Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ – VOA
Vào sáng ngày 13/2/2017 tại Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Kim Chính Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Chính Ân, bị Siti Aisyah, 25 tuổi và Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, tấn công bằng chất VX, một vũ khí hóa học bị Liên Hiệp Quốc cấm, và chết ngay sau đó. Hai phụ nữ này là những người duy nhất bị cảnh sát Malaixia bắt giữ và buộc tội giết người sau khi bốn nghi phạm người Bắc Triều Tiên trốn khỏi nước này cùng ngày. Nếu Aisyah và Hương bị kết tội, họ sẽ bị treo cổ. Cả hai nói đi nói lại rằng họ tin là họ tham gia một trò chơi khăm cho một chương trình truyền hình theo hướng dẫn của bốn người Bắc Triều Tiên và họ không hề có ý định giết ông Kim. Cố ý làm chết người là yếu tố có tính quyết định trong xác định tội giết người theo luật Malaixia.
Ngày 11/3 vừa qua, một tòa án Malaixia đã trả tự do cho Aisyah sau khi công tố viên rút truy tố chống lại người này. Tòa cũng quyết định hoãn xét xử Hương đến 1/4 tới do sức khỏe và điều kiện tâm lý tồi tệ của cô.
Trước khi phiên tòa nói trên diễn ra, Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền Inđônêxia Yasonna Laoly đã gửi một bức thư cho Bộ trưởng Tư pháp Malaixia Tommy Thomas yêu cầu giúp trả tự do cho Siti Aisyah. Laoly nói rằng Aisyah không hề có ý định giết Kim Chính Nam vì cô “bị đánh lừa và không hề biết mình đang bị Bắc Triều Tiên sử dụng như một công cụ tình báo”. Ba ngày trước phiên tòa, 8/3/2019, Bộ trưởng Tư pháp Malaixia viết thư phúc đáp trong đó ông thông báo cho đồng nhiệm Inđônêxia về quyết định của ông miễn tố Siti Aisyah do “quan hệ tốt đẹp” giữa hai nước. Ông viết: “Điều này có nghĩa sau khi được Tòa tuyên tha vào ngày 11/3/2019 người này sẽ được trả tự do”.
Ít nhất hai hành động từ Chính phủ Inđônêxia có thể giúp giải mã nội hàm của “quan hệ tốt đẹp” mà Bộ trưởng Tư pháp Malaixia nói tới.
Vào tháng 8 năm 2018, Chính phủ Inđônêxia đã trả lại một du thuyền sang trọng trị giá 250 triệu USD. Du thuyền này bị giữ theo yêu cầu của các nhà chức trách Mỹ như một phần của cuộc điều tra vụ tham nhũng nhiều tỷ USD tại quỹ Nhà nước của Malaixia có tên “Malaysia Development Berhad”. Vào 10/3 vừa qua, chỉ một ngày trước khi Aisyah được trả tự do, 16 công dân Malayxia bị cảnh sát Inđônêxia bắt 2 tháng trước đó do vi phạm visa du lịch khi tiến hành các hoạt động thương mại, đã được thả.
Chính phủ Việt Nam cũng vận động hành lang Chính phủ Malaixia để Hương được thả. Ngày 28/4/2017, trong một cuộc họp song phương với Thủ tướng Malaixia Najib Razak bên lề Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 họp tại Philippin, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Malaixia bảo đảm cho cô một phiên tòa công bằng và các quyền hợp pháp của cô. Razak cam kết Malaixia sẽ làm như vậy. Bốn tháng sau, trong một chuyến thăm Malaixia Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lại nêu vụ của Hương. Razak một lần nữa cam kết bảo đảm công bằng trong điều tra và xét xử nghi phạm người Việt Nam. Mới đây nhất, một ngày sau khi Aisyah được thả, Bộ trưởng Ngọai giao kiêm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh điện thoại cho Bộ trưởng Ngoại giao Malaixia Saifuddin Abdullah đề nghị Malaixia “bảo đảm một phiên tòa công bằng và trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương”. Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng đưa ra yêu cầu tương tự trong một bức thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Thomas.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, cách tiếp cận pháp lý này của Chính phủ Việt Nam gây nguy hiểm cho tính mạng của Hương. “Một phiên tòa công bằng” vẫn có thể dẫn tới việc Hương bị kết tội giết người. Chính phủ Việt Nam lẽ ra phải khẳng định rằng Hương đã bị các nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên lừa dối, giống như Chính phủ Indonesia đã làm cho Aisyah. Có thể Hà Nội đã lựa chọn không làm như vậy là vì sợ làm tổn hại quan hệ với Bình Nhưỡng, một trong vài chế độ có cùng ý thức hệ cộng sản còn sót lại.
Vấn đề là ngay dù Chính phủ Việt Nam quyết định sửa sai bằng cách khẳng định Hương chỉ là nạn nhân của tình báo Bắc Triều Tiên thì điều này cũng không đủ để cứu mạng cô. Cuộc vận động hành lang của Inđônêxia cho thấy một cách tiếp cận pháp lý đúng đắn chỉ có thể thành công nếu đi cùng với việc thỏa mãn những đòi hỏi của Malaixia theo nguyên tắc có đi có lại.
Vì thế, Hà Nội chỉ có một sự lựa chọn. Đó là thỏa mãn đòi hỏi của Kuala Lumpur liên quan đến một doanh nghiệp Malaixia đang làm ăn ở Việt Nam.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), thành lập năm 2008 tại Việt Nam, là một đơn vị của Tập đoàn Berjaya của Malaixia do Vincent Tan, người gốc Hoa, sở hữu. Theo BBC, Vincent Tan có quan hệ gần gũi với Thủ tướng Malaixia Mahathir Mohamad.
Tháng 8/2011, SBBS gửi số tiền Việt, tương đương 10 triệu USD, chiếm 70% vốn pháp định của công ty vào VietinBank, một ngân hàng Việt Nam do Nhà nước sở hữu. Hai tháng sau, Huỳnh Thị Huyền Như, quản lý cao cấp của VietinBank, đã biển thủ khoản tiền này bằng cách giả chữ ký, con dấu và tài liệu của SBBS. Vẫn thủ đoạn ấy, Huyền Như đã chiếm đoạt số tiền Việt tương đương gần 38 triệu USD từ các tài khoản của bốn công ty khác mở tại ngân hàng này.
Năm công ty này đã yêu cầu tòa án buộc VietinBank trả lại họ tiền gửi cộng với lãi xuất. Họ lập luận rằng Huyền Như chiếm đoạt tiền của họ từ ngân hàng này chứ không phải trực tiếp từ họ. Nói cách khác, sự lơi lỏng giám sát của ngân hàng đối với nhân viên của mình đã dẫn tới tiền gửi của họ bị mất. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng có quan điểm tương tự. Mặc dầu thừa nhận tính hợp pháp của các khoản tiền gửi của năm công ty tại VietinBank cùng như thừa nhận Huyền Như đã giả chữ ký, con dấu và tài liệu của các công ty này, Tòa phúc thẩm trong phán quyết ngày 30/5/2018 đã bác bỏ yêu cầu của các công ty và buộc Huyền Như, bị kết án chung thân về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có trách nhiệm trả lại tiền cho họ.
Bên cạnh việc SBBS kháng cáo lên Tòa án tối cao của Việt Nam theo thủ tục giám đốc thẩm, Đại sứ Malaixia tại Việt Nam và Bộ trưởng Thương Mại Malaixia đã chính thức gửi thư yêu cầu Thủ tướng và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam can thiệp để bảo vệ quyền lợi của SBBS. Thỏa mãn đòi hỏi này của Malaixia, theo quan điểm của tôi, thì Việt Nam mới có thể bảo đảm cho Hương được miễn tố như nghi phạm người Inđônnêxia hay một phiên tòa đưa lại tự do cho cô.
Tóm lại, chừng nào tòa án Việt Nam vẫn giữ phán quyết bất công của họ, Thủ tướng Malaixia Mahathir Mohamad khó có thể xem quan hệ với Việt Nam là “tốt đẹp” và mạng sống của Đoàn Thị Hương sẽ tiếp tục trong tình trạng “Chuông treo chỉ mành”.
Tác giả là một nhà bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị Việt Nam, đã công tác tại Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm.
Leave a Comment