Từ câu chuyện “mất bằng lái phải thi lại”

Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Internet
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Các bộ trưởng của Việt Nam thường nổi tiếng không bằng tài quản lý, điều hành chính sách công cho ích quốc lợi dân mà vì những lời nói vô trách nhiệm, coi thường dư luận. Như ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải, đã từng được dư luận nhắc tới là “Bộ trưởng thu giá” kèm theo những lời phê phán cười cợt nhưng chua chát.

Trong những ngày vừa qua ông Thể lại tiếp tục là trung tâm của sự dè bỉu, chê trách nặng nề trên mạng xã hội, chỉ vì một câu nói trong buổi giải trình về tình hình an toàn giao thông trước Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội. Với tư cách bộ trưởng ông Thể đã mạnh miệng “đề xuất” rằng “từ nay ai mất bằng lái xe sẽ phải thi lại toàn bộ”.

Bộ trưởng Thể lý giải đề nghị của mình là để tránh tình trạng lợi dụng xin bằng lái thứ 2, thứ 3 trong hoạt động kinh doanh. Phát ngôn của một người thủ lãnh ngành giao thông không được ai đồng tình vì không nói lên được điều gì hợp lý mà còn đi ngược lại quy định hiện hành của chính bộ này. Theo đó những quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trong đó có trường hợp được cấp lại khi bị mất, được quy định rõ ràng trong Thông tư 46 của Bộ GT-VT ngày 7/11/2012 vẫn còn nguyên giá trị.

- Quảng Cáo -

Cho dù đó là một văn bản hướng dẫn dưới luật nhưng phải được tôn trọng vì chưa có văn bản thay thế. Bộ trưởng Thể hoàn toàn không thể tự mình “làm luật” như đã biến hoá “thu phí” thành “thu giá” để bảo vệ tư cách bóc lột tài xế của hệ thống BOT.

Người ta có thể hỏi ông Thể, tài xế mất bằng lái phải thi lại, vậy làm bộ trưởng mà mất bằng thì có đi học và thi lại không? Hay những người đã chết mà thân nhân mất giấy khai tử, khi cần nộp cho phường để bổ túc hồ sơ, có phải chết lại và làm giấy khai tử lại không?

Chỉ qua câu chuyện này cũng đủ thấy não trạng của cán bộ CSVN cho dù là cán bộ cao cấp, vẫn là não trạng XIN-CHO. Tức là cán bộ lúc nào cũng tự cho mình ở trên đỉnh cao quyền uy, còn người dân là thân phận nô lệ bên dưới phải làm theo sự phán xét của đại diện triều đình cộng sản. Đó cũng là thứ tư duy của những kẻ tóm thu quyền lực cai trị trong tay quá lâu và tự cho là mình cầm quyền là do mệnh trời hay do một sứ mạng lịch sử huyền bí nào đó.

Cách đây không lâu nhà cầm quyền Việt Cộng đã từng đề cập đến việc thiết lập “hệ thống hành chánh số”. Nghe có vẻ mù mờ khó hiểu, nhưng thực ra đó là cách quản lý các dịch vụ hành chánh qua điện toán mà các quốc gia văn minh đã làm từ lâu. Theo đó, mọi hồ sơ của dân từ tình trạng dân số, bằng lái xe, thẻ bảo hiểm, tài khoản ngân hàng, phúc lợi xã hội đều được điện toán hoá. Đó là nhu cầu để tiến lên công nghệ 4.0 mà ông Nguyễn Xuân Phúc hay hô hào trong thời gian gần đây. Trong một hệ thống nhà nước được điện toán hoá hoàn toàn như vậy, tất cả hồ sơ đều phải đưa vào máy. Trung ương hay địa phương chỉ theo dõi, cập nhật một cách an toàn các dữ kiện mới trong hồ sơ và sử dụng khi cần.

Do đó khi bị mất bằng lái hay có thay đổi bất cứ dữ kiện nào trong đời sống, ví dụ như địa chỉ nơi cư trú thì người dân chỉ cần khai báo để cập nhật là xong. Chính quyền trong phần trách nhiệm chuyên môn của mình, chỉ làm một việc đơn giản là căn cứ vào hồ sơ có sẵn để cấp lại bằng lái nếu có yêu cầu. Trong trường hợp giấy phép lái xe hay dữ kiện gì đó quá hạn định thì dĩ nhiên phải thi lại hay phải trình báo lại. Đó chỉ là chuyện thủ tục theo luật định!

Cũng trong vấn đề “mất bằng phải thi lại”, ông Nguyễn Minh Đức, thành viên của Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng nêu lên quan điểm: “Nếu mất bằng lái nhưng hồ sơ gốc cơ quan giao thông vẫn còn lưu thì vẫn có đủ chứng cứ để chứng minh quyền lái xe của người mất bằng. Do đó việc cấp lại bằng lái chỉ là việc sao chép chứng cứ từ hồ sơ gốc… và không vì mất bằng mà thay đổi được quyền lái xe.”

Cho nên trong mọi trường hợp, việc ông Thể bắt người mất giấy phép lái xe “phải thi lại toàn bộ” là không chấp nhận được vì nó đi ngược lại pháp luật hiện hành. Điều này cho người ta thấy thêm một khía cạnh khác là những cán bộ được Ban Bí thư phân công làm bộ trưởng, thứ trưởng chỉ là chức vụ chính trị, trong khi chuyên môn hoàn toàn không có và cũng không chịu học để nắm vững những quy định của chính ngành giao thông.

Có lẽ để “chữa cháy” cho đề nghị tào lao của mình đang bị búa rìu dư luận, nên ngày 8/3 ông Thể đã vội vàng ký một công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ “khẩn trương đề xuất” giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Lẽ ra chuyện này bộ trưởng nên làm trước mới hợp lý vì công văn ra đời sau vụ anh bắt “thi lại” rõ ràng là chuyên đầu voi đuôi chuột.

Nói tóm lại hình như các bộ trưởng trong chính phủ không mấy hiểu về công nghệ 4.0 mà Thủ tướng Phúc ra sức hô hào lâu nay. Giống như nước đổ đầu vịt, họ vẫn quanh quẩn đâu đó của thời bao cấp Xin-Cho để thể hiện uy quyền tuyệt đối của mình. Tức là ngoài miệng thì nói nào là thành phố thông minh, nào là công nghệ 4.0, đầu tàu của thế giới nhưng không bao giờ muốn xã hội thực sự tiến lên văn minh, phồn thịnh.

Vì họ sợ mất quyền, bởi khả năng của họ không vượt qua Lớp Ba Trường Làng.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here