Thời gian gần đây, hàng loạt các tỉnh như Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu… xin cấp phép nhận chìm “vật chất” trong quá trình xây dựng nhà máy nhiệt điện, thép, cảng biển. Trong đó, dự án nạo cảng ở Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất là dự án lớn nhất, và đang bị công luận phản đối kịch liệt, do những lo ngại về hậu quả nặng nề với môi trường, sinh thái biển, đặc biệt là hệ sinh thái san hô.
Vừa qua, Bộ Tài Nguyên Môi Trường cấp phép cho Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất được nhận chìm 15,3 triệu mét khối bùn, cát từ hoạt động nạo vét cảng ở dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất xuống vùng biển có diện tích 180ha thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Trong giấy phép, thành phần của vật chất nhận chìm cát chiếm khoảng 86,4%, bùn sét chiếm khoảng 13,6%. “Chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.”
Tuy nhiên, tin tức nói trên đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Qua các trang mạng xã hội, dư luận đồng loạt lên tiếng kêu gọi dừng ngay dự án, vì lo ngại lượng bùn thải khổng lồ đó sẽ bức tử hệ sinh thái biển, và nguy cơ xảy ra “thảm họa môi trường.”
Ở nhiều nước phát triển, việc nhận chìm chất thải là rất hiếm, và là “phương án cuối cùng,” nếu không còn cách nào khác. Khi đó, phải quy hoạch không gian, kiểm tra cẩn thận và chất thải được đóng thành khối bê tông, bỏ hộp chì, thả xuống độ sâu 4.000-5.000 m dưới biển để chất thải bị chôn vùi mãi mãi, không thể trồi lên được. Còn Việt Nam, việc nhận chìm chất nạo vét chỉ đơn giản là dùng xà lan xả xuống biển. Gọi “nhận chìm” nhưng thực tế là xả thải trực tiếp.
Bên cạnh đó, nguyên tắc nhận chìm là không cho tạo thành nguồn ô nhiễm thứ cấp. Tuy nhiên, với cách làm của Việt Nam, chất nạo vét sẽ trùm lên đáy biển, phủ kín tầng mặt thì coi như toàn bộ vùng san hô, nơi có đa dạng sinh học rất cao sẽ chết và nhiều loài sinh vật cũng sẽ chết theo. Đây là sự xáo trộn rất lớn cho thảm thực vật và động vật dưới đáy biển.
Ngoài ra, bùn thải nạo vét là chất lắng đọng từ tự nhiên. Những cơn mưa, lũ xảy ra, nước chảy từ đất liền ra biển cuốn theo tất cả rác, thuốc trừ sâu và rất nhiều chất độc hại. Những thứ này gây đục nước, còn các chất độc hòa tan vào nước và dòng chảy biển tự nhiên sẽ mang nó đi khắp nơi. Vô hình chung sẽ tác động tiêu cực tới các khu vực xung quanh, gây thiệt hại tới các trang trại nuôi hải sản, đặc biệt là nuôi tôm. Đồng thời, ô nhiễm thứ cấp sẽ tác động sinh thái rất dữ dội, có thể kéo dài hàng chục năm. Khi đó, chắc chắn cuộc sống của hàng ngàn người dân địa phương sẽ bị đảo lộn.
Trước những phê phán của dư luận, nhà cầm quyền CSVN lại ngụy biện rằng đã đánh giá tác động môi trường và được thông qua, mọi thứ sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng việc đánh giá tác động môi trường của nhiều dự án tại Việt Nam không đúng với thực tế. Có thể kể đến dự án nhà máy rác Nghĩa Kỳ, hay nhà máy thép Formosa. Những dự án trên cũng do Bộ Tài Nguyên Môi Trường cấp phép, với dấu kiểm định đỏ chót. Nhưng các dự án này nhanh chóng tàn phá môi trường nghiêm trọng và bị người dân kịch liệt phản đối.
Một vấn đề đáng bàn khác là, theo như nhà cầm quyền nói, “vật chất nhận chìm cát chiếm khoảng 86,4%, bùn sét chiếm khoảng 13,6%.” Nghĩa là về nguyên tắc, chủ đầu tư có thể tận dụng đến 86,4% của 15,3 triệu mét khối vật chất được nhận chìm. Trong khi tài nguyên cát xây dựng đang thiếu hụt nghiêm trọng, vì sao Hòa Phát và chính quyền Quảng Ngãi không tận dụng nguồn lợi kinh tế này, mà phải xin phép và tốn công sức mang xả ra biển? Tại sao không nhìn chúng như là tài nguyên để xây dựng công trình chống sạt lở, làm kè chắn sóng, lấn biển, san lấp xây dựng các khu đô thị, nếu chúng không độc hại như trong báo cáo?
Tại nhiều nước châu Âu, vật chất nạo vét được tái sử dụng cho xây dựng, bồi đắp các khu vực ven biển. Như ở cảng Truro ở Cornwall ở Anh. Còn tại Hà Lan, ưu tiên vật chất nạo vét tái sử dụng, sinh lợi. Mỗi năm, Hà Lan dùng khoảng 30 triệu m3 vật chất nạo vét để mở rộng lãnh thổ. Đối với Nhật Bản, họ đổ vật chất nạo vét lên một vị trí nhất định, sau đó trồng những loại thực vật thích hợp để bảo vệ. Vài năm sau, khu vực này tự nhiên trở thành đất nền. Còn Singapore, việc mở rộng diện tích lãnh thổ đã tăng đến 20% so với trước kia. Vật chất dùng để mở rộng, một phần không nhỏ là từ hoạt động nạo vét.
Mỗi năm, Việt Nam xây dựng rất nhiều công trình mới ven biển. Khi thi công, các nhà đầu tư ra sức đào rừng, phá núi để lấy đất san lấp. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư khác lại chỉ nhắm một phương án duy nhất là xả bùn cát xuống biển, vì như vậy vừa tiện vừa tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng bến bãi của họ. Rõ ràng, Việt Nam đang thiếu một quy hoạch tổng thể. Vì chưa có quy hoạch nên thiếu chiến lược bài bản, dài hơi. Và chưa biết cách phát triển có liên kết về các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét.
Phát triển kinh tế biển, muốn có cảng lớn, thì phải nạo vét cảng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, cần phải tính toán kỹ lưỡng, phát triển thì phải phát triển bền vững, để có thể duy trì cho nhiều đời sau. Ở các nước phát triển, họ có đủ cảng biển lớn, nhưng không có những vấn đề về môi trường, là vì khi làm các dự án, những nước này đã đánh giá tác động rất khoa học, trung thực. Học cách làm của thế giới là đúng quy luật phát triển. Do vậy cần phải có kế hoạch phương án xử lý bài bản, lâu dài với các vật chất này.
Trong đó, Việt Nam phải tính đến khả năng bỏ luôn việc cấp phép nhận chìm vật chất xuống biển. Bởi nếu cấp phép cho một doanh nghiệp rồi, thì sẽ tạo tiền lệ cho tất cả các dự án ở ven biển sau này. Khi đó, sẽ lại có đơn vị khác đang đề xuất đổ thải với số lượng lớn hơn.
Biển đâu phải là cái bãi rác để chứa chất thải!
Leave a Comment