Trung Điền – Web Việt Tân
Tin đại gia Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị công ty AVG bị bắt giam về tội hối lộ vào trưa ngày 13 tháng 4, ngay sau đó tin ông Nguyễn Phú Trọng đi công cán ở Kiên Giang và bị đột quỵ vào chiều ngày 14 tháng 4, đã dấy lên nhiều sự đồn đoán về cuộc đụng độ sắp diễn ra gay gắt giữa phe ông Nguyễn Phú Trọng và phe ông Nguyễn Tấn Dũng.
Một trong những đồn đoán là nếu Phạm Nhật Vũ bị bắt thì trước sau gì Nguyễn Thanh Phượng con gái trưởng của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bị “xộ khám” do sự cấu kết giữa Phượng và Vũ trong việc nâng khống tài sản của AVG gấp 14 lần, để bán cho Mobifone, một doanh nghiệp nhà nước do Bộ 4T quản trị, chiếm đoạt nhà nước gần 7.000 tỷ đồng.
Báo chí nhà nước không nói rõ ông Phạm Nhật Vũ đã hối lộ cho hai nguyên và cựu Bộ trưởng Bộ 4 T là các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn là bao nhiêu; trong khi cơ quan điều tra thì hoàn toàn im lặng. Người ta cho đây là chiến dịch tung hỏa mù của phe “đốt lò vĩ đại” để chuẩn bị dư luận trước khi tấn công vào sào huyệt của đồng chí X. Phe ông Nguyễn Tấn Dũng tuy bị tan tác rất nhiều qua chiến dịch đốt lò của ông Trọng, nhưng vẫn còn nhiều nhân sự nằm trong bộ máy chính phủ và các doanh nghiệp mà ông Dũng đã cài cắm trong 10 năm làm Thủ tướng (2006-2016).
Nhưng sự mâu thuẫn ở đây là nếu chủ mưu tấn công vào sào huyệt đồng chí X thì ông Trọng đã không dại gì mang cái mạng của mình đi vào vùng địch là đất Kiên Giang, quê hương của ông Nguyễn Tấn Dũng để gặp những hiểm nguy. Phải chăng ông Trọng đã quá tự tin về thế lực của mình nên mới vào hang cọp, nhưng rồi bị “ai đó” ra tay ngầm hoặc vận xui đã tới hồi… khó thoát?
Việc ông Nguyễn Phú Trọng chọn đi công cán tại Kiên Giang không phải là không có chủ ý. Đây không những là chuyến đến Kiên Giang lần đầu mà còn là chuyến viếng thăm các tỉnh miền Nam đầu tiên trong lịch trình của ông Trọng, trong tư cách là Trưởng ban nhân sự đại hội để thảo luận và hướng dẫn các ban chấp hành Tỉnh ủy chuẩn bị nhân sự cho đại hội 13 (2021-2026) – một đại hội vô cùng quan trọng, vì nếu kiểm soát toàn bộ nhân sự “tân trung ương đảng”, thì chắc chắn ông Trọng sẽ tiếp tục giữ ghế Tổng bí thư và Chủ tịch nước cho năm năm tới.
Trước khi đến Kiên Giang, ông Trọng đã cho Bộ công an khởi tố đại gia Phạm Nhật Vũ về tội hối lộ, nằm trong vụ án Mobifone mua AVG. Qua việc bắt giữ này, phải chăng ông Trọng muốn tung ra một tín hiệu cho gia tộc Nguyễn Tấn Dũng? Đó là sẽ bắt Nguyễn Thanh Phượng về tội đã đồng lõa với Phạm Nhật Vũ nếu gia đình Nguyễn Tấn Dũng, kể cả Bí Thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, không thành khẩn hợp tác với ông Trọng trong việc tổ chức suôn sẻ đại hội 13.
Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng phải vào bệnh viện cấp tốc vì lý do sức khỏe, và với lứa tuổi đã “ngoài giới hạn”, sẽ khó cho ông Trọng có thể giữ những trách vụ cao như hiện nay. Nói cách khác là ông Trọng sẽ không thể làm Tổng bí thư và Chủ tịch nước sau đại hội 13.
Vậy ai sẽ thủ lợi qua tai nạn này của ông Trọng?
Kẻ thủ lợi đầu tiên là Trần Quốc Vượng, thường trực ban bí thư. Tùy theo sự hồi phục sức khỏe của ông Trọng trong thời gian tới, Trần Quốc Vượng sẽ trở thành nhân tố nổi trội trong việc chuẩn bị đại hội 13. Trần Quốc Vượng sinh năm 1953, tuổi sẽ về hưu vào tháng 1/2021. Do đó, nếu ông Trọng tiếp tục được chọn là Tổng bí thư và Chủ tịch nước thì ông Vượng sẽ phải ra đi. Ông Vượng được coi là nhân vật bảo thủ và thân Trung Quốc, nên nhiều phần sẽ được Bắc Kinh hậu thuẫn để thay ông Trọng nếu ông Trọng có mệnh hệ gì.
Kẻ thủ lợi kế tiếp chính là Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng một mặt hợp tác với ông Trọng để ngăn chận việc truy tố Nguyễn Thanh Phượng tội hối lộ cùng với Phạm Nhật Vũ; nhưng quan trọng hơn, ông Dũng sẽ liên kết những phe nhóm khác đã từng là nạn nhân của ông Trọng và ông Vượng trong hai năm qua, để gây áp lực và làm cho phe nhóm của ông Vượng không đủ sức độc chiếm quyền lực như phe ông Trọng trong thời gian qua. Khi ông Vượng lên thay ông Trọng mà ở thế chênh vênh, cá mè một lứa như trước đây thì ông Nguyễn Tấn Dũng mới có cơ hội gầy dựng lại thế lực, chuẩn bị cho người kế thừa chính là con trai trưởng Nguyễn Thanh Nghị.
Phải chăng chuyến công cán tại Kiên Giang hôm 13-14 tháng 4 là một đòn “cân não” của Nguyễn Phú Trọng để buộc gia tộc của đồng chí X phải cộng tác, nếu không thì Nguyễn Thanh Phượng sẽ bị bầm dập tù tội? Nhưng số phận đã an bài là ông Trọng không thể tiếp tục làm Thái thượng hoàng vĩnh viễn, nên kẻ thủ lợi chính là Trần Quốc Vượng và Nguyễn Tấn Dũng.
Bàn cờ thế sự có ai học được chữ ngờ! Các đột biến chắc chắn sẽ không lành cho đảng CSVN nếu chẳng may Tổng Tịch qua đời.
Leave a Comment