Nạn bè phái hiện nay

Tất Thành Cang và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh chụp màn hình Đất Việt.
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Tất Thành Cang là một cái tên mà mọi người đều biết gần đây; nhưng hàng chục ngàn dân oan trong vụ án cướp đất Thủ Thiêm lại càng biết họ Tất nhiều hơn.

Đi lên từ con đường Đoàn Thanh niên Cộng sản, Tất Thành Cang đã giữ những chức vụ cao trong đảng và chính quyền Thành Hồ khá nhanh. Họ Tất được mô tả là “đệ tử ruột” của lãnh chúa Sài Gòn Lê Thanh Hải và là nhân vật chịu trách nhiệm chính trong vụ “chuyển nhượng” 32 ha đất ở Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ hơn bèo. Đất là đất công, lạm quyền lấy bán rẻ cho tư nhân, chắc hẳn anh Cang bỏ tiền lại quả vào túi riêng không phải là con số nhỏ.

Cạnh đó, trong khi thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Cang đã phê duyệt, ký kết hợp đồng 12 ngàn tỷ VND với công ty Đại Quang Minh, xây dựng 4 tuyến đường trong khu đô thị Thủ Thiêm với chiều dài tổng cộng chưa tới 13 cây số.

- Quảng Cáo -

Hợp đồng này đã được thanh toán bằng 79 ha “đất vàng” đáng lẽ dùng để tái định cư người dân bị giải toả. Chuyện này, Cang đã vượt quá thẩm quyền của một thành phố, theo đúng luật chỉ có quyền ký hợp đồng tối đa 1.500 tỷ. Nhưng dĩ nhiên Cang có chỗ dựa vững chắc sau lưng mới dám tung hoành như chỗ không người.

Do bị cáo buộc “vi phạm rất nghiêm trọng” nên cuối năm 2018 trong Hội nghị Trung ương 9, Tất Thành Cang bị lột hết mọi chức vụ trong đảng. Đối với đảng bộ Thành Hồ, Cang chỉ còn là thành uỷ viên vô thực quyền. Nhưng con đường hoạn lộ của Tất Thành Cang chưa chấm dứt ở đó.

Ngày 30/3/2019 các báo lề đảng loan tin Tất Thành Cang “được phân công” làm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM” trong một hội nghị của thành uỷ Thành Hồ. Nếu căn cứ theo nhiệm vụ thì tuy Cang không trực tiếp cầm bút nhưng cái gọi là công trình “Lịch sử TP.HCM” sẽ do một cán bộ thành tích lem nhem chỉ đạo về nội dung!

Dư luận chưa hết bàn tán thì một ngày sau, ngày 1/4/19 thêm một trường hợp bổ nhiệm từ Thanh Hoá lại làm mọi người xôn xao. Ông Ngô Văn Tuấn, một Phó chủ tịch tỉnh làm nên danh tiếng trong vụ “nâng đỡ không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ một tạp vụ nhanh chóng leo lên ghế Phó giám đốc Sở Xây Dựng. Khi nội vụ đổ bể, tháng 1/2018 Tuấn đã bị cách hết mọi chức vụ nhưng nay lại được đưa trở về làm chánh văn phòng Sở Xây Dựng Thanh Hoá “đúng quy trình”!

Ai cũng nghĩ đáng lẽ sau khi bị kỷ luật, Tất Thành Cang và Ngô Văn Tuấn phải có thời gian ít nhất từ 2 đến 3 năm không được giữ một chức vụ chỉ huy nào để tự kiểm điểm theo kiểu sám hối. Nhưng thật ra những cuộc cách chức này chỉ tượng trưng, vì vài tháng sau khi thấy dư luận tạm lắng xuống thì các đương sự này lại được móc ra bổ nhiệm chức mới.

Điều này cho thấy, dù họ trở lại những chức vụ không cao mấy, nhưng hành động kỷ luật trong đảng và chính quyền cộng sản kiểu đó chỉ là “chơi lẫn nhau” giữa các phe nhóm hơn là trừng phạt vì những sai lầm của cán bộ. Vì thế có một số báo chí ngay trong nước đã cho rằng, trường hợp tái bổ nhiệm chỉ là hình thức trả ơn qua lại của nạn bè phái trong đảng cộng sản. Tuy hiện nay do áp lực của dư luận quần chúng đối với sự bổ nhiệm trắng trợn ở Thanh Hoá, Ngô Văn Tuấn đã xin rời Sở Xây Dựng để giữ chức vụ khác. Hoá ra đây cũng chỉ là sự phù phép gian trá của chính quyền Thanh Hoá, không ăn được lập tức xoá bài làm lại.

Xét cho cùng trong đảng và chính quyền cộng sản ngày nay, đây đúng là nạn bè phái và trả ơn. Nó là anh em của nạn chạy chức, chạy quyền mà bề trên của chúng là vấn nạn tham nhũng. Bởi những chức vụ đi kèm quyền lợi mà các phe nhóm được phép chia nhau lúc nào cũng dựa trên 3 quy luật:

– Dựa vào nhau để tạo thành băng nhóm vững mạnh trong các ngành từ trung ương tới địa phương để chiếm những chiếc ghế béo bở nhất. Như phe dầu khí, phe xây dựng, phe thuế vụ, phe công an, phe quân đội… phe này liên kết với phe kia hoặc khi cần cũng đấu đá nhau quyết liệt;

– Chia chác nhau để tạo sự “công bằng” trong quyền lợi bất chính, có trên có dưới, ai cũng được thụ hưởng tương xứng với công sức mình bỏ ra tuỳ theo ghế ngồi. Mục đích để tồn tại lâu dài, hưởng lợi nhiều nhất và hạ cánh an toàn nhất;

– Che giấu nhau là điều kiện sinh tử của các phe nhóm khi hành động của chúng bị dòm ngó hay bị tố cáo. Khi có một kẻ nào đó bị mang ra kỷ luật thì phải hiểu đó chỉ là những con dê tế thần tuỳ theo tác hại của mỗi sự việc. Sau đó nếu có cơ hội thì phe nhóm sẽ ra tay phục hồi cho người của mình. Đó là hai trường hợp vừa diễn ra đối với Tất Thành Cang và Ngô Văn Tuấn.

Riêng trường hợp Tất Thành Cang, cũng có dư luận cho rằng chức Phó ban của Cang cũng chỉ để tạm thời ngồi chơi xơi nước trước khi bị xem xét trách nhiệm hình sự. Đây chưa hẳn là điều tốt cho Cang, vì ai cũng còn nhớ Đinh La Thăng sau khi bị kỷ luật mất ghế ủy viên Bộ chính trị được cho giữ Phó ban kinh tế Trung ương trước khi tra tay vào còng. Hay như cựu Bộ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn trở lại chức Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, sau đó vào đầu năm 2019 bị khởi tố bắt giam cùng người tiền nhiệm Nguyễn Bắc Son.

Tóm lại, những cái lò của ông Trọng dựng lên trong từng thời kỳ, trong thực tế nó chỉ được nhóm lên để cảnh cáo hay giải quyết một số trường hợp quá đà coi thường 3 quy luật nói trên mà thôi.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here