Quảng Cáo

Masan đang khuynh đảo cả… chính trường?

Quảng Cáo

Thảo Vy – VNTB|

Gọi là ‘chính trường’, vì một khi kỹ thuật sản xuất nước mắm truyền thống đi vào lụi tàn, đồng nghĩa lượng cá biển tiêu thụ cho đầu vào sản xuất nước mắm sẽ giảm rất mạnh. Ngư dân sẽ thu hẹp ngư trường khai thác. Việc khẳng định chủ quyền lãnh hải qua các hoạt động đánh bắt thủy sản, vì thế cũng mờ nhạt dần…

Masan đầu tư rất bài bản

Trên trang web của Masan cho biết họ khởi đầu lĩnh vực thực phẩm vào năm 1996 khi thành lập công ty cổ phần Công nghệ – Kỹ nghệ – Thương mại Việt Tiến, chuyên về gia vị. Năm 2000, thành lập công ty cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Minh Việt, chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu. Năm 2002, sản phẩm đầu tiên của Masan được tung ra thị trường: Nước tương Chin-su.

Năm 2003, sáp nhập công ty Việt Tiến và công ty Minh Việt, đổi tên thành công ty cổ phần Công nghiệp – Thương mại Masan. Trong năm này tung ra thị trường sản phẩm nước mắm cao cấp Chin-su.

Trong năm 2007, công ty giới thiệu một loạt sản phẩm như nước tương Tam Thái Tử, nước mắm Nam Ngư và mì ăn liền Omachi. Năm 2008, công ty cổ phần Công nghiệp – Thương mại Masan đổi tên công ty cổ phần Thực phẩm Masan (Masan Food).

Năm 2011, công ty cổ phần Thực phẩm Masan đổi tên thành công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Trong năm này, Masan Consumer đã thực hiện phát hành riêng lẻ 10% cổ phần với giá 159 triệu USD cho quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts & Co. của Mỹ, qua đó định giá công ty ở mức 1,6 tỷ USD.

Cuối năm 2011, Masan Consumer đã bỏ ra hơn 50 triệu USD để mua lại cổ phần chi phối của công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa. Cuối năm 2015, Masan ký kết đối tác chiến lược với Singha Asia Holdings Pte.,Ltd (Thái Lan), tuyên bố sẽ mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra các nước Asean. Theo giao dịch giữa 2 bên, Masan sẽ nhận 1,1 tỷ USD, còn Singha được sở hữu 25% cổ phần Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Masan Brewery. Cuối tháng 9/2016, chỉ trong vòng 9 tháng kể từ ngày hợp đồng với Singha được ký, Masan tung sản phẩm nước mắm với tên gọi “Chin-Su Yod Thong” cho thị trường Thái Lan.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của Masan, doanh thu thuần của công ty đạt 38.187,6 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 4.916 tỷ đồng, tăng trưởng 58%.

Từ vụ nước tương có 3-MCPD đến nước mắm hóa chất

Trước năm 1975 ở miền Nam, nước tương được chế biến từ quá trình lên men và chuyển hoá đậu nành bởi vi sinh Aspergillus oryzae hoặc A. sojae, nên hoàn toàn không có chất độc 3-MCPD. Quy trình lên men này kéo dài từ 4-6 tháng, đòi hỏi mặt bằng rộng, thời gian quay vòng vốn chậm, mùi vị không hấp dẫn.

Sau tháng 4-1975, với chính sách quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế, nguyên liệu bị ngăn sông cấm chợ, buộc các nhà chế biến nước tương chuyển sang dùng đậu nành đã tách dầu, rồi thuỷ phân bằng acid chlohydric (HCl). Đậu nành giàu protein và lipid, vì vậy việc thuỷ phân protein bằng HCl đã thúc đẩy quá trình tạo ra chất 3-MCPD.

Nước tương Chin-su của Masan được xuất sang châu Âu, nên bị phát hiện có chứa 3-MCPD vào tháng 7-2005. Để giải quyết vụ việc, Masan bỏ quy trình thủy phân đậu nành khô bằng HCL, thay vào là pha chế hóa chất nhằm kiểm soát nồng độ 3-MCPD, còn những nồng độ những hóa chất khác trong nước tương cứ thả nổi. Sau đó, Masan mở liên tục nhiều đợt truyền thông với tuyên bố thưởng một tỷ đồng ai phát hiện ra 3-MCPD của Masan.

Các cơ quan kiểm nghiệm toàn bộ các hãng nước tương. Tất cả đều có 3-MCPD vượt ngưỡng cho phép, riêng nước tương Tam Thái Tử và Chin-su của Masan là đủ tiêu chuẩn.

Có được bài học từ 3-MCPD trong nước tương, khi kinh doanh mặt hàng nước mắm, Masan chọn ngay từ đầu việc sản xuất thay quy trình ủ chượp truyền thống, bằng sử dụng hương liệu, phụ gia và một tỷ lệ rất nhỏ gọi là ‘tinh chất nước mắm’. Nước mắm hóa chất kiểu đó của Masan đã giúp giá bán lẻ Chin-su, Nam Ngư rất rẻ; thậm chí rẻ hơn cả các loại nước mắm hóa chất tương tự từ một số nhà sản xuất khác như công ty TNHH Miwon Việt Nam.

Đơn cử, ghi nhận vào ngày 12-3, chai nước mắm Nam Ngư 900ml, còn hạn sử dụng 10 tháng, giá ở siêu thị không có khuyến mãi, là 17.500 đồng . Chai dung tích 650ml, còn hạn sử dụng 3 tháng, Miwon Việt Nam sản xuất có giá 19.000 đồng.

Nước mắm ủ chượp truyền thống như Hưng Thịnh, có giá bán lẻ tại siêu thị là 67.500 đồng/ chai 750ml; Thanh Hà, 74.500 đồng/ chai 520ml; Hồng Hạnh, 65.000 đồng/ chai 650ml.

“Giá nước mắm đóng thùng nhựa 4 lít của Masan chưa khuyến mãi tính ra là 12.000 đồng/ lít, thua cả giá tiền tôi bán 1 ly cà phê đá là 15.000 đồng. Chúng ta thử mang nước mắm của Masan đi phân tích xem trong đó có gì mà bán rẻ vậy để còn học tập…”. Ông Sáu Phước, chủ quán cà phê trong chợ Tân Phú, Sài Gòn, thắc mắc.

Masan khuynh đảo chính trường để làm gì?

Năm 2017, Masan dùng đòn bẩn Arsen (thạch tín) nhắm vào nước mắm truyền thống để độc bá thị trường một lần nữa. Các quan chức có trách nhiệm liên quan ở Bộ Y tế thay vì phải can đảm khẳng định rằng, quy trình chế biến nước mắm truyền thống chắc chắn sinh ra chất Arsen (thạch tín), nhưng là Arsen hữu cơ, hoàn toàn không có hại cho sức khỏe con người. Họ lại chọn im lặng, bất chấp dư luận ngờ vực vào năng lực quản trị quốc gia của các đày tớ nhân dân có thể ‘chỉ mặt xướng tên’ này.

Thông thường trong cạnh tranh thương mại, người ta có 2 cách để triệt hạ đối thủ. Một là dùng phương cách để người tiêu dùng tẩy chay (công thức tăng trưởng dựa trên “nỗi sợ hãi” của người tiêu dùng, xem thêm tại http://www.vietnamthoibao.org/2019/03/vntb-tham-nhung-chinh-sach-tai-lien-bo.html); Hai là dùng chính sách quản lý từ nhà nước để bóp nghẹt.

Nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chua chát trong một chia sẻ trên trang cá nhân: “Gọi ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Masan là ông “trùm nước mắm” cũng đúng, với thị phần áp đảo, có lẽ gần 80%. Nhưng từ 10 năm trước, sự kiện hàng loạt doanh nghiệp sản xuất nước tương thành phố này bị tiêu diệt đã ghi trong “lịch sử doanh thương Sai Gòn” qua vụ 3-MCPD. Họ chết hết rồi và 10 năm qua ông không ngừng giàu lên. Gần 3.000 doanh nghiệp làm nước mắm, hơn 10 làng nghề đang tiếp tục rụi tàn dần với những arsenic, histamine, và… hình như không có điểm dừng?

Tôi nhớ, nhiều năm trước, tôi đã khuyên các doanh nghiệp thực phẩm học cách xây dựng mạng lưới phân phối của Masan, bằng xây dựng đội ngũ và mạng lưới với bản đồ phân phối và tăng độ đi sâu bao phủ. Đó là cách mà Unilever và Vinamilk cũng làm và cũng thành công vang dội. Nhưng người ta cạnh tranh bằng chính sức lực chứ không đi giết đối thủ. Nhất là giết một bảo vật quốc hồn quốc túy là nước mắm truyền thống.

Ai là người Việt Nam mà trong máu không từng có nước mắm? Tưởng tượng 2 chữ nước mắm trong Larousse giờ phải thay bằng “Nước mắm hóa chất” thì còn gì đau hơn cho Việt Nam?”.

Cô gái trẻ Thanh Thùy, con của bà chủ nhà thùng nước mắm Thanh Quốc ở Phú Quốc, kể rằng giờ đây cô bi quan lắm rồi. Thùy nói: Dạ bạn bè thân của con ngoài này (Phú Quốc) cũng hỏi, mầy có lo là Masan nó triệt Thanh Quốc chết không đó? Con không lo đâu. Vì quá thương má con cứ lận đận cả đời với mấy thùng nước mắm mà con về chôn chân ở đây. Họ đánh mấy trận lao đao quen rồi. Nhưng lần này có bàn tay nhà nước nữa.

Con ức đến chết đi được, là sao nhà nước không bênh vực người làm ăn tử tế mà còn tiếp tay cho họ?. Nếu không có cô Hồng Minh, chú Thành, cô Dung… với các cô chú Hội nước mắm mấy tỉnh, thì họ cứ ban hành cái quy phạm đó, rồi tới quy chuẩn là xúm nhau chết hết trong câm lặng. Con sợ là sợ vậy đó. Họ giàu quá rồi mà, bao nhiêu họ mới vừa lòng?”.

Thế nào là chính phủ kiến tạo?

“Bao nhiêu ngư dân đang ngày đêm bám biển, chịu đựng sóng gió, chịu đựng các cú tấn công của lũ cướp biển, vừa để khai thác cá nuôi sống bản thân và gia đình, vừa để bám biển giữ yên bờ cõi. Các ngư dân đang sống nhờ bán cá cho hơn 2.800 hộ dân và doanh nghiệp làm nghề nước mắm. Thế mà có những người đang tâm làm cái dự thảo tiêu chuẩn này. Thực sự mình không thể tưởng tượng nổi…”. Bà Trần Thị Dung, một chuyên gia trong lãnh vực nước mắm, từng là quan chức của Bộ Thủy sản, phẫn nộ.

Bà Dung kể rằng ngày 9-5-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quyết định công nhận số 1779/QĐ-BNN-TCCB, công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống, gồm 17 thành viên, đại diện cho các nhà sản xuất khắp ba miền và các chuyên gia an toàn thực phẩm.

“Tôi cầm hồ sơ sang nộp cho Bộ Nội vụ vào ngày 31-7-2016. Theo quy định, 30 ngày sau, Bộ Nội vụ phải có câu trả lời. 30 ngày sau đó, tôi đến Vụ Tổ chức phi chính phủ của Bộ Nội vụ thì được một cô cho xem một bộ hồ sơ xin thành lập hội khác có tên Hội nước mắm Việt Nam. Ban vận động thành lập của Hội nước mắm Việt Nam gồm: PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế; PGS.TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, và một số người khác nữa. Đặc biệt, danh sách con có 6 doanh nghiệp thành viên của Masan cộng thêm một số nhà cung cấp muối cho tập đoàn này”, bà Dung cho biết.

Điều đáng ngạc nhiên là bà Dung nhìn thấy công văn của Bộ Y tế công nhận ban vận động thành lập Hội nước mắm Việt Nam. “Bộ Y tế không có thẩm quyền này nhưng họ vẫn cố tình làm. Chúng tôi đã hỏi Bộ Tư pháp rằng cơ quan nào có thẩm quyền thành lập Hội nước mắm Việt Nam. Bộ Tư pháp trả lời là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, bà Dung nói.

“Bộ Nội vụ mời 2 bên họp lại để thỏa thuận với nhau nhưng rõ ràng làm sao mà ngồi được. Họ quá biết chuyện đấy nhưng họ làm thế để kéo dài thời gian, để không thành lập được Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam. Hiệp hội không thành lập được thì các nhà sản xuất nước mắm truyền thống nhỏ lẻ không có tiếng nói. Cho đến giờ, hiệp hội vẫn chưa được thành lập”, bà Dung khẳng định.

Rất nhiều kiến nghị gửi đi các bộ ngành: Bộ Nông nghiệp, Bộ Tư pháp, Bộ Nội Vụ… nhưng đến nay không có kết quả. Có lẽ nên gọi đó là một chính phủ kiến tạo thời cách mạng công nghệ 4.0 theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux