Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Nói đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dư luận lại nhớ đến những vụ án kinh doanh thất thoát hàng ngàn tỷ đồng đã biến Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và một số lãnh đạo ngành dầu khí khác thành củi trong chiến dịch đốt lò của ông Trọng trong năm 2018. Nhưng PVN vẫn chưa qua cơn bão mà có vẻ ông Trọng lại sắp ra tay nhắm vào Tập đoàn quốc doanh đầy tai tiếng này, căn cứ vào những bước đi chuẩn bị của báo chí nằm trong sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Bộ công an đang điều tra PVN trong một dự án đầu tư dầu khí tại Venezuela. Thực hiện dự án đầu tư này là Tổng công ty thăm dò, khai thác Dầu khí (PVEP) một công ty con của PVN.
Vốn là một quốc gia mà trữ lượng dầu khí đứng hàng thứ nhì thế giới chỉ sau Ả Rập Saudi, Venezuela trong thời gian trước đây là nước tiếp nhận nguồn đầu tư quan trọng của thế giới. Chính vì lạc quan trước con số lợi nhuận thu về chỉ tính toán trên bàn giấy, PVN được phép của chính phủ, giao cho PVEP thành lập một liên doanh giữa hai nước để khai thác dầu nặng lô Junin 2.
Đây là thời điểm của năm 2010 lúc Nguyễn Tấn Dũng đang giữ chức thủ tướng đầy quyền uy nên dự án được chấp thuận không mấy khó dù gặp phải không ít phản biện chung quanh việc thực hiện. Đây cũng là thời đang lên như diều gặp gió của các đại công ty “quốc doanh là chủ đạo” thực hiện giấc mơ tiến lên nền kinh tế công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020. Tiếc thay giấc mơ ấy được chính các lãnh đạo Việt Nam hiện nay thừa nhận nó đã lụi tàn và không còn ai muốn nhắc tới.
Với tổng số vốn đầu tư là 12,4 tỷ USD, lô Junin 2 của Venezuela trở thành một mỏ vàng đối với các viên chức dầu khí Việt Nam. Với công suất khai thác được tính toán 1.400 tỷ thùng, Junin 2 có thể mang về cho PVN mỗi năm 4 triệu tấn dầu. Đây là một con số lý tưởng, chiếm tới 70% dầu khai thác hàng năm của liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro). Điều này cắt nghĩa tại sao PVN cứ lao vào đầu tư không một chút đắn đo ở một xứ sở mà tình hình chính trị đang trở nên bấp bênh, bất định.
Được biết phần vốn đóng góp của Việt Nam trong hợp đồng là 1,241 tỷ USD tương đương với tỷ lệ 40% theo thoả thuận trong hợp đồng. Ngoài ra PVEP còn phải đóng trước trong một thời gian ngắn số tiền khá lớn 584 triệu USD, gọi là “phí tham gia hợp đồng”.
Bỏ qua những khuyến cáo rủi ro của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, PVEP vẫn thản nhiên chấp nhận “phí tham gia hợp đồng” cho dù được đánh giá là vô lý. Trong khi liên doanh chưa hoàn thành thủ tục ghi tên với chính phủ Venezuela, PVEP lần lượt chuyển 2 đợt tiền 300 triệu và 142 triệu USD cho phía liên doanh Venezuela.
Thế nhưng kết quả của việc khoan thăm dò và khai thác cho thấy khó đạt được sản lượng dầu như mong ước lúc đầu. Cuối năm 2013, lãnh đạo PVEP đành đơn phương từ chối đóng 142 triệu USD đợt 3 khi giật mình thấy mình không thể tiếp tục phiêu lưu khi chưa thấy thùng dầu nào xuất hiện. Nhưng như thế có nghĩa là theo điều kiện ấn định trong hợp đồng, PVEP chấp nhận mất 442 triệu USD phí tham gia đã đóng, cùng với 90 triệu USD góp vốn và vô số chi phí khác, tổng cộng khoảng 11.000 tỷ VND.
Câu chuyện đầu tư ra nước ngoài bị mất trắng trên nửa tỷ đô-la rơi vào sự im lặng đáng sợ trong suốt gần 10 năm qua đã nói lên điều gì?
Thứ nhất, đây là loại kế hoạch đầu tư không tưởng, được hoạch định bởi những cán bộ tay mơ xuất thân từ trường Đại học Dầu-Hoá Baku (Azerbaijan) thời Liên Xô và thực hiện bởi công ty con PVEP được mô tả là ngọn cờ đầu của PVN. Tuy vậy cũng như hầu hết các công ty con mang chữ P… đứng đầu, lãnh đạo của PVEP mang tiền đến Venezuela với hào quang một nước xã hội chủ nghĩa giàu có hàng đầu Nam Mỹ, lại là quốc gia có trữ lượng dầu nhất nhì thế giới. Đây là thời kỳ PVN nằm dưới quyền lãnh đạo của những cán bộ như Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu. Thực đã lãnh án tù trong những vụ án Nhiệt điện Thái Bình 2 còn Hậu may mắn chỉ bị cách chức.
Thứ hai, với lòng tham không đáy và sự vô trách nhiệm họ còn cố tình bỏ qua tình hình của chế độ Maduro đang sa lầy trong chính những mỏ dầu của mình. PVEP đã nhắm mắt đổ tiền vào Venezuela để cuối cùng bị anh bạn xã hội chủ nghĩa sắp hết thời lừa gạt bằng chiêu “phí tham gia hợp đồng” hay còn gọi là “bonus”. Trong khi dầu của Venezuela còn nằm trong lòng đất thì với cách tính toán sơ đẳng, các lãnh đạo dầu khí bất tài của Việt Nam đã vội vàng nhìn thấy ngay từ mỏ Junin 2 “200.000 thùng/ngày” tương đương “10 triệu tấn/năm”. Vì thế họ đã sẵn sàng vung tiền qua cửa sổ mà không hề nghĩ tới nửa tỷ đô la ấy là kết quả của biết bao mồ hôi nước mắt của dân nghèo đóng góp vào ngân sách quốc gia.
Cung cách tiêu tiền hoang phí của PVN không chỉ được nhìn thấy qua vụ đầu tư tồi tệ này. Nó hiện diện trong suốt thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với các nhóm lợi ích hoành hành ảnh hưởng tới chính sách nhà nước để thủ lợi. Có thể đếm được tới 12 dự án nghìn tỷ của Bộ Công thương được mô tả là thua lỗ kéo dài mà mãi đến nay chưa có biện pháp giải quyết hay chỉ giải quyết một cách khập khễnh.
Điển hình cho sự thua lỗ “bền vững” này là Nhà máy đạm Ninh Bình của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với vốn ban đầu 100 triệu USD, vay thêm của Trung Quốc 250 triệu. Đạm Ninh Bình sử dụng máy móc, thiết bị Trung Quốc hoạt động từ năm 2012 nhưng liên tục báo lỗ, máy móc luôn trong tình trạng hư hỏng. Tính ra trong vòng 4 năm sản xuất, Đạm Ninh Bình đã lỗ hơn 2,700 tỷ VND.
Bỏ vốn đầu tư ra nước ngoài để mang lợi nhuận về cho đất nước là một chủ trương đúng đắn mà quốc gia nào cũng thực hiện. Tương tự Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PVN, Vinachem cũng đã bỏ ra 522 triệu USD đầu tư khai thác muối kali ở Lào. Căn cứ trên giá bán ra năm 2015 là 365 USD/tấn, Vinachem sẽ bỏ túi 140 triệu ngon lành. Nhưng cuối năm 2016 muối Kali rớt giá thê thảm, Vinachem phải bỏ chạy khỏi Lào chịu mất 522 triệu, vì càng đầu tư thêm càng lỗ.
Khôi hài hơn hết trong 12 dự án thua lỗ, Nhà máy bột giấy Long An với vốn đầu tư ban đầu gần 1,500 tỷ VND được nâng lên 3,400 tỷ VND, cũng sử dụng công nghệ Trung Quốc. Năm 2012 sau nhiều lần chạy thử mà không ra nổi bột giấy như yêu cầu. Cho dù được sửa đi sửa lại cũng không xong, nhà máy đành đắp chiếu suốt 17 năm qua. Hoá ra nhà thầu Trung Quốc lấy đô-la thật, bán máy móc lạc hậu từ những nhà máy phế thải bên nước họ. Đặc biệt hơn nữa Bột giấy Long An được tổ chức bán đấu giá 3 lần nhưng vẫn không ai mua!
Trở lại dự án đầu tư Junin 2 ở Venezuela, ngày 13/3/2019 được biết ông Nguyễn Vũ Trường Sơn Tổng giám đốc Tập đoàn PVN từ tháng 3/2016 đã “xin thôi chức”. Thời gian 3 năm đứng đầu một tập đoàn quốc doanh lớn cũng là thời gian mà ông Sơn chứng kiến biết bao ngôi sao của ngành dầu khí rơi rụng thê thảm như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh rồi Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn…
Junin 2 chỉ là một trong 13 dự án mà PVN đầu tư ra nước ngoài bị thất bại phải ngừng lại hay chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn tuy từ chức nhưng không thể không có trách nhiệm về sự thất thoát lớn lao trong dự án Junin 2 do PVEP thực hiện. Nhất là với số nợ dài hạn phải trả, nay đã tăng lên đến gần 350 ngàn tỷ VND thì người cầm đầu một tập đoàn quốc doanh độc quyền buôn bán dầu đào từ lòng đất lên sẽ giải thích ra sao?
Càng nực cười hơn, khi tham dự hội nghị tổng kết công tác của Tập đoàn dầu khí hôm đầu tháng 1/2019 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “PVN phải tiếp tục là tập đoàn dầu khí, tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, sánh vai với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.”
Có lẽ thủ tướng nói lộn, vì PVN cũng như hầu hết các tập đoàn quốc doanh khác đang tiếp tục là những “quả đấm thép” làm nghèo đất nước.
Leave a Comment