Báo chí đưa tin, với phương pháp kiểm tra “quan sát bằng trực quan” từ các vị trí an toàn theo quy định của Formosa Hà Tĩnh, Bộ Công Thương cho biết, 4/5 hạng mục công trình được thi công theo thiết kế và các thiết kế điều chỉnh đã được chủ đầu tư chấp thuận/phê duyệt.
“Kết quả kiểm tra hiện trường bằng phương pháp quan sát trực quan, Đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng của các hạng mục công trình đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của chủ đầu tư đã phê duyệt, công trình ở trạng thái ổn định, chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường cũng như không đảm bảo an toàn”. Báo Dân Trí tường thuật về buổi kiểm tra Formosa Hà Tĩnh của Bộ Công thương.
Bà Phạm Thúy Loan, tiến sĩ Hóa, chuyên ngành xử lý làm nguội lò phản ứng hạt nhân, đã trao đổi với người viết quanh câu hỏi liệu bằng “quan sát trực quan” có thể dùng đó để làm kết luận cho một biên bản nghiệm thu?
* Đã là đoàn kiểm tra, chắc chắn các vị trong đoàn phải có học vị, học hàm chuyên môn và họ phải có cái lý gì đó khi đưa ra kết luận từ quan sát trực quan. Ý kiến bà thế nào?
* Bà Phạm Thúy Loan: Quan sát trực quan là một quan sát cảm tính. Kết quả của quan sát này ra sao còn tùy thuộc vào trình độ nhìn và hiểu biết đến đâu của người quan sát. Tôi không được tiếp cận các dữ liệu, nhưng chỉ nhìn bằng mắt thường những cột khói xả thải ở Formosa Hà Tĩnh, tôi nghĩ rằng ô nhiễm nơi đây vẫn còn nghiêm trọng.
Đến lúc này tôi chỉ có thể chắc chắn một điều là với công nghệ xử lý làm nguội cốc ướt của Formosa Hà Tĩnh, tất yếu dẫn đến ô nhiễm như vụ thảm họa môi trường biển vừa qua. Làm nguội bằng phương pháp cốc ướt đã được thế giới thay thế bằng phương pháp cốc khô.
Tôi có đọc báo mô tả việc kiểm tra này, là phía Bộ Công Thương đã ra yêu cầu Formosa Hà Tĩnh chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các văn bản, tài liệu trong hồ sơ hoàn thành công trình đã cung cấp cho đoàn kiểm tra. Tôi nghĩ rằng yêu cầu đó với Formosa Hà Tĩnh là cần xem xét lại. Ngay lúc ban đầu phía Formosa đã tự tiện thay đổi công nghệ luyện cốc, gây hậu quả quá nghiêm trọng khi họ hủy diệt môi sinh biển. Đó là chưa kể phần khí thải. Không thể tin họ được, nhất là với công nghệ cốc ướt hiện tại của Formosa Hà Tĩnh.
Là nhà khoa học, cần luôn có đôi mắt ngờ vực, phải đòi hỏi bằng thực chứng chứ không phải chỉ là cảm nhận. Bởi cảm nhận của một học hàm tiến sĩ không trải nghiệm bằng kinh nghiệm thực tế, mà chỉ là tháp ngà, họ sẽ quên mất rằng Formosa còn giỏi dùng đồng tiền để mua cả quan chức cấp cao để nhằm phục vụ lợi nhuận làm ăn của họ.
* Bà nghĩ sao về yếu tố đồng bộ công nghệ khi phía Việt Nam chỉ yêu cầu Formosa thay đổi việc xử lý làm nguội cốc? Vấn đề ô nhiễm ở cốc khô như thế nào?
* Bà Phạm Thúy Loan: Tôi nghĩ câu hỏi của nhà báo đã được nhiều nhà khoa học cảnh báo với chính phủ Việt Nam rồi. Tôi xin được nhắc lại, nhìn vào cột khói xả thải vào ban đêm ở nhà máy Formosa Hà Tĩnh, cá nhân tôi tin chắc rằng ô nhiễm không khí ở địa phương Hà Tĩnh đang ở mức báo động.
Trong khí thì có SO, CO, NO, dyoxit, toàn chất nếu để ra môi trường đều có hại cả.
Kể cả cốc khô người ta cũng phải có một bộ phận hóa cốc, tức là các chất hóa học đó, người ta phải làm ra những sản phẩm hóa, phải có một nhà máy đi kèm với nhà máy cốc để xử lý. Dĩ nhiên việc có một nhà máy hóa cốc là rất tốn kém, nên tôi ngờ rằng phía Formosa Hà Tĩnh đã cắt bỏ công đoạn quan trọng này đi. Lúc đó ô nhiễm không khí còn nghiêm trọng hơn, tuy không gây hậu quả ngay lập tức. Cũng không thể trách họ, trong làm ăn, nhà đầu tư nào chẳng muốn thu lãi nhiều nhất.
Tính đồng bộ mà nhà báo đặt ra, xin trả lời nhanh là phương án luyện khô chất thải chảy ra phần lớn là dạng bụi, tan vào không khí. Nếu không xử lý tốt, không ứng dụng lò đốt đứng cao, chắt hơi nước khói bụi, thu lại dạng thô cứng, mà cho tản đi, kết tủa rơi xuống thì cũng không kém phần nguy hại. Các thông tin này tôi không thấy báo chí mô tả ra sao ở bản tin về đoàn kiểm tra của Bộ Công thương như nói ở trên.
* Bằng ‘trực quan’, bà có tin vào những gì mà Formosa đã hứa hẹn với chính phủ Việt Nam?
* Bà Phạm Thúy Loan: Tôi không tin. Khi lập dự án ban đầu trình các cơ quan chức năng của Việt Nam, tôi nghĩ sự gian lận đã có chủ đích và họ hiểu cần bôi trơn ra sao. Phía quản lý Việt Nam ký duyệt, có lẽ họ không được đào tạo chuyên môn trong lãnh vực luyện thép, nên họ không thực sự để tâm vào công nghệ.
Khi xảy ra hậu quả từ xả thải bằng đường ống chôn ngầm dưới đáy biển của Formosa, lẽ ra cần xử lý bằng các tội danh hình sự, đàng này phía Việt Nam chỉ xé biên lai phạt hành chánh, và sau đó đẩy chuyện công nghệ cốc ướt làm chủ đề chính cho đòi hỏi gói tiền đền bù 500 triệu đô la.
Formosa đã có thể mua sự yên ổn làm ăn tại Việt Nam bằng tiền. Họ sẽ tìm mọi cách để kiếm lại khoản tiền đã chi đó. Tôi nói ngay như luyện cốc khô không có công nghệ hiện đại cũng ô nhiễm lắm, ra khói bụi, đối tượng là con người, mà con người Việt Nam vốn sức chịu đựng chất độc rất giỏi, nên cần thời gian lâu dài mới phát bệnh. Khi ấy, xem ra Formosa Hà Tĩnh đã quá lời và giấy phép đầu tư của họ ở Việt Nam cũng kết thúc./.
Leave a Comment