Những ngày qua, trong bao lo lắng bề bộn lớp lớp thì nỗi lo lắng về cao tốc Bắc – Nam luôn từng cơn gắt nhói không nguôi trong lòng mỗi người dân. Có thể đặc trưng các lo lắng đó vào ba nhóm sau đây:
- Điều lo lắng số 1 là các nhà thầu Trung Quốc tham gia trực tiếp làm cao tốc Bắc – Nam.
- Điều lo lắng số 2 là khả năng trá hình của Trung Quốc khoác áo Việt Nam hay các nước khác để tham gia làm cao tốc Bắc – Nam.
- Điều lo lắng số 3 là các nhóm lợi ích chia nhau chiếm đoạt chiếc bánh cao tốc Bắc – Nam, đẩy giá thành lên núi, ném chất lượng xuống suối, thu phí nhiều năm, dúi chi phí vào tay dân, treo nợ nần vào cổ con cháu.
Bởi thế xin mạo muội nêu ra mấy điều dưới đây. Bài viết gồm 3 phần:
CAO TỐC BẮC NAM: MIẾNG BÁNH NGON MÀ NHÓM LỢI ÍCH CHIA NHAU CHIẾM ĐOẠT.
CAO TỐC BẮC NAM : KHÔNG PHẢI SỞ HỮU CỦA “MỘT VÀNH ĐAI MỘT CON ĐƯỜNG”.
CAO TỐC BẮC NAM: CÁCH LÀM ÍT TỐN KÉM NHẤT.
Trong phần trình bày dưới đây chỉ đề cập đến hai phần đầu. Do khuôn khổ hạn chế, phần CAO TỐC BẮC NAM: CÁCH LÀM ÍT TỐN KÉM NHẤT sẽ được đề cập trong bài sau riêng biệt
I- CAO TỐC BẮC NAM: MIẾNG BÁNH NGON MÀ CÁC NHÓM LỢI ÍCH CHIA NHAU CHIẾM ĐOẠT
1. Xây dựng đường cao tốc là điều tối cần thiết để nhanh chóng phát triển kinh tế. Hệ thống đường cao tốc càng phát triển thì nền kinh tế quốc dần càng có điều kiện phát triển nhanh.
Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, khi mà Nhà nước nắm sở hữu mọi thứ – kể cả tư tưởng, thì việc xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam đã có sự thay đổi về bản chất so với ở các nước tư bản.
2. Ở Việt Nam, ai cũng hiểu, rằng cao tốc Bắc – Nam là dự án màu mỡ mà các nhóm lợi ích tranh nhau chiếm phần. Hãy nhìn các trạm BOT mọc chi chít khắp nơi trong thời gian qua để làm chứng. Còn chút nào hồ nghi thì hãy tự trả lời ba câu hỏi dưới đây:
– Nếu bạn chưa tin thì hãy thử hỏi, ở cấp độ cá nhân, ai không thích làm tổng giám đốc tổng công ty phát triển đường cao tốc?
– Nếu bạn còn chưa tin thì thử hỏi, ở cấp độ các tổng công ty, tổng công ty nào không thích được độc quyền làm đường cao tốc?
– Nếu bạn vẫn chưa tin thì thử hỏi, ở cấp độ bộ chủ quản, đưa quyền làm đường cao tốc từ Bộ GVVT sang cho bộ khác – chẳng hạn Bộ Xây dựng, thì Bộ GTVT có đồng ý không? Và Bộ Xây dựng có nhận không?
Đến đây thì thiết nghĩ bạn không còn hồ nghi về ma lực của dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
3. Vì tranh nhau chiếm phần nên càng đóng kín càng tốt. Vì tranh nhau chiếm phần nên càng nhanh gọn càng tốt.
Điều này lý giải tại sao các gói thầu đường cao tốc, tiếng là mở rộng mà thực ra là hạn chế, tiếng là thong thả mà thực tế là gấp rút, tiếng là công khai mà thực chất là không minh bạch, tiếng là bình đẳng mà bản chất là bất công.
- Tranh nhau làm đường cao tốc bởi nhẽ:
– Chủ đầu tư thì giá kê khai cao, giá thành xây dựng thấp, thời gian thu phí man khai lại kéo dài.
– Kẻ nhận thầu thì vừa có lời vừa có công ăn việc làm.
– Kẻ cho vay thì vừa thu lời vừa được toàn quyền chi phối.
– Người nhận quyết định thì được chia phần. Lời lỗ và tiền vay thì nhà nước và nhân dân gánh chịu.
II- CAO TỐC BẮC NAM: KHÔNG PHẢI SỞ HỮU CỦA “MỘT VÀNH ĐAI MỘT CON ĐƯỜNG”
1. Thế giới càng phát triển thì các quốc gia càng kết nối. Công nghệ càng cao thì con người càng dễ liên kết. Bởi vậy, không ai và không quốc gia nào có thể đứng riêng rẽ một mình trong thế giới không ngừng tiến bộ.
Thế nhưng, Liên minh châu Âu rất liên kết nhưng lại vẫn rất độc lập. Hệ thống giao thông của Liên minh châu Âu vừa hiện đại vừa kết nối thống nhất như một cơ thể. Vậy mà nó không phải là “Một vành đai, một con đường”.
2. Để thêm một lần khẳng định, hệ thống giao thông của Việt Nam – trong đó có đường bộ và đường sắt, phải được phát triển hiện đại và trù mật trên toàn quốc. Đó là một hệ thống khép kín thống nhất hoàn hảo, được đấu nút với các hệ thống bên ngoài qua các nút giao kết, nhưng là một hệ thống độc lập, không thể là thành phần của một hệ thống khác.
Để hiểu ý nghĩa đúng của hai từ “đấu nút” có thể viện dẫn ra nhiều thí dụ. Chẳng hạn Trạm không gian vũ trụ của Nga có thể kết nối với tàu vũ trụ của Mỹ qua đầu nối mặc dù thiết kế của hai tàu hoàn toàn riêng biệt. Cũng như các thiết bị công nghệ thông tin của các hãng khác nhau lại có thể nhận lệnh của nhau qua các giắc nối mà không cần sự tương thích với cấu trúc của bên kia.
3. Từ đó, nói một cách thẳng thắn, rằng hệ thống giao thông của Việt Nam không bao giờ là một mắt xích của “Một vành đai, một con đường”. Khi đã xác định đúng mục đích và nội dung của hệ thống giao thông Việt Nam như trên thì cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt. Điều đó có nghĩa là:
a. Việt Nam tự xây dựng bất cứ cung đoạn giao thông nào do nhu cầu và mục đích của Việt nam, chứ không thể là do nhu cầu và mục đích của nước khác.
Chẳng hạn, tuyến đường sắt Lao cai – Hà Nội – Hải Phòng nếu Việt Nam thấy cần thì Việt Nam xây dựng, chứ không phải xây dựng theo nhu cầu của Trung Quốc để Trung Quốc vận chuyển hàng hóa từ Vân Nam qua Hải Phòng thông thương với thế giới. Tuyến đường sắt Lao cai – Hà Nội – Hải Phòng không thể là một bộ phận đường sắt của Trung Quốc.
b. Nước ngoài không tham gia xây dựng đường sắt, đường cao tốc Việt Nam trong tư cách chủ đầu tư hoàn toàn, hay trong tư cách mà có thể làm phương hại đến chủ quyền, an ninh và kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, Trung Quốc không được tham gia vào các dự án đường sắt và đường cao tốc Việt Nam trong tư cách chủ đầu tư. Càng không thể là chủ thầu chính. Không nên là nhà thiết kế hay tư vấn. Cũng không nên là nhà cấp vốn.
Đã nhiều người, nhiều nơi và nhiều lần nói về các tai họa do các công ty Trung Quốc mang đến khi tham gia các dự án kinh tế ở Việt Nam. Ở đây thêm một lần phải ghi tâm khắc cốt về đội quân thứ 5 của Trung Quốc.
Trung Quốc đầu tư ở đâu, hay nhận thầu ở đâu, hay buôn bán ở đâu, hay du lịch ở đâu… đều mang theo người Trung Quốc tới đó sinh sống. Họ lấy người địa phương và làm nên các làng xã, thị trấn, thành phố người Trung Quốc.
Như đã biết, chỉ có mấy năm với các dự án liên quan đến Trung quốc ở Tây Nguyên mà hiện nay trên cao nguyên Trung phần đã có hơn 3 ngàn trẻ em có bố là người Trung quốc. Từ khi mở cửa ồ ạt với Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21, đến nay ước tính phải có trên vạn trẻ em gốc Trung Quốc được sinh ra ở Việt Nam. Nếu không có biện pháp thích hợp thì số lượng trẻ em có bố Trung Quốc còn tăng trưởng nhanh nữa.
Không ai ngăn cách được tình yêu. Tình yêu không biết màu da. Tình yêu không biết sắc tộc. Nhưng những kẻ cầm quyền tham lam quyền lực luôn là chủ nhân của các cuộc chiến tranh sắc tộc đẫm máu.
Những bậc anh kiệt không chỉ tránh các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia mà không bao giờ để cho máu sắc tộc chảy từ chính máu mủ của đồng bào mình.
Bậc anh kiệt trước hết là theo ý dân./.
Leave a Comment