Nguyễn Hiền tổng hợp (VNTB)|
Về bản chất, cả Mỹ lẫn Việt đều cần Biển Đông, cần nhau và cùng ngăn chặn sự điên rồ của Bắc Kinh trong thời gian sắp tới. Bởi nếu không ngăn chặn, thì ĐH XIII của chính ĐCSVN sẽ khó có thể diễn ra theo lịch.
Ngày 7.4, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) loan tin, Bắc Kinh sắp đưa giàn khoan tên Dongfang 13-2 CEPB vào vùng biển Đông vào ngày 10.4, và tháng Sáu sẽ bắt đầu hoạt động. Mặc dù không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng sự kiện này gợi nhớ về mùa hè năm 2014, khi dàn khoan HD-981 vào Biển Đông, và lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã giằng co hơn 1 tháng với Bắc Kinh trên biển, trong khi trong nước diễn ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Quan hệ của 2 quốc gia đã có xu hướng đóng băng sau sự kiện này.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư lúc ấy cũng đã đề cập đến vấn đề chiến tranh, mà theo ông “Chúng ta phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng. Chúng ta mong chiến tranh không xảy ra và cố gắng làm cho nó đừng xảy ra”.
Nhưng HD-981 chưa phải là dấu chấm hết, thực tế cho thấy, Trung Quốc thay dàn khoan bằng sự tổng lực bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông. Và Việt Nam – quốc gia chủ yếu nhất trong đòi hỏi chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc cũng thay đổi chiến thuật giữ gìn chủ quyền của mình.
Việt Nam vẫn giữ một quan điểm phản đối nhằm dung hòa mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước phương Tây, khi Hà Nội lên tiếng không “ủng hộ Bộ tứ hợp tác an ninh Mỹ, Úc, Nhật, Ấn” trên vùng Biển Đông, thì Hà Nội cũng “kiên quyết phản đối Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông”, cũng như Hà Nội cấm Bắc Kinh thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng Biển Đông trong quá trình xây dựng Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Mỹ cũng đang nhúng tay sâu hơn vào Biển Đông, khi gần đây một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói Việt Nam là “một đối tác quan trọng” và mong muốn liên minh chặt chẽ hơn với Hà Nội.
Thậm chí, ông David Shear, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và cũng là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong cuộc hội thảo đầu tháng Tư đã đưa quyền chủ động về phía Việt Nam, khi ông cho biết có thể Washington không bao giờ có được một liên minh với Việt Nam, nhưng Hà Nội thì “luôn luôn có cơ hội liên minh với Mỹ khi Việt Nam muốn”.
Hà Nội – vị trí địa chiến lược mà Washington luôn mong muốn. Nhưng, “Việt Nam không liên minh,…” – nguyên tắc quốc phòng Việt Nam đã xác định.
Tuy nhiên khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, khi mà Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy, và Việt Nam đơn độc trong cuộc chiến giữ chủ quyền. Nền quốc phòng và kinh tế Việt Nam chưa bao giờ đủ trước sức mạnh to lớn về kinh tế và quốc phòng của Bắc Kinh. Trong khi, nhóm nước ASEAN đang bị xé lẻ vì sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, và Manila – đất nước vốn được coi là có tiếng nói nhiều trong vấn đề Biển Đông trước đó với Việt Nam, đã trở nên mềm mỏng hơn dưới thời Duterte.
Việt Nam không thể dựa vào Nga, một con buôn vũ khí – di sản thời Liên Xô và không hề đứng về phía lập trường Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Mỹ và đồng minh là tất cả những gì Việt Nam đang có để tạo thể đứng.
Mới đây, tờ Bưu Điện Hoa Nam đã đưa tin, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố giữa Mỹ và hải quân Trung Quốc ở Biển Đông vì quân đội Mỹ đã được trao thêm thẩm quyền quyết định. Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông, liên tục khám phá các vùng màu xám giữa hòa bình và xung đột, và thăm dò điểm mấu chốt của Trung Quốc, dẫn đến ngưỡng xung đột vũ trang và chiến tranh quy mô nhỏ, một báo cáo được đưa ra bởi Sáng kiến Chiến lược Tình hình Chiến lược Biển Đông của Đại học Bắc Kinh cho biết.
Và khi chính quyền Trump ủy quyền cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (PACOM), thì điều này sẽ “làm tăng rủi ro và nguy cơ” trong khu vực.
Trong khi đó, một thỏa thuận cho chuyến thăm tàu sân bay đến Việt Nam vào năm 2019 đang được triển khai, và Mỹ “hy vọng sẽ đạt được”.
Theo Hoàn Cầu Thời báo, “Washington muốn can thiệp vào Biển Đông thông qua hợp tác với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một đối tác lý tưởng cho Mỹ”.
Dù chuyến thăm này không khiến hợp tác quân sự giữa hai quốc gia khó thực hiện, như cách báo này đặt vấn đề, thì chuyến thăm như vậy sẽ có ảnh hưởng ngoại giao tiêu cực đến Trung Quốc trong ngắn hạn. Trong đó, tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam “có thể làm rung chuyển vùng biển của Biển Đông và xúi giục các thành viên ASEAN đối kháng với Trung Quốc.”
Vậy sẽ có điều gì mang tính đột phá?
“Do xung đột ý thức hệ của Việt Nam với Mỹ và các tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc, Hà Nội sẽ không hoàn toàn nghiêng về phía Washington hay Bắc Kinh. Duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc là phù hợp với lợi ích của Việt Nam.”
“Nhưng khi hợp tác kinh tế, Mỹ và Việt Nam có thể tạo ra những bước đột phá. Việt Nam cần thị trường lớn của Mỹ và Việt Nam không sẵn sàng dựa hoàn toàn vào Trung Quốc,”, Hoàn Cầu Thời báo cho biết.
Trong khi chờ sự “chấp thuận” từ Hà Nội, Mỹ đã gửi một tàu tấn công đổ bộ – USS Wasp, có trang bị máy bay chiến đấu F-35B để tham gia các cuộc tập trận gần bãi cạn tranh chấp lần đầu tiên, gửi một thông điệp nhọn tới Trung Quốc
Nhưng Việt Nam có cách tiếp cận thận trọng hơn, ít nhất về mặt pháp lý. Mới đây, trong tuyên bố chung giữa Hà Lan và Hà Nội vào ngày 9.4, cả hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông và tôn trọng trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.
Tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia là cần thiết trong duy trì chủ quyền Biển Đông, nhưng phát triển mối quan hệ với các quốc gia mà vai trò “bảo vệ quyền tự do hàng hải” tại Biển Đông mang tính mạnh mẽ lại là điều khẩn thiết, khi có những chỉ dấu cho thấy, Bắc Kinh đang có xu hướng xuất khẩu bất ổn sang bên ngoài, và Biển Đông là tầm ngắm.
Chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng (trong tháng 10?) có thể giúp giải tỏa câu hỏi, liệu Việt Nam có thể là “đối tác lý tưởng” của Mỹ, vì vấn đề Biển Đông hay không? Bởi về bản chất, cả Mỹ lẫn Việt đều cần Biển Đông, cần nhau và cùng ngăn chặn sự điên rồ của Bắc Kinh trong thời gian sắp tới. Bởi nếu không ngăn chặn, thì ĐH XIII của chính ĐCSVN sẽ khó có thể diễn ra theo lịch./.
Leave a Comment