J.B Nguyễn Hữu Vinh – RFA
Thông tin làm mạng xã hội nóng rực là tin về Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Phú Trọng vào bệnh viện vì đột quỵ khi đi thăm Kiên Giang làm hệ thống chính trị náo loạn. Hàng loạt hình ảnh, tin tức liên tục được chia sẻ, bình luận, biểu thị thái độ, cảm xúc… tràn ngập mạng xã hội Việt Nam.
Điều đó cũng là chuyện bình thường bởi Nguyễn Phú Trọng là nhân vật số 1 Việt Nam về quyền lực. Ngoài việc nắm giữ chức đảng trưởng Cộng sản, một cái đảng đứng ngoài vòng pháp luật, hành xử vượt trên tất cả mọi quy định, luật lệ bình thường của xã hội loài người, trên cả những cái gọi là Hiến pháp, luật pháp Việt Nam do chính cái đảng này điều khiển mà nặn ra thì gần đây, ông ta ôm luôn chức Chủ tịch nước. Vì vậy một lời nói, hành động của ông ta luôn được chú ý vì có thể làm thay đổi nhiều thứ liên quan đến vận mệnh đất nước, của dân tộc Việt Nam với gần trăm triệu con người.
Khi Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Tôi rất bất ngờ khi được bầu làm Tổng Bí thư với gần 100% số phiếu” thì người dân hiểu rằng đó là “lời nói dối vĩ đại” bởi ai chẳng biết qua một quá trình đấu đá cật lực, lo lót đủ đường thì ông ta mới lại được ngồi yên ở đó.
Khi Nguyễn Phú Trọng nói: “Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát?”Thì người dân Việt Nam hiểu rằng, ông ta chưa thể đủ thế lực để ôm luôn cả hai chân đứng đầu hệ thống chính trị lúc bấy giờ. Và như vậy, đất nước vẫn cứ tồn tại một đám gọi là “Tứ trụ triều đình” luôn gầm ghè và tìm cơ hội động thủ, tiêu diệt lẫn nhau.
Còn khi Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Tất cả Ủy viên Trung ương đồng ý và bước đầu dư luận trong nước, quốc tế cũng đồng tình, ủng hộ”. Thì có nghĩa là khi đó, Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị cho việc ôm luôn cả chân Chủ tịch nước cho gọn gàng bởi vì ông ta thuộc diện “cán bộ tuyệt đối không có tham vọng quyền lực”.
Ở đây, cần lưu ý một điều, là những người dân trong nước đã có thói quen khi nghe lời lãnh đạo Việt Nam, nếu muốn hiểu được sự thật, thì cách duy nhất có thể, là nên hiểu ngược lại những điều được nghe từ miệng họ.
Trước đây, năm 2012, khi Nguyễn Phú Trọng xác định rằng “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta… “ thì người dân Việt Nam hiểu rằng, cái mô hình quái gở mang tên Chủ nghĩa Xã hội kia, cái thứ mà Victor Hugo đã định nghĩa: “là giấc mơ của vài người nhưng là cơn ác mộng của nhân loại” ấy sẽ vẫn là thứ gông cùm buộc vào cổ dân tộc này, bởi đó là phương thế duy nhất cho một nhóm người mang tên Cộng sản đè đầu, cưỡi cổ, bòn xương hút máu nhân dân với danh nghĩa “Nguyện vọng của nhân dân”.
Còn khi Nguyễn Phú Trọng tuyên bố rằng: “xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” thì có nghĩa rằng những lời ru ngủ mà xưa đến nay đảng luôn đem nhử người dân như một nắm cỏ xanh trước mũi đàn bò về thiên đường, là mơ ước, là hạnh phúc, là niềm tin… mang tên Chủ nghĩa Xã hội sẽ sớm xuất hiện ở Việt Nam, thì nay đừng quá trông chờ vào đó rồi mà thất vọng. Bởi ông ta biết tỏng tòng tong rằng “cú lừa vĩ đại” này sẽ sớm gây hậu quả cho chính đảng Cộng sản. Bởi hoặc là dân quá u mê mà tin tưởng, sẽ ỷ lại mà không cống hiến tiếp xương máu cho đảng, hoặc là dân ngộ ra thực tế, sẽ có sự so sánh và cái dối trá sẽ lòi đuôi và sự u mê sẽ tan biến, đảng sẽ sớm hiện nguyên hình là lừa đảo.
Thế nên, khi thông tin về việc Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ, vào bệnh viện và hôn mê, dư luận xã hội, người dân chộn rộn trở thành thông tin nóng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, điều lạ ở đây, lại là ở chỗ thái độ người dân khi đón nhận thông tin về việc sức khỏe của Tổng bí thư đảng Cộng sản, Chủ tịch nước suy sụp, tính mạng ở vào trạng thái nguy hiểm.
Điều thường thấy, khi một người đang trong cơn nguy kịch, thì với đạo lý dân tộc Việt Nam xưa nay “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, những người bình thường sẽ rất xót xa và cầu mong cho người đó qua khỏi sự nguy hiểm. Huống hồ đây lại là một lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Thế nhưng, ở đây thì ngược lại. Câu nói của Nguyễn Phú Trọng được nhắc lại nhiều nhất trong vài ngày qua, đó là “Một không khí phấn khởi, tin tưởng đang lan rộng khắp cả nước”. Hẳn nhiên, người dân nhắc lại câu này hoàn toàn không với ý của Nguyễn Phú Trọng đã tự huyễn hoặc về lòng tin của người dân vào đảng của ông ta. Mà đó là sự phấn khởi, tin tưởng đã và đang lan rộng khắp cả nước khi có tin Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước đang sắp lìa đời.
Người ta bàn tán, người ta mong chờ, dù có hơi thái quá nếu có lòng tin rằng nếu Nguyễn Phú Trọng chết đi, thì cái Chủ nghĩa Cộng sản sẽ sụp đổ ở Việt Nam. Thế nhưng, điều đó phản ánh tâm trạng, niềm tin, sự căm hận của người dân vào một chế độ, một cái đảng mà ông ta là đại diện, là nguồn gốc mọi đau thương, thất bại của dân tộc, đất nước này.
Thế nhưng, có thể hiểu được phần nào những hy vọng của người dân vào điều này là thực tế.
Rằng có thể Nguyễn Phú Trọng chưa chết, nhưng chắc chắn con đường mà Tập Cận Bình đã vẽ ra, mà theo lệ thường là Nguyễn Phú Trọng sẽ bám gót bước theo là làm Hoàng thượng suốt đời chắc chắn không thể thành hiện thực qua vụ này khi mà “Chưa chết thì cũng la lết lăn dưa”.
Và điều thấy rõ trước mắt, đó là chuyến đi chầu quan thầy Phương Bắc bẩm báo trước khi sang Mỹ của Nguyễn Phú Trọng dự định vào cuối tháng 4 để ký kết hàng loạt các văn kiện với Tập Cận Bình về dự án “Một vành đai, một con đường” – theo kế hoạch bành trướng mới của Tập Cận Bình – sẽ chưa được thực hiện bởi Nguyễn Phú Trọng. Chuyến đi này đã được hoạch định, và hẳn nhiên sẽ có nhiều khuất tất tiềm ẩn. Bởi báo chí Việt Nam đã được lệnh từ bây giờ là không được đưa tin rầm rộ về chuyến đi này.
Dư luận cũng cho rằng, nếu Trọng chết, thì điều đó là hợp lẽ đời và lẽ trời, bởi con người nói ra cả 1000 điều dối trá, thì cũng cần một điều nói thật. Nói 1000 điều không làm thì cũng cân một điều được thực hiện. Vì thế, nếu Nguyễn Phú Trọng chết, thì khi đó lời nói của ông ta như một lời nguyền đang thành hiện thực rằng: “Kiên quyết loại bỏ những người có tham vọng quyền lực vào trung ương”.
Hẳn nhiên là kẻ nào có tham vọng nhất thì phải loại bỏ, “Nhân bất đả, tắc thiên đả – Người không đánh, thì trời đánh”, đó là quy luật.
Nhìn lại thái độ hân hoan, phấn khởi của người dân Việt Nam mấy hôm nay trước tin Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ hôn mê phải cấp cứu. Người ta mới thấy một điều mà ông ta nói rằng: “Mình có thế nào, người ta mới như thế”. Tiếc rằng, ông ta lại không hiểu hết ý nghĩa câu nói đó.
Nếu Nguyễn Du còn sống lại, ắt hẳn lại sẽ ngâm lại câu Kiều:
Sư rằng: Phúc họa đạo trời,
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng tại ta,
Tu là cõi phúc tình là dây oan.
Ngày 15 tháng 4 năm 2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Leave a Comment