Phạm Chí Dũng –VOA|
Tròn một năm sau hai phiên tòa xử ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng với tổng cộng 31 năm tù giam nhưng lại không dẫn ra được chứng cứ nào đủ thuyết phục về tội trạng của Thăng, cũng không làm hé lộ được cung đường nào dẫn thẳng tới cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng, vào tháng Ba sau tết nguyên đán 2019 đã ồn ào bùng lên vụ Junin 2.
Phát pháo lệnh ‘đánh’ vụ Junin 2 – theo truyền thống – vẫn được bắn ra bởi Thanh Niên – tờ báo mà vào tháng 3 năm 2017 đã phát pháo hiệu về ‘đánh’ ngành dầu khí – vụ Đinh La Thăng và cho tới nay đã hoàn thành những chuẩn mực của một tờ báo ‘thân đảng’.
Lại là Mạnh ‘Mượt’ và ‘Ba X’
Chẵn một con giáp trước đó, vào năm 2007 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do Đinh La Thăng khi đó là chủ tịch hội đồng thành viên đã có một phi vụ đầu tư vào một công ty khai thác dầu khí tại Venezuela – chế độ được xem là ‘người anh em xã hội chủ nghĩa’ của Việt Nam với sự chứng kiến của Nông Đức Mạnh – tổng bí thư thời đó mà còn những biệt danh khác như ‘Gã Răng Chắc’, ‘Mạnh Mượt’… Phi vụ này cũng được cho phép bởi thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời được ‘tập thể Bộ Chính trị’ gật đầu nhưng không thèm hỏi ý kiến Quốc hội – cơ quan mà về mặt luật là có thẩm quyền xem xét những dự án đầu tư tỷ đô như Junin 2.
Tiếp đến, một tổ hợp liên doanh ra đời giữa PVN và Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela với cái tên “Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2”, có tổng vốn đầu tư 12,4 tỷ USD, trong đó liên doanh vay 60%, tương ứng 5,8 tỉ USD; 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng 3,1 tỉ USD. Phía Việt Nam tham gia 40% với số vốn góp là 1,241 tỉ USD.
Lẽ ra sự việc trên đã hoàn toàn bình thường như nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài khác, nếu Junin 2 không mang về một giọt dầu nào cho tới nay và không bị phát hiện một khoản chi quái lạ: “phí tham gia hợp đồng” (bonus), lên đến 584 triệu USD, khiến tổng vốn của phía VN phải bỏ ra lên đến 1,825 tỉ USD.
Con số 584 triệu USD bonus trên chi cho ai? Phải chăng PVN đã dùng nó để hối lộ những quan chức cao cấp của Venezuela?
Cộng hưởng với hậu quả Junin 2 trở thành dự án mà PVN đốt tiền ngân sách quốc gia và trơ khung trùm mền cho đến nay, số tiền ‘lại quả’ khủng khiếp trên đang khiến dự án này trở thành đầu đề nóng hổi trên mặt báo chí nhà nước vào những ngày này, lồng trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng khi tổng giám đốc của PVN là Nguyễn Vũ Trường Sơn thình lình làm đơn xin từ chức, còn Bộ Công an thì đang ‘vào cuộc làm rõ’.
Trong khi đó, mạng xã hội vừa tung hứng vừa tung tóe nhiều thông tin và bình phẩm về vụ Junin 2. Nhưng những tin tức và bình luận này không chỉ xuất phát từ những cây bút độc lập mà còn hiện ra trên những trang facebook cá nhân của một số cây bút mang màu sắc ‘phe cánh chính trị’.
Nguyễn Phú Trọng ‘vô can’?
Vào thời Junin 2, ‘tứ trụ’ trong chính thể độc đảng ở Việt Nam gồm Nông Đức Mạnh – tổng bí thư, Nguyễn Minh Triết – chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng – thủ tướng và Nguyễn Phú Trọng – chủ tịch quốc hội.
Vậy là đề tài chủ yếu của giới viết lách ‘phe cánh’ vào thời gian này là bóc tách bằng được những ai trong Bộ Chính trị thời đó đã bỏ phiếu chống Junin 2 và những kẻ nào phải chịu trách nhiệm đốt tiền ngân sách.
Có người cho rằng “hai vị không tán thành là cụ Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội và cụ Trương Tấn Sang, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư. Hai cụ đều đề nghị phải thông qua Quốc hội, nhưng hai cụ chỉ là thiểu số”.
Nhưng ở một chiều kích khá trái ngược, có người lại cho rằng chính Nguyễn Minh Triết mới là người bỏ phiếu chống, còn Nguyễn Phú Trọng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vì ông ta nằm trong ‘tập thể Bộ Chính trị’.
Trong lúc hầu hết ý kiến của giới ‘phe cánh chính trị’ và cả những cây bút độc lập đều nhất trí về khả năng cao là ‘Mạnh Mượt’ (tức Nông Đức Mạnh) phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ đốt tiền Junin 2, thêm vào đó dường như chẳng ai chia buồn thương tiếc cái đầu bóng mượt mới lấy vợ gần đây ấy – một điểm đồng nhất thú vị hiếm hoi, khía cạnh tiếp theo được tranh luận ngày càng căng thẳng là liệu ‘Anh Ba X’ (tức Nguyễn Tấn Dũng) với tư cách là thủ tướng và là người cầm chịch cao nhất về dự án này khi đó có cố ý làm trái hay không, và có phải là cái đích cuối cùng và quan yếu nhất mà nhiều khả năng Junin 2 đang được đẩy thành một vụ án nhắm tới hay không; và liệu Nguyễn Phú Trọng – dù chỉ phụ trách một cơ quan bị xem là ‘bù nhìn’ khi đó – có phải chịu trách nhiệm gì không khi ông ta chẳng có được một phản ứng nào ra hồn khi Quốc hội bị PVN và Chính phủ qua mặt một cách không thương xót như thế; và ngoài ra, một nhân vật khác đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đốt tiền của Junin 2 là Hoàng Trung Hải – hiện thời là Ủy viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội và còn được một số dư luận xem là ‘cục cưng’ của Bắc Kinh, có liên quan trách nhiệm vụ này và có chịu chung số phận ‘cẩu đầu trảm’ với Nguyễn Tấn Dũng hay không…
Trong khi đó, đã có ít nhất một chỉ dấu lộ diện và dễ đoán cho thấy vụ Junin 2 đang đi theo chiều hướng nào và theo sự chỉ đạo của ai: hiện tượng báo chí nhà nước đồng loạt ‘đấu tố’ Junin 2 hẳn phải nhận được tín hiệu bật đèn xanh của Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan có truyền thống thuộc ‘phe đảng’ và từ sau đại hội 12 đến nay vẫn tỏ rõ lòng trung thành tương đối với Nguyễn Phú Trọng, nhân vật đang nắm quyền uy gần như tuyệt đối trong Bộ Chính trị đảng với vai trò không chỉ là tổng bí thư mà còn lèn thêm ghế chủ tịch nước.
Lời giải cho ẩn số ‘những ai trong Bộ Chính trị bỏ phiếu chống Junin 2’ hầu như đã lộ ra: chỉ khi Nguyễn Phú Trọng nằm trong số những người may mắn bỏ phiếu chống ấy, ông ta mới đủ tự tin để ‘khơi lò’ vụ Junin 2.
Không có gì khó hình dung rằng Nguyễn Phú Trọng chính là tác giả của vụ việc đang lao nhanh đến hồ sơ vụ án này.
Nhưng một dấu hỏi lớn lại bật ra: vì sao vào thời gian cuối năm 2017 và đầu năm 2018 khi đã cho bắt và khai thác điều tra Đinh La Thăng, những vụ xử Thăng lại khá tầm phào mà không hiện ra vụ Junin 2? Và tại sao trong suốt năm 2018, mặc dù những người thân của Nguyễn Tấn Dũng như con gái Nguyễn Thanh Phượng, con trai Nguyễn Thanh Nghị có nhiều dấu hiệu bị đưa vào tầm ngắm của Ủy ban Kiểm tra trung ương và Bộ Công an, thế đứng của ‘đồng chí X’ vẫn không mấy nghiêng ngả?
‘Bất cứ ai, trừ Dũng’?
Có vẻ Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa mạnh đến mức như một số người tưởng tượng. Ngay trước mắt và đập ngay vào mắt ông ta vẫn là một lực lượng ngầm trong nội bộ đảng kình chống lại chiến dịch ‘đốt lò’.
Hãy tưởng tượng ra tương lai gần: bởi một nguyên do bất khả kháng nào đó, chẳng hạn vấn đề sức khỏe không cho phép Nguyễn Phú Trọng ‘tiếp tục cống hiến’ mà sẽ khiến ông ta phải buông rơi quyền lực trong lúc ‘lò’ thậm chí vẫn chưa thể lọt qua được cánh cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng và bộ sậu của Dũng, triển vọng đen tối cùng hậu quả ghê gớm nào sẽ xảy đến với Trọng nếu đối phương có cơ hội hồi sức và quyết tâm hồi tố ông ta?
Từ sau vụ chỉ đạo bắt Đinh La Thăng – một thủ hạ thân tín của Nguyễn Tấn Dũng – vào cuối năm 2017, Nguyễn Phú Trọng đã chính thức leo lên lưng cọp và ở vào thế ‘được ăn cả ngã về không’. Hẳn đó là nguồn cơn mà sẽ khiến ông Trọng phải cố gắng hoàn tất nhiệm vụ lịch sử như cái cách của đại hội 12 ‘bất cứ ai, trừ Dũng’, trong năm 2019 này hoặc chậm lắm sang năm 2020, trước khi đại hội 13 diễn ra vào năm 2021 mà rất có thể sẽ biến diễn một biến động nhân sự cấp cao không thể lường được và không an toàn cho bất kỳ kẻ nào./.
Leave a Comment