Lại quả nghĩa là trao lại, hầu hết mọi người dân ai cũng hiểu như thế. Từ này có nguồn gốc từ phong tục cưới hỏi của Việt Nam. Nhà trai mang mâm quả đến nhà gái xin hỏi vợ cho con trai. Nhà gái nhận lễ vật, đặt mâm quả trên bàn thờ gia tiên, xong xuôi nhà gái lấy một ít từ mâm quả ấy trao lại cho nhà trai như là sự chia sẻ lễ vật, chính xác nghĩa đen nó là như vậy. Ngày nay không biết phong tục này của người Việt theo đúng nghĩa đen có còn hay không, nhưng về nghĩa bóng nó đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt rồi, mà đặc biệt và với những quan chức.
Nếu ai làm trong công tác chi tiêu ngân sách đầu tư dự án nhà nước đều biết. Quan chức có quyền ra quyết định đầu tư và ban quản lý dự án sẽ là mang tiền nhà nước đi đầu tư, họ sẽ làm cho vòng đời của đồng tiền nhà nước đi theo đúng quỹ đạo của mâm quả nhà trai vậy. Mục đích là để họ nhận tiền lại quả. Ví dụ, giá trị thật của dự án là 1 đồng, thì nhóm đại diện nhà nước yêu cầu nhà thầu phải bỏ thầu giá 2 đồng. 1 đồng dư ra ấy nhà thầu bị buộc phải trao lại cho phía đại diện nhà nước chia nhau. Vậy rõ ràng, đường đi của đồng tiền tham nhũng nó y hệt như cái mâm quả trong cưới hỏi. Kết quả cuối cùng, tiền từ nhà nước đi vòng qua tay nhà thầu rồi dội ngược lại túi bọn quan tham.
Tỷ lệ cho phần lại quả của nghĩa đen không nhiều, thông thường chừng 20% và chắc chắn không đến 50% phần trao đi. Thế nhưng tỷ lệ lại quả của tiền ngân sách nhà nước là vô chừng, ít nhất phải là 25%. Nếu có cơ hội cao hơn họ sẵn sàng lại quả đến 80%, thậm chí 90%.
Ví dụ thứ nhất, theo hạch toán của phía nhà nước được phép đưa lên báo chí chính thống, thì suất đầu tư cho mỗi km đường ở Việt Nam đắt gấp từ 3 đến 4 lần cho đường cùng loại ở Châu Âu và Mỹ. Với giá đắt gấp 3 lần thì phần trăm lại quả là 66,7%. Còn nếu đắt gấp 4 lần thì tiền lại quả là 75%. Thấy đáng sợ chưa? Một miếng bánh ngân sách đổ ra cho ngành xây dựng cơ bản tham nhũng xén từ 2/3 đến 3/4 miếng bánh đó bỏ túi riêng. Quy luật này đã ăn vào máu những quan chức cộng sản.
Ví dụ thứ 2, là tháng 05/2016 tổng thống Mỹ Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, những tưởng chính quyền Việt Nam sẽ hiện đại hóa quân đội nhằm thay thế thứ vũ khí lạc hậu của Nga-Tàu. Nhưng không, phía chính quyền CS họ chỉ nhìn thấy cơ hội kiếm chác. Ngày 25/07/2017 trang shephardmedia.com của Anh Quốc chuyên viết về quân sự , họ đã cho biết. Phía Việt Nam đặt vấn đề với phía Mỹ rằng, phía Mỹ phải lại quả cho họ 25% giá trị hợp đồng. Nghĩa là nếu giá trị thật của gói thầu là 750 triệu đô, thì phía Mỹ phải ghi vào hợp đồng là 1 tỷ đô rồi sau thối lại cho quan chức Việt Nam 250 triệu đô để bỏ túi. Phía Mỹ không chấp nhận cách làm ăn này nên thương thảo bị đổ vỡ.
Quay lại trường hợp mới khởi tố PVN, Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định đầu tư vào Venezuela gói thầu mà phí Việt Nam phải góp là 1,82 tỷ đô trong tổng giá trị. Bản chất của gói thầu này cụ thể như sau: PVN và Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela liên doanh với tổng giá trị là 12,4 tỷ đô. Trong đó vốn vay là 7,44 tỷ đô tương đương 60%. Còn lại 40% là số tiền tương đương 4,96 tỷ đô là do 2 bên phải xuất tiền túi góp vào. Riêng phía Việt Nam góp 10% trên tổng 12,4 tỷ tương đương 1,24 tỷ đô. Đó là số vốn thật mà phía Việt Nam phải bỏ ra được ghi vào hợp đồng, nhưng trong báo cáo mà chính phủ trình Bộ Chính Trị thì phần góp của phía việt Nam là 1,82 tỷ đô. Số tiền dư ra 580 triệu đô được phía PVN và chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lý giải rằng, đó là “phí tham gia hợp đồng”. Như vậy rõ ràng là số tiền 580 triệu kia không phải là phần góp vốn để liên doanh hoạt động mà nói thẳng ra, nó là một thứ phí tạm gọi là “phí bôi trơn”. Không thể thu hồi vì nó không nằm trong hợp đồng liên doanh. 580 triệu so với 1 tỷ 820 triệu chiếm 32%.
Chắc chắn 32% là số tiền lại quả chứ chẳng phải thứ “phí bôi trơn” nào cả. Số tiền này liên doanh sẽ kí nhận và thối lại cho PVN và Nguyễn Tấn Dũng bỏ túi. Như vậy ở đây ta thấy gì? Khi dự án chưa được góp đồng nào để hoạt động thì bọn này đã ngắt trước 32% bỏ túi. Xui cho bọn họ là vừa ngắt xong thì tình hình chính trị Venezuela rối loạn, dự án bị đứng yên không thể góp đủ con số 1,82 tỷ đô. Nếu Chính trị Venezuela ổn định, thì đám này mang tiền ngân sách góp thêm 1,24 tỷ đô nữa và số tiền lại quả này bị lấp mất mà chẳng ai hay biết về nó. Nói ra để chúng ta thấy sự khốn nạn đến tột cùng của cái gọi là “doanh nghiệp nhà nước”. Thế đấy! Cộng Sản là vậy, sao đất nước không nghèo?
Tham khảo:
– https://news.zing.vn/duong-cao-toc-viet-nam-dat-gap-2-4-lan-the-gioi-post755100.html
– https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-viet-nam-doi-my-lai-qua-tu-cac-hop-dong-mua-vu-khi/3961735.html
– https://www.shephardmedia.com/news/defence-notes/can-us-get-foot-vietnams-door/
Leave a Comment