Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Hành trình đánh BOT bẩn”, khởi đi từ đầu năm 2018 bằng hình thức trả tiền lẻ ở trạm thu phí Cai Lậy.
Chuyện tưởng đã êm ắng, nhưng bất chợt nó đã thay đổi hình thức và bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nơi khác. Có thể nói “hành trình đánh BOT bẩn” của một số người dân, cụ thể là nhà báo Trương Châu Hữu Danh cùng 2 người bạn là Phương Ngô và Huỳnh Long, đã có hành trình xuyên Việt từ Nam ra Bắc. Họ chỉ có một chủ đích duy nhất là làm sao “dẹp những BOT bẩn”. Đây là những BOT (Build – Operate – Transfer/Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao) làm sai các quy định hiện hành của nhà nước để trục lợi.
Song song đó, sau Tết Nguyên đán 2019, các bạn nói trên tổ chức đếm xe 24/24 tại 20 làn thu phí tại BOT An Sương nhằm củng cố nguồn tài liệu về lưu lượng xe đi qua trạm BOT này để nộp cho chính quyền Trung ương (nhằm tránh gây thất thoát nguồn thuế). Minh bạch BOT, cách mà nhà báo Trương Châu Hữu Danh và các bạn bè đang làm tại các BOT chính là thực thi một cuộc đấu tranh dân sự. Việc này tức khắc được sự hưởng ứng của nhiều người khác, đặc biệt là việc lập tổ đếm xe.
Hầu như tất cả các các trạm thu phí đều báo cáo những số liệu hoàn toàn sai lệch. Tại BOT Ninh Lộc trên quốc lộ 1A tại thị xã Ninh Hòa, vốn bỏ ra khoảng 1.437 tỷ đồng và thời gian dự kiến thu phí là 14 năm 5 tháng. Tuy nhiên, năm 2018, lãnh đạo công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả lại cho rằng đoạn BOT này đầu tư tới 2.644 tỷ đồng và dự kiến thu phí hơn 21 năm 8 tháng. Bà con ở đây chia làm 3 ca để trực và tính ra mỗi ngày trạm BOT này thu hơn 1 tỷ đồng (chưa tính vé tháng và vé quý). Như vậy mỗi năm trạm này thu hơn 365 tỷ đồng và 10 năm thì số tiền này lên đến 3.650 tỷ đồng. Số tiền này đã vượt quá số vốn đầu tư và tiền lời. Vậy họ dựa vào đâu mà thu tới hơn 21 năm?
Khủng khiếp hơn, tại trạm Dầu Giây (Đồng Nai) báo cáo thu 3 tỉ/ngày, nhưng qua số liệu của Bộ Giao thông Vận Tải theo đó có 40 ngàn lượt xe/ngày, người dân ước tính không dưới 9,6 tỉ/ngày − nghĩa là gấp 3 số báo cáo.
Vào năm 2018, dư luận và truyền thông trong nước đã vô cùng bất ngờ trước thông tin do Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố về bất động sản tại Mỹ năm 2017, theo đó người Việt đã bỏ ra 3 tỷ USD (tương đương gần 70.000 tỷ đồng) để mua nhà ở Mỹ, đứng thứ 6 trong số các quốc gia có nhiều người mua nhà tại Mỹ. Xếp hạng 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới thì Việt Nam đã đứng trong danh sách này 5 năm liên tiếp.
Trước đây, vào năm 2015, TS Vũ Quang Việt, người có thâm niên là vụ trưởng vụ thống kê của Liên Hiệp Quốc từng chỉ ra con số giật mình: 33 tỷ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài bất hợp pháp trong 6 năm, từ 2008 – 2013. Bây giờ người ta mới hiểu từ đâu nhiều người trong nước có đủ tiền mặt mua những căn nhà đắt đỏ nước ngoài.
Những việc làm của nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã chạm vào “nồi cơm Thạch Sanh” của rất nhiều nhóm lợi ích, trong đó có nhóm cổ đông là những quan chức tại địa phương lẫn trung ương. Chính vì thế, khi nhóm nhà báo đi qua trạm BOT Bến Thủy, họ đã bị cản trở và vây hãm tại Nghệ An bởi lực lượng CSGT với đội ngũ “dân thường phục gắn khẩu trang xanh”, chuyện này xảy ra ngay sát trụ sở Công an huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Trầm trọng hơn, một người bạn khác trong nhóm chống BOT bẩn là anh Hà Văn Nam đã bị bắt cóc và đánh đập tàn nhẫn. Bụng và lưng thâm tím phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho hay anh bị đánh gãy hai xương sườn. Trước đó, tài xế Nguyễn Quang Tuy bị bắt và còng tay như tội phạm.
Đây không phải lần đầu người dân phản ứng những bất công một cách ôn hòa. So với những lần trước, phản ứng của nhóm chống BOT bẩn cũng phát xuất từ những bức xúc rất đời thường. Tuy nhiên, ở lần này có nhiều điểm mới.
Ý tưởng táo bạo. Việc lập nhóm đếm xe qua lại các BOT là một sáng kiến độc đáo.
Ai cũng biết việc làm này đánh thẳng vào các nhóm lợi ích đang cấu kết với quan chức chính quyền. Trong thập niên qua, khi BOT được khai sinh, bằng sự gian dối với sự bảo kê quyền lực, bằng cách huy động “một lực lượng vũ trang” bảo vệ BOT như từng diễn ra ở BOT Cai Lậy, BOT An Sương, BOT Bến Thủy,… mối liên kết đặc biệt giữa nhóm lợi tức cấu kết với quan chức địa phương lẫn trung ương đã làm thất thoát tiền thuế nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng Việt Nam. Tương ứng với việc, hàng ngàn tỷ đồng của người dân Việt Nam đã phải bỏ ra một cách vô lý để “nuôi” nhóm quan chức và đầu tư tư nhân hủ bại về mặt đạo đức. Nói cách khác, việc làm của nhóm Trương Châu Hữu Danh chính là hành vi chống tham nhũng trong xã hội.
Đáp ứng mong đợi nhiều người. Mong muốn có những người dám dấn thân vạch trần sự thật.
Trước tiên phải kể đến giới cầm bút. Hàng chục nhà báo và facebooker như Ngô Nguyệt Hữu, Lê Thế Thắng, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Tiến Tường… đã nhập cuộc để hỗ trợ cho đồng nghiệp Trương Châu Hữu Danh. Mọi người cũng đã thấy thầy giáo Lê Việt Đức, chăm chỉ ngồi đếm xe qua BOT trong những lúc chưa lên lớp. Đặc biệt trong lần này, hầu như tất cả báo chí trong nước đều… vào cuộc một cách không dè dặt. Dĩ nhiên, ở đây không nói đến báo chí và truyền thông nước ngoài của cộng đồng cũng như quốc tế.
Thu hút giới luật sư tham gia. Rất cần những người hiểu biết chuyên môn về luật pháp.
Cũng giống như vụ Vườn Rau Lộc Hưng, giới luật sư cũng vào cuộc. Mười ngày sau có tin Nguyễn Quang Tuy, tài xế phản đối trạm BOT Bến Thủy bị khởi tố bị can, Luật Sư Phạm Công Út ở Sài Gòn tiết lộ trên trang cá nhân rằng khoảng 100 luật sư của cả ba miền tình nguyện tham gia bào chữa cho ông Tuy đã bị bắt tạm giam 2 tháng để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ.”
Nhà nước đang bị “tiến thoái lưỡng nan”. Chính quyền có dấu hiệu bối rối trong cách đối phó.
Trong thực tế, lực lượng công an và côn đồ dư sức triệt hạ những người chống BOT bẩn, nhưng cho đến nay, chính quyền vẫn ở vị trí “án binh bất động”. Ông Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định đối với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước. Về phía đảng thì ông Trọng bỗng trở nên yên lặng lạ thường. Đừng quên vào năm 2016 ông Trọng yêu cầu nhanh chóng kiểm tra, kết luận một vụ vớ vẩn “xe tư nhân gắn biển số xanh” trong khi đây là một vụ cần làm để đốt “cái lò vĩ đại” thì ông lại im như thóc. Có lẽ “há miệng mắc quai” vì BOT dính dáng đến vô số quan chức từ trung ương đến địa phương.
Từ những sự việc trên, chúng ta có thể rút ra một vài nhận định:
Một, việc mà nhà báo Trương Châu Hữu Danh cũng như người dân làm tại các BOT chính là thực thi một cuộc đấu tranh quần chúng, nhắm vào mục tiêu dân sinh, dân quyền cũng như minh bạch hóa ngân sách nhà nước. Đây là một việc chính đáng, không nguy hiểm mà ai cũng có thể làm được (cụ thể là trường hợp thầy giáo Lê Việt Đức làm tại BOT Thăng Long Nội Bài).
Hai, sự ăn chia qua cách báo cáo láo vốn chẳng giấu được ai nhất là giới truyền thông, nên hành động đánh BOT bẩn đã là chất xúc tác để họ vào cuộc không do dự, và từ đó chúng ta cũng có thể suy đoán sự khát khao được nói lên sự thật của giới cầm bút đã từ lâu bị ràng buộc bởi vòng kim cô mà Ban tuyên giáo chụp lên đầu.
Ba, nếu chính quyền tiếp tục im lặng và tung thành phần côn đồ, đeo khẩu trang ra đường hành xử thay luật pháp (côn đồ ở Phú Gia, ở Bến Thủy) thì vô tình đánh mất tính chính danh. Khi đội quân cờ đỏ ra tay hành động như một đội quân vô chính phủ, khi những” hiệp sĩ” thay Công an làm nhiệm vụ ngoài đường được tung hô thì điều này cho thấy chính quyền đã không dám đối diện và giải quyết những đòi hỏi chính đáng của người dân.
Con đường đấu tranh của nhóm nhà báo Trương Châu Hữu Danh chính là hình ảnh tiêu biểu của sự bất bình tột cùng của người dân trước một lũ ăn cướp mà chính quyền không có một biện pháp nào ngăn chận.
Điều này cho thấy là nỗ lực Chống BOT bẩn không phải là thách thức chính quyền – bởi bản thân nó là một công trình của tư nhân, mà chính là đảm bảo giá trị công trình đó tương xứng với người dân (về chất lượng con đường, về số tiền thu thuế được), đồng thời cũng thực hiện cái gọi là “chống lợi ích nhóm trong xã hội”, đặc biệt là ở đội ngũ quan chức đang tại nhiệm hoặc đã về hưu.
Lúc này nhà cầm quyền đang chọn thái độ im lặng và dùng thời gian như vũ khí để chống lại đòi hỏi dân sinh, dân quyền của người dân. Họ đánh giá rằng khả năng và sức chịu đựng của những người chống BOT bẩn là có giới hạn.
Tuy nhiên bất công trong xã hội ngày hôm nay không chỉ có BOT bẩn, tất cả đều bẩn, từ giáo dục đến môi trường, từ kinh tế đến lao động, và đó là những yếu tố đang tác động tạo những chuyển đổi xã hội từ sự bừng tỉnh của người dân.
Việt Nam đang tiếp nối những gì mà người dân Venezuela đang đứng lên tạo sự thay đổi từ đầu năm 2019 đến nay.
Phạm Minh Hoàng
Leave a Comment