Phạm tội cả loạt vì tin, sợ công an?

- Quảng Cáo -

Nguyễn Đình Ấm – VNTB|

Năm 2017 tôi vào Đà Nẵng nghỉ ở khách sạn Mitisa trên đường Nguyễn Văn Linh. Buổi sáng xuống phố, gọi ly cà phê tình cờ ngồi liền bàn với một bác nguyên cán bộ của UBND thành phố, tôi bắt chuyện.

– Lâu lắm tôi mới vào đây, thành phố thay đổi nhanh mà sạch sẽ ngăn nắp, bình yên hơn Hà Nội nhiều…

Bác chậm rãi:

- Quảng Cáo -

– Cảnh quan thành phố đẹp nhờ thời ông Nguyễn Bá Thanh. Ông tính cách mạnh mẽ, trong quản lý đô thị, ai xây trái quy hoạch là phá ngay nên mới được thế này.

– Chắc ông Thanh phải thanh liêm?

-Ông nào mà chả ăn nhưng ổng sài một thì “đám kia” sài mười, bao nhiêu đất vàng của công họ sài hết…

-Thế  ông Thanh mà cũng sợ “đám kia” à?

-Ông Thanh chống ai chứ cũng không dám chống bọn họ…

-“Bọn họ” là bọn nào mà ông Bá Thanh phải sợ?

– Một phần ổng cũng có “kiếm này, nọ” nhưng chủ yếu ổng sợ – ông đảo mắt xung quanh rồi hạ giọng- “bọn ấy là công an”.

Công an như thế nào thì tôi không lạ và cho đó chỉ là chuyện dông dài nên câu chuyện cũng chỉ đến đấy rồi bị xóa hẳn trong tôi.

Tin vào công an sẽ an toàn (?)

Thế nhưng, thời gian qua một “lô xích xông” ít nhất có 7 quan chức lãnh đạo thành phố, 5 cán bộ sở, ngành, 7 sếp doanh nghiệp (Đà Nẵng và TP HCM) bị đưa ra ánh sáng cùng một tội: Lợi dụng chức, quyền chuyển nhượng cho Vũ nhôm – một anh thợ nhôm kính – chiếm đoạt bao nhiêu nhà cửa đất công không qua đấu thầu với giá bèo, kiếm lợi bất chính từ tài sản quốc gia hàng nghìn tỷ thì tôi lại nhớ tới lời ông già Đà Nẵng hôm nào.

Vậy tại sao chỉ là một tay giám đốc công ty mà khuynh loát được cả một đám  quan chức cộm cán ở TPHCM, Đà Nẵng có kiến thức pháp luật sơ đẳng thuộc lĩnh vực họ phụ trách? Họ tin, sợ công an thật sao?

Ở chế độ này, công an là một thế lực mạnh nhất trong xã hội. Từ ai mất cái xe đạp đến người bị chết bất thường đều do công an điều tra phán xét. Tuy về hình thức ngành tư pháp cũng có ba thành phần: Công an, kiểm sát, tòa án độc lập để “kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau nhưng thực chất họ chỉ là một, bởi tất cả họ đều dưới sự lãnh đạo của một đảng do một ông nào đó phụ trách. Vì vậy khi đảng muốn xử vụ A,B,C nhất là những vụ chính trị thì cả ba cơ quan phải nhất trí với “bản án bỏ túi” bởi chủ trương của cấp trên, với những vụ không cần chủ trương chung  thì ba cơ quan đó cũng dễ dàng nhất trí với nhau vì “cùng dưới mái nhà của đảng”.

Hơn nữa, do công an có chức năng phát hiện, điều tra, điều tra ban đầu tội phạm nên có uy quyền lớn nhất. Bởi công an có vai trò, quyền uy như thế nên khi họ làm việc gì mọi người phải  tin là họ nắm phần thắng. Ví như họ có làm sai thì phần lớn  cũng an toàn. Ví dụ vụ clip quay công an đá, tát nhà báo trên cầu Nhật Tân rành rành nhưng đó chỉ là chuyện “Vung tay trúng má, chân giơ hơi cao” hay vụ cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm cả nhiều người nhìn thấy phó giám đốc công an huyện Mỹ Đức Lê Thanh Tùng đá gẫy chân nhưng công an khẳng định “do con cháu cụ giằng co làm cụ gẫy chân”.

Trong vụ Đồng Tâm dù chính quyền Hà Nội nhận bừa 59 ha đồng Sênh sai hoàn toàn nhưng viện kiểm sát Hà Nội vẫn phê duyệt công an Hà Nội khởi tố, triệu tập 70 dân Đồng Tâm. Trong vụ chính quyền huyện Tiên Lãng cướp đầm tôm của anh em Đoàn Văn Vươn, giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đem quân trấn áp, phá nhà cửa công dân ngay giáp tết bị dư luận kịch liệt lên án nhưng ông này không bị kỷ luật gì mà ngay sau đó còn được phong tướng. Có công an đánh chết người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chỉ bị 4 năm tù. Bao nhiêu người khỏe mạnh bị giam chết trong đồn công an nhưng có mấy ai bị xử lý…Quyền uy như thế lại được ưu đãi nhiều mặt nên hiện tại hầu hết tài năng của đất nước muốn gia nhập ngành này, nhiều thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình…dốt nát nhưng cạy cục gian lận điểm để vào công an…

Như thế, việc các quan chức Đà Nẵng, Sài Gòn biết mình chuyển nhượng đất công không qua đấu giá cho Vũ nhôm là sai nhưng vẫn đồng loạt làm vì tin Vũ là công an nên sẽ an toàn.

Sợ công an

Ngoài tin tưởng làm sai với công an thì an toàn, theo tôi giới lãnh đạo hai thành phố kia còn còn rất sợ hãi nếu không làm theo yêu cầu của Vũ nhôm. Đúng như bác bảo vệ già nói ông Nguyễn Bá Thanh còn phải sợ thì các cỡ nhỏ hơn còn sợ đến đâu. Việc sợ Vũ nhôm càng tăng khi các thứ trưởng bộ CA Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân còn công văn thẳng cho lãnh đạo thành phố, chính phủ yêu cầu nhưng không khác gì mệnh lệnh cho họ phải chuyển đất cho Vũ nhôm. Các vị này cũng  thường xuyên vào hai thành phố “công tác” giao lưu với Vũ nhôm chụp nhiều ảnh, video phát tán chuyển đi thông điệp về quyền uy của mình. Trong vụ báo Đại Đoàn Kết chuyển nhượng trụ sở giá bèo cho Vũ nhôm theo các nhà báo thì có sự “nể, sợ” của không chỉ TBT báo mà còn cả Vũ Trọng Kim chủ tịch UBTWMTTQVN chứ riêng TBT Đinh Đức Lập “không có gan” làm việc này. Đồng nghiệp của tôi ở Đà Nẵng cũng khẳng định Vũ nhôm là “tình báo nằm vùng”, biết rõ hành vi sai trái của bọn Vũ nhôm, lãnh đạo thành phố nhưng sợ đến mức không dám đăng gì mà còn không dám chuyển cho ai tài liệu về sai phạm của Vũ nhôm và các cán bộ ở đây.

Hiện tượng này không chỉ có ở Đà Nẵng. Theo những nơi tôi biết thì ít có nơi nào lãnh đạo địa phương lại trái ý công an, khi địa phương có nguồn lợi nào ví như dự án đất đai, khu đô thị, chung cư…chẳng hạn thì lãnh đạo công an địa phương, công an phụ trách địa bàn thường cũng có phần. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị luôn “hòa thuận” với công an bởi “cộng sinh lợi ích”. Thời buổi mà “tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” (lời ông Nguyễn Phú Trọng) và cán bộ “Ăn của dân không từ cái gì” (phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan) thì có bao nhiêu cán bộ từ xã, phường, quận, huyện, xí nghiệp, công ty, bộ, ngành…thanh liêm? Mà không thanh liêm thì sợ pháp luật mà “pháp luật” cụ thể trước tiên là công an. Vì vậy hầu hết các vụ tham nhũng không phải công an phát hiện (dù dó là một trong các chức năng, nhiệm vụ của họ) mà do dân, báo chí phát hiện.

Hồi tôi làm báo ở ngành hàng không VN đã thấy quá rõ công an kinh tế (A 17) nằm vùng ở ngành này thường xuyên ở, đi khắp các đơn vị, sân bay nhưng không phát hiện được tham nhũng để đến khi khi dân, báo chí phanh phui thì có hiện tượng họ tham mưu cho lãnh đạo ngành HKVN “hợp lý hóa”, giảm sai phạm.Anh công an địa bàn Nguyễn Văn Lâm thường theo dõi tôi được lãnh đạo HKVN tặng cho một lô đất.

Bản chất quan chức dưới chế độ độc tài là tham nhũng nhưng khi được những thế lực mạnh “đồng hành”  thì họ càng tự tin để bạt mạng làm càn.

Vì vậy cả loạt cán bộ ở Đà Nẵng, TP HCM đều phạm tội với một anh Vũ nhôm là hợp logic./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here