Điện là nguyên liệu đầu vào của cả nền kinh tế. Vì vậy, khi điện tăng giá, sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, và gia tăng chi phí sinh hoạt của người dân.
Báo VnExpress hôm 20/03/2019, cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá điện 8,36%. Theo đó, giá điện bán lẻ sẽ tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Đồng thời, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng/kWh.
Cũng giống như những lần trước, “giá điện Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước”, luôn là lý do để EVN tăng giá bán điện.
Tuy nhiên, nhiều nghi vấn về sự khuất tất xung quanh việc điều hành, quản lý giá bán điện của dư luận thì EVN luôn phớt lờ. Cụ thể:
– EVN luôn rêu rao giá điện Việt Nam rẻ, nhưng không bao giờ tiết lộ là Lào – một nước ngay sát biên giới Việt Nam, có giá điện rẻ hơn nhiều. Trung bình, giá điện tại Lào thường rẻ hơn Việt Nam khoảng 20%.
– Giá điện tại Việt Nam rẻ hơn một số nước, nhưng chi phí sản xuất điện của Việt Nam cũng rẻ hơn nhiều do việc có nguồn tài nguyên than đá, tiềm năng thủy điện lớn…
– Tốc độ tăng trưởng giá bán điện tại Việt Nam đang cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nghĩa là người dân đang ngày càng bỏ nhiều tiền hơn cho điện, trong khi tiền kiếm được ít đi.
– EVN quy định giá bán điện 1.864,44 đồng một kWh. Nhưng rất nhiều nhà máy thủy điện chỉ bán điện cho EVN với giá vài trăm đồng/kWh.
Theo Tập đoàn Hưng Hải, vào mùa thấp điểm là mùa mưa, giá bình quân thủy điện bán cho EVN luôn rẻ như bèo chỉ được khoảng 500 – 550 đồng/kWh. Trước đây, Bộ Công thương quy định các nhà máy thủy điện nhỏ được bán cho EVN với giá 916 – 954,52 đồng/kWh. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, chưa có một nhà máy thủy điện nhỏ nào bán cho EVN được giá này.
– EVN mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ với giá rẻ mạt. Nhưng EVN mua của Trung Quốc với giá bình quân tới 1.300 đồng/kWh. Nói cách khác, EVN đang o ép các nhà máy thủy điện trong nước, và ưu tiên mua điện của Trung Quốc.
– EVN luôn luôn than lỗ, dù tăng giá điện cao đến đâu cũng kêu ca thua lỗ. Nhưng luôn giữ thế độc quyền, không bao giờ chịu để tư nhân tham gia quản lý, phân phối điện.
– EVN chưa bao giờ giải trình cơ sở của giá bán điện. Thực tế là chi phí giá than chỉ chiếm 20% trong sản xuất điện và nước cho thuỷ điện hiện nay cũng không thiếu. Vậy dựa vào cơ sở nào để EVN tăng giá điện?
Nhiều năm qua, EVN lỗ lớn vì đầu tư ngoài ngành như đầu tư chứng khoán, bất động sản,… Để bù vào những thất thu đó, EVN nâng giá thành bán điện cho người dân. Thậm chí, EVN còn tính cả chi phí xây biệt thự, sân tennis… của tập đoàn này.
Tóm lại, có thể thấy cơ chế vận hành của EVN có quá nhiều vấn đề cần phải được minh bạch, giải trình. Vì vậy, sẽ không hợp lý nếu cứ lấy lý do “giá điện thấp hơn các nước khác” để tăng giá bán điện cho người dân.
Việc tăng giá điện có thể ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống người dân. Giá điện tăng kéo theo giá thành phẩm tăng, đặc biệt gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Leave a Comment