chúng.
Chính quyền không thấy được cái lỗi của mình nên đi từ cái sai này đến cái sai khác. Khi ông Trọng đã là nhân vật số 1 của Việt Nam, bây giờ tự nhiên không thấy xuất hiện mà cũng không có lời giải thích chính thức nào thì ai cũng phải đặt câu hỏi băn khoăn. Báo chí quốc doanh lo khai thác tin ấu dâm, sửa điểm cũng đồng tình bỏ quên số phận ông Tổng Tịch. Trong khi lẽ ra nhiệm vụ của báo chí và các cơ quan truyền thông là phải loan tải và phân tích tin tức cho rộng đường dư luận. Ở Việt Nam, truyền thông lề đảng không làm được nhiệm vụ của mình thì người dân có quyền suy nghĩ và nói ra những gì họ biết để mọi người cùng biết.
Chuyện này ở các xứ tự do người ta đã quá quen thuộc vì khi chính quyền không kịp lên tiếng thì truyền thông tư nhân nói ngay và hỏi ngay. Nếu chính quyền cố tình quanh co không trả lời thì báo chí lập tức đưa ra hàng loạt nghi vấn để hướng dẫn dư luận.
Ngày nay tưởng đã đến lúc đảng cộng sản phải biết rằng đã hết rồi thời kỳ bưng bít dư luận. Càng bưng bít càng cho thấy chính quyền đang sợ hải sự thật bị phơi bày. Mỗi người dân trong khả năng của mình đã trở thành một ký giả, một nhà báo đồng thời cũng là một người chủ báo. Vì một sự thật đơn giản, họ có Facebook trong tay.
Cho dù có Luật an ninh mạng làm lá bùa đàn áp, cho dù có lực lượng hàng chục ngàn dư luận viên, thì lãnh đạo CSVN nên nhớ hiện có gần 50 triệu người Việt Nam có Facebook, tức có 50 triệu tờ báo điện tử trong tay.
Cho nên dùng một tờ báo Quân Đội Nhân Dân bằng những luận điệu ngậm máu phun người để răn đe dư luận thì thật là ấu trĩ và tốn công vô ích!
Leave a Comment