Ngày 8/3 là ngày mà cách đây hơn một trăm năm, hàng nghìn phụ nữ là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ đổ ra đường biểu tình để đòi quyền được sống tốt hơn với các điều kiện về tiền lương, chế độ lao động, nghỉ ngơi và không bị cưỡng bức, đánh đập trong khi làm việc.
Và ngay lập tức, nó trở thành một phong trào lan rộng ra trên toàn thế giới vào những năm tiếp sau đó. Cuộc biểu tình, đình công của hàng ngàn phụ nữ, trẻ em đó đã trở thành biểu tượng của các phong trào đấu tranh để đòi quyền bình đẳng, quyền về giới, các quyền khác mà họ cần phải được đảm bảo và thụ hưởng trong đời sống.
Nhưng khi trở về Việt Nam, thực chất của ngày quốc tế phụ nữ đã bị hiểu sai lệch đi và trở thành một “ngày tặng quà” cho phụ nữ. Trong khi, những người phụ nữ cũng dường như không quan tâm đến các quyền của mình có thực sự được đảm bảo trên thực tế hay không. Hay họ vẫn thường xuyên phải bếp núc, con cái, bị đánh chửi, khốn khổ vì phải chỉn chu việc bên nội, bên ngoại, vẫn phải còng lưng rửa bát chén những ngày nghỉ lễ, tết. Vẫn bị xem thường bằng các ngôn từ miệt thị, chê bai từ hình thể cho tới các định kiến giới rất nặng nề.
Những người phụ nữ đã quá vất vả và khổ sở trong mối quan hệ gia đình: vợ với chồng, với gia đình chồng, với con cái, với chuyện nội trợ, chuyện kinh tế. Họ dường như bị vắt kiệt sức với những mặc định của cánh đàn ông rằng “việc của đàn bàn” và khi nói đến những điều lớn lao hơn hoặc công bằng hơn thì lại bị chà đạp thô bạo “đàn bà biết gì mà nói” hay “đàn bà đái không qua ngọn cỏ”. Hoặc khi bạn bị chế nhạo, dè bỉu rằng con bé này xấu quá, gầy quá, béo quá, em này trông ngon quá, ngực với mông bự quá…thì đều là những ngôn từ xúc phạm vào nhân phẩm và danh dự của người phụ nữ. Tất cả những bình phẩm về hình thể theo lối ngôn từ và giọng điệu đó, ở những nước phát triển, là những ngôn từ kỳ thị hoặc miệt thị, nó là hành vi phạm pháp và sẽ bị xử lý rất nghiêm.
Ngày nay, những nữ công nhân bị quấy rối tình dục nơi công sở, nhà máy; bị đối xử bất công trong các ngày đến kỳ kinh hoặc không được ăn uống đầy đủ, tăng ca thường xuyên, làm trong môi trường độc hại, các chế độ đãi ngộ vô cùng thấp. Về nhà cũng lại bị chồng con hành hạ và đối xử tàn tệ và đổ lỗi cho đủ thứ và bị trút lên đầu những sự đối xử ngược đãi, tệ bạc. Họ là lý do của tất cả những thứ xấu xa và tồi tệ xảy ra trong cuộc sống. Hàng trăm ngàn, hàng triệu nữ công nhân trên đất nước này đang sống cuộc đời vô cùng cực khổ và bị đối xử không ra gì. Nhưng họ ở đâu, họ không biết đấu tranh và lên tiếng đòi hỏi, hay họ lại chỉ cần một vài bó hoa và vài hộp kẹo, vài lời chúc và vài tấm thiệp trao tay là coi như hạnh phúc và là những món quà vô giá không cần đòi hỏi gì thêm nữa?
Có bao nhiêu phụ nữ bị chửi rủa, đánh đập trong gia đình, nhưng khi bảo tố ra cơ quan chức năng thì lại “xấu chàng hổ ai” và “các con cái sẽ khổ” để làm lý do để chấp nhận đời sống tủi nhục và bất công? Hoặc bao người tố ra cơ quan chức năng thì nhận được câu trả lời “gia đình nào chả thế, nhà nào chả có hũ mắm thối” và “chuyện gia đình về nhà đóng cửa bảo nhau chứ mang ra đây làm gì”. Trong khi các quốc gia khác họ xử cả đàn ông buông lời trêu ghẹo thái quá nơi công cộng hoặc là buộc tội hiếp dâm với người chồng cố ý quan hệ mà không được sự đồng ý của người vợ. Tước quyền nuôi con hoặc quyền tài sản nếu có hành vi bạo lực hoặc không chăm sóc vợ, con đúng mức.
Thử hỏi rằng, trên đất nước chúng ta, bao nhiêu phụ nữ sống đời cây cỏ và chịu cảnh bạo hành, ngược đãi, vẫn thinh lặng và tỏ ra bề ngoài mình hạnh phúc để che giấu cái khổ nạn bên trong? Bao người phải lao động dưới những bàn tay bóc lột? Bao người phải chen chúc xuất ngoại tìm đường mưu sinh, kể cả làm đĩ hoặc những công việc chân tay nặng nhọc nhất? Bao người phải đẻ thuê và bán nội tạng để sống? Bao người phải chịu đau đớn đòn roi, những tiếng chửi rủa từ chồng, con? Bao người nữ bị phiền quấy, áp bức nơi làm việc mà không dám hé răng nửa lời? Bao người phụ nữ muốn đưa ra pháp luật giải quyết mà rồi nhận được những ánh mắt ghẻ lạnh và thờ ơ? Bao nhiêu nữ sinh viên, học sinh chịu bất công trong học tập, bị quấy rối và đề nghị trao đổi tình tiền để đạt thành tích, điểm chác, qua môn, tốt nghiệp?
Hãy đứng lên và đòi quyền làm người và quyền được sống tốt hơn, hãy biểu tình hoặc đình công, bãi khoá, bãi thị như những người phụ nữ trong lịch sử đã làm để đòi lại những gì thuộc về mình để có một cuộc sống được tôn trọng đúng với vị thế như nó phải là. Chứ không phải là nhận vài món quà và vài lời chúc tụng, vào cái ngày có tính biểu tượng cao cả và thiêng liền nhất, rồi coi đó là giá trị của mình mà chấp nhận mọi sự bất công khác trong đời sống./.
Leave a Comment