Lý Thái Hùng – Web Việt Tân
Nếu như nhà cầm quyền CSVN tôn trọng luật pháp quốc tế và thực thi đúng những gì đã cam kết, chắc chắn là họ đã không phải đối diện với một kết cục thảm bại trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Điều đáng nói hơn nữa là phản ứng của nhà cầm quyền CSVN, nhất là Bộ Tư Pháp, đã không biểu hiện một nhận thức nào về những sai trái của mình trong việc giải quyết vụ kiện đã gây một thiệt hại rất lớn cho quốc gia. Tòa án Quốc tế đã buộc nhà cầm quyền CSVN phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình tổng cộng 37.581.596 đô la (non 38 triệu) thiệt hại và gần 7,9 triệu đô la án phí.
Trong khi đó, trên trang nhà của Bộ Tư Pháp CSVN chỉ loan tải một thông báo mang nội dung trốn tránh trách nhiệm. Thông báo ghi như sau:
“Ngày 10 tháng 4 năm 2019, Hội Đồng Trọng Tài được thành lập theo Quy Tắc Trọng Tài UNCITRAL, đã ban hành phán quyết về vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với chính phủ Việt Nam trên cơ sở Hiệp Định Khuyến Khích và Bảo Hộ Đầu Tư Giữa Chính Phủ Việt Nam và Chính Phủ Vương Quốc Hà Lan.
Theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết. Tuy nhiên hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận.
Bộ Tư Pháp đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và Công ty Luật đại diện cho chính phủ Việt Nam nghiên cứu kỹ nội dung Phán quyết để thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật….”
Bên cạnh thông báo nói trên, các trang mạng của đảng đều đồng loạt giải thích vụ án Trịnh Vĩnh Bình theo một nội dung rằng: ông Trịnh Vĩnh Bình (có quốc tịch Hà Lan) về nước đầu tư nhiều dự án tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam vào đầu năm 1990. Năm 1998, ông Trịnh Vĩnh Bình bị Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết án tù về tội đưa hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, phạt tiền, đồng thời tịch thu toàn bộ tài sản có tại Việt Nam. Sau khi rời khỏi Việt Nam, ông Bình nhiều năm khiếu nại, yêu cầu nhà nước Việt Nam bồi thường thiệt hại nhưng không đạt được kết quả.
Nếu như nhà cầm quyền CSVN thực tâm giải quyết vụ kiện sau khi hai phía đã đạt kết quả thỏa thuận ngoài tòa, ký tại Singapore vào năm 2006 thì vụ án đã không hằn sâu thêm vết thương lên cả hai bên. Theo thỏa thuận năm 2006, nhà cầm quyền CSVN phải bồi thường cho ông Bình số tiền 15 triệu đô la, trả lại toàn bộ tài sản. Đổi lại ông Bình rút đơn kiện khỏi Tòa Án Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.
Sau non 10 năm theo đuổi việc đòi tiền bồi thường và tài sản dựa theo những cam kết của nhà cầm quyền CSVN, ông Trịnh Vĩnh Bình đã phải nộp đơn kiện nhà cầm quyền CSVN lần thứ hai với lý do nhà cầm quyền CSVN không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận. Phiên tòa diễn ra lần đầu vào ngày 21 tháng 8 năm 2017 tại Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế ở Paris. Sau những thủ tục xét xử, ngày 10 tháng 4 vừa qua, Tòa Trọng Tài Quốc Tế công bố phán quyết với 200 trang kết luận rằng nhà cầm quyền CSVN đã vi phạm đối xử công bằng và thỏa đáng, và vi phạm hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Hà Lan và CSVN.
Qua vụ án này đã cho thấy rõ bản chất của thể chế CSVN.
Thứ nhất, từ vụ cán bộ đủ mọi ban ngành cấu kết nhau dựng chuyện để bắt giữ và ăn cướp toàn bộ tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình trong vụ bắt giữ năm 1996 cho đến vụ “thỏa thuận” ngoài tòa tại Singapore vào năm 2006, hứa bồi thường 15 triệu đô la và trả lại tài sản để ông Bình rút đơn kiện ra Tòa Án Quốc Tế, lãnh đạo CSVN đã giải quyết rất tùy tiện nếu không muốn nói là không có một kiến thức gì về luật pháp cũng như không hề tôn trọng pháp luât. Vụ án xảy ra và kéo dài qua ba đời tổng bí thư – Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng – với hàng ngàn cuộc họp giữa Bộ Tư Pháp, Viện Kiểm Sát, các ban ngành của đảng mà vẫn không có một cá nhân nào được coi là có thẩm quyền trực tiếp thụ lý, để giải quyết đến nơi đến chốn với ông Bình và cả chính phủ Hà Lan.
Chính sách thì chủ trương hội nhập, kêu gọi đầu tư nhưng với não trạng “ai thắng ai” của guồng máy độc tài, độc đảng cùng với sự cấu kết của các nhóm quyền lợi nên sau khi cướp xong tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình thì họ phải phủi tay thật nhanh và biến thật lẹ. Chính vì điều này mà sau khi đã “thỏa thuận” trả lại tài sản cho ông Bình, những cán bộ phụ trách việc trao trả đã không thực hiện được vì nó đã sang tay qua nhiều lớp người, chẳng khác gì những vụ cướp đất cướp nhà của bà con dân oan.
Thứ hai, tuy ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, nghĩa là phía nhà cầm quyền CSVN phải bồi thường thiệt hại và án phí lên đến gần 48 triệu đô la; nhưng có đòi được hết số tiền bồi thường này hay không là một vấn đề nan giải, với hệ thống luật pháp tùy tiện của CSVN hiện nay. Nhưng quan trọng hơn hết là chính nhà cầm quyền CSVN đã phá hủy niềm tin và tinh thần của một doanh nhân Hà Lan gốc Việt muốn đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam cách nay gần 3 thập niên.
Thiệt hại hay mất mát về tài sản, con người có thể sẽ cố gắng gầy dựng lại; nhưng sự suy sụp về niềm tin và khủng hoảng tinh thần do những đe dọa của bộ máy bạo lực là điều to lớn. Thế nhưng, đọc qua bản thông báo của Bộ Tư Pháp về vụ án Trịnh Vĩnh Bình như đề cập bên trên, người ta không nhìn thấy sự phản tỉnh nào của nhà cầm quyền đối với những vấn nạn do chính chế độ gây ra. Xuyên qua vụ án này, nhìn lại những vụ bắt giữ và xét xử tùy tiện đối với các Tù nhân lương tâm hay đối với bà con dân oan miệt mài khiếu kiện về các tài sản bị cán bộ cướp bóc, đã cho thấy sự mất nhân tính của thể chế CSVN.
Khi một chế độ giải quyết tùy tiện và mất nhân tính, không biết là ông Trịnh Vĩnh Bình có “hy vọng” nào để đòi đủ số tiền bồi thường 48 triệu đô la hay không. Bởi vì nhà cầm quyền CSVN khó có thể trích ra từ ngân sách – vốn là tiền thuế của dân – để trả cho ông Bình trong lúc tình trạng ngân sách đang bị thâm thủng trầm trọng từ năm 2015 cho đến nay. Nếu không trích từ ngân sách thì phải bán những mảnh đất, những tài sản của ông Bình bị cướp đoạt và lại tạo ra một tầng lớp “dân oan mới” khi mà những mảnh đất này đã sang tay rất nhiều người rồi. Có thể những chủ nhân hiện nay hoàn toàn không biết gì về những tài sản này trong quá khứ có liên hệ đến ông Bình.
Vụ án Trịnh Vĩnh Bình đã để lại quá nhiều hệ lụy mà nguyên ủy chính là sự tùy tiện của bộ máy cai trị độc tài. Nhà cầm quyền CSVN đang phải trả giá cho sự tùy tiện này.
Leave a Comment