Khi cha liệt sỹ hy sinh trong thảm sát Gạc Ma do Trung Quốc thực hiện ngày 14/03/1988, thường xuyên hương khói bên bàn thờ tự lập vào mỗi ngày xảy ra sự kiện để tưởng niệm bên bờ biển vì những chiến sỹ hy sinh không tìm được xác mà máu xương hoà vào nơi biển cả; khi những học sinh ở nhiều nơi cùng nhau cúi đầu trong thinh lặng để tưởng niệm sự kiện lịch sử đau thương và những sự hy sinh bảo vệ biển đảo quê hươnhg ở các ngôi trường; thì ở ngay tượng đài Lý Thái Tổ ở Thủ đô, nhiều đám người đã tổ chức nhảy nhót múa may trong một sự hứng khởi và được sắp đặt trước từ một đám người khốn nạn nào đó vào sáng nay, ngày 14/03/2019, ngày tưởng niệm 31 năm cuộc chiến trên đảo Gạc Ma.
Cuộc chiến này chưa từng được nhắc đến và viết tường minh vào trong sách giáo khoa để truyền dạy cho các thế hệ học sinh, nó bị để trống như một khoảng trắng suốt mấy chục năm qua. Lịch sử dân tộc, những người lính bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, những người đồng đội, đồng chí với những người cộng sản, mà vẫn bị đối xử đau đớn và nghiệt ngã như vậy. Chỉ cho đến nay, sau quá nhiều nỗi phẫn bức kéo dài nhiều năm liên tục của nhân dân, người ta mới bắt đầu hé mở và nhắc đến, tưởng niệm dè dặt như một sự kiện đáng bị lãng quên.
Như Olga Bergoltz đã nói (*): Không ai bị lãng quên. Không có điều gì bị lãng quên. Và những câu thơ nổi tiếng ấy được khắc trên bức tường nghĩa trang liệt sỹ Leningrad, nơi tưởng niệm những người đã dũng cảm hy sinh trong thời gian 900 ngày Leningrad bị bao vây.
Vậy mà trong lòng đất nước, sẵn có những kẻ chẳng cần phải ghi nhớ, chẳng cần phải hàm ơn, chẳng cần phải bận tâm, chúng vẫn nhảy múa và nhằm ngăn trở những con người khác đến khuôn viên tượng đài này tưởng niệm và tri ân các chiến sỹ đã hy sinh 31 năm trước mà không còn vẹn nguyên xác thân. Ôi, thời đại này đã sản sinh ra những lũ ngợm và những tâm hồn thú vật./.
Leave a Comment