Ánh Liên – (VNTB) – Nhà nước Cộng sản “bắt” em Phạm Nhật Vượng hay thậm chí là Phạm Nhật Vượng cũng chỉ là một thao tác bình thường…
***
Khi vụ “MobiFone mua AVG” nóng lên, thì câu chuyện về Vingroup – Phạm Nhật Vượng lại nổi lên thành một trong những dấu hỏi về quyền lực thực sự của tỷ phú USD này.
Nhiều quan điểm cho rằng, “dám bắt cả em trai của một tỷ phú”, hoặc “một tập đoàn kinh tế tư nhân có thể khuynh đảo nền kinh tế Việt Nam”.
Có thực sự Vingroup và gia đình Phạm Nhật Vượng quyền lực đến thế?.
Hãy đặt Phạm Nhật Vượng vào trong thể chế xã hội chủ nghĩa, có thể gọi Phạm Nhật Vượng là mafia đỏ, vì ông ta đã tận dụng rất tốt cơ chế hiện tại để làm giàu cho chính mình.
Phạm Nhật Vượng từ buôn bán mì gói, chuyển sang bất động sản, và giờ mở rộng hệ sinh thái sang ngành tiêu dùng, đặc biệt là ôtô. Đó là quá trình cố gắng thoát ly khỏi gốc gác “bất động sản”, và nổi bật là Viện Big data với sự tham gia của không ít nhân vật khoa học có thực tài, điển hình là giáo sư Vũ Hà Văn.
Nhưng nhìn vào hệ sinh thái hiện tại của ông Vượng, bất động sản vẫn là nguồn nổi bật. Với nguyên tắc, chiếm đất vàng và tạo ra hệ sinh thái dành cho tầng lớp trung và cao cấp, đã đưa ông Vượng lên thành tỷ phú USD tại Việt Nam. Nhưng một tỷ phú USD hay một đại tỷ phú bất động sản cũng chỉ mãi mãi là một đại tỷ phú sống nhờ vào “bòn vét” tài nguyên quốc gia, những “sinh thái” còn lại quá nhỏ để khiến Vingroup trở thành một xương sống của nền kinh tế. Và so với các doanh nghiệp, tập đoàn chuyên về sản xuất, thì Vingroup thực sự không đáng để gọi tên. Do đó, so với những tập đoàn xương sống tại các nước tư bản như Samsung (Hàn Quốc), hay Mitsubishi (Nhật Bản),… thì Vingroup hoàn toán lép vế về năng lực sản xuất và vai trò trong nền kinh tế.
Mất Vingroup có thể tác động đến một bộ phận đời sống người lao động, nhưng không thể khuynh đảo nền kinh tế Việt Nam, khi Vingroup chưa bao giờ là công ty chủ lực về công nghệ, sản xuất, quốc phòng và tài chính.
Nhưng Vingroup cần cơ chế này, cơ chế có thể đảm bảo tiếp tục “hút máu tài nguyên và chính sách” để sống và tồn tại. Nhà nước Cộng sản “bắt” em Phạm Nhật Vượng hay thậm chí là Phạm Nhật Vượng cũng chỉ là một thao tác bình thường, vấn đề là đến thời điểm bắt hay là chưa, và có đáng để bắt hay là không.
Hãy nhìn qua Liên Bang Nga, một quốc gia đi trước Việt Nam vài chục năm về mô hình “tập đoàn tư nhân” kiểu như Vingroup. Hãy tiếp tục nhìn vào Tập đoàn dầu khí Yukos, một tập đoàn hoạt động trong ngành khai thác dầu khí (mang tính chủ lực và con bài chính trị của chính nước Nga, riêng tập đoàn này đã khai thác chiếm 15% tổng lượng dầu khai thác tại Nga), cũng như kỹ nghệ hóa học giàu mỏ. Nhưng lãnh đạo tập đoàn này đã bị bắt giam vì tội trốn thuế – “Mikhail Khodorkovsky”, và đến năm 2006, đã bị tuyên bố phá sản. Lý do chính của “tội trốn thuế” đến từ tham vọng chính trị của ông Mikhail Khodorkovsky, người được cho là sẽ tranh cử Tổng thống – tạo ra mầm mống đe dọa vị trí của V.Putin, và thực tế cho thấy tham vọng chính trị của Mikhail Khodorkovsky chính là “tham vọng” dùng nguồn lực tài chính để khuynh đảo chính trị. Và chính quyền Nga nhân đó, cũng muốn kiểm soát hoàn toàn tập đoàn này – một con gà đẻ trứng vàng.
Vingroup chưa thể là Yukos về tiềm lực tài chính lẫn chính trị, nhưng số phận của Vingroup sẽ giống như Yukos. Đến một thời điểm nhất định, tập đoàn này sẽ bị kiểm soát bởi nhà nước, còn nếu bản thân nó là chỗ dựa cho các chính trị gia, thì đến một ngày tội danh “trốn thuế” sẽ được áp đặt lên chính nó. Bởi nguyên lý đơn giản, trong một quốc gia cộng sản, sự giàu lên của một tập đoàn tư nhân luôn chứa đựng những sai phạm chưa được phát lộ.
Như Mikhail Khodorkovsky, kẻ giàu nhất nước Nga xuất phát từ gian lận tài sản nhà nước trong thời kỳ nước Nga đang trong tình trạng tranh tối – tranh sáng Yeltsin.
Và cũng như Phạm Nhật Vượng hiện tại, Mikhail Khodorkovsky cũng đầu tư trong văn hóa – giáo dục thông qua Quỹ nước Nga mở rộng (Open Russia Foundation).
Qua đó để thấy rằng, mafia cá nhân không thể chống lại hệ thống mafia. Bản thân nhà nước Việt Nam luôn chủ động trong việc nắm thóp các tập đoàn lớn, ít nhất là tập đoàn đó ký sinh trên chính cơ chế mà Nhà nước đó tạo ra.
Phạm Nhật Vượng và những người trong tập đoàn Vingroup có lẽ hiểu hơn ai hết về điều đó, và đó cũng là lý do ông ta muốn thoát nhanh hình ảnh đại gia bất động sản khi thành lập Viện Big data. Nhưng có vẻ, con đường tiến tới một tập đoàn công nghệ – tài chính sẽ không hề dễ dàng.
Leave a Comment