Phạm Chí Dũng – VOA
Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son bị bắt vào tháng 2 năm 2019 không chỉ là vụ bắt quan tham, mà còn bằng vào đó để đánh giá và phân tích về sự thay đổi trong quan điểm và hành động của Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch ‘đốt lò’.
Không chỉ giới quan sát chính trị mà nhiều người dân Việt đang xoay vần một câu hỏi: sau Son và Tuấn sẽ đến lượt kẻ nào?
Những kẻ ‘ăn đất’
Cái tên đang hiện ra nhiều nhất trong suy đoán của dư luận là Tất Thành Cang – kẻ tưởng như đã phải tra tay vào còng tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2019.
Khi đó, nhiều thông tin không chính thức cho biết Tất Thành Cang đang bị điều tra về vụ ‘ăn đất’ Nhà Bè và vụ ‘nuốt’ hơn 1000 tỷ đồng cho mỗi km đường của 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm. Cả hai vụ này đều được cho là có bằng chứng cụ thể. Những bằng chứng này đã hiện ra trên mặt một số tờ báo nhà nước trong suốt mấy tháng kể từ lúc Cang bị ‘lên máu’ mà phải vào điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng nhiều nguồn tin còn cho biết cơ quan điều tra của Bộ Công an đã nắm được đến mức chi tiết từng phi vụ làm ăn của Tất Thành Cang với các ‘đối tác’.
Tuy nhiên Hội nghị trung ương 9 đã chỉ cách chức trung ương ủy viên đối với Cang, còn cho tới nay y vẫn còn giữ được ghế thành ủy viên ở trong Thành ủy TP.HCM – một hiện tượng chính trị mà đã tạo nên một mối ngạc nhiên lớn trong dư luận, đặc biệt trong giới cán bộ lão thành và những người vẫn đang nuôi hy vọng vào một công cuộc ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ của nhân vật được xưng tụng là ‘Minh quân’ – Nguyễn Phú Trọng.
Sau vụ bắt Son – Tuấn, dư luận xã hội và người dân, đặc biệt là khối dân oan đất đai lên đến hàng trăm ngàn người Việt Nam – đang nhìn vào quan điểm và thái độ xử lý Tất Thành Cang của Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị của ông ta như một phép thử quan trọng về thực chất của chiến dịch ‘đốt lò’ là gì, hay chỉ là ‘chống tham nhũng một bên’ và ‘đầu voi đuôi chuột’.
Với quá nhiều sai phạm của một ‘đảng viên gương mẫu’ và chuyên đi răn dạy ‘học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’ và nhiều vi phạm pháp luật như Tất Thành Cang, quan chức này phải bị khởi tố, tống giam, truy tố và và nhận một bản án tù thích đáng.
Nhưng liệu Cang có ‘thoát’?
Thành ủy TP.HCM bao che cho ‘lũ người quỷ ám’?
Nếu nhìn vào những động thái ở Thành ủy TP.HCM, cơ hội tham sống sợ chết của Tất Thành Cang không phải là không có. Thành ủy TP.HCM trước đó hầu như đã chẳng làm gì để xử lý Tất Thành Cang.
Chỉ đến tháng 11 năm 2018 khi sắp diễn ra Hội nghị trung ương 9, nhân vật nổi tiếng bởi thói quen ‘tự bó miệng’ là Nguyễn Thiện Nhân mới lần đầu tiên phải thẽ thọt về ‘Bộ Chính trị sẽ quyết định mức kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang vào tháng Mười Hai năm 2018’.
Trước đây, Nguyễn Thiện Nhân đã hứa như đinh đóng cột trước công luận và người dân Thủ Thiêm là đến tháng Mười Một năm 2018 sẽ xử lý kỷ luật Tất Thành Cang. Song khi tháng Mười Một đã trôi qua, Thành ủy TP.HCM vẫn bình chân như vại trong cảnh nước mắt Thủ Thiêm đã cạn khô, chỉ còn vẳng lại những lời chửi rủa và động tác ném giày vào mặt quan chức.
Về Sài Gòn làm ‘vua’ đã được một năm rưỡi, nhưng năng lực của một bí thư thành ủy như Nguyễn Thiện Nhân chỉ được chứng tỏ bởi thái độ nhu nhược, co thủ và để cho ‘lũ người quỷ ám’ (tên một tác phẩm của đại văn hào Nga Dostoievsky) như Tất Thành Cang, Nguyễn Thị Quyết Tâm lộng hành và qua mặt.
Không những không làm được bất cứ điều gì giúp cho dân oan Thủ Thiêm ngoài những hứa hẹn có cánh và ý đồ chỉ muốn đẩy dân oan vào khu tái định cư để khỏi đi khiếu kiện tố cáo, Nguyễn Thiện Nhân còn trực tiếp chỉ đạo vụ chính quyền quận Tân Bình giải tỏa như một hình thức cướp đất tại Vườn Rau Lộc Hưng, thậm chí còn cả gan chỉ đạo di dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở trung tâm Sài Gòn.
Sắp ‘đóng hòm’?
Thế cờ ‘Nam tiến’ trong chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng nhắm vào Thành ủy TP.HCM trong ít nhất năm 2019 là không thể nghi ngờ, khi vào nửa cuối năm 2018 và đặc biệt vào thời ‘hậu Trần Đại Quang’, Trọng và Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông ta đã có khá nhiều động thái ‘rung cây dọa khỉ’ tại thành phố này. Khá nhiều người thân của ‘bố già’ Lê Thanh Hải như vợ, con trai, em trai đã bước đầu bị ‘siết’. Những thủ hạ đắc lực một thời của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài đều đã phải ‘nhập kho’…
Nếu Nguyễn Bắc Son đã về hưu từ ít năm qua và được xem là không có mối quan hệ ‘đặc biệt’ với Nguyễn Phú Trọng, thì Trương Minh Tuấn – kẻ đang thọ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương – lại được xem là ‘gà’ của ‘Tổng chủ’ cho đến tận gần đây. Một khi Trọng đã phải ‘trảm’ Tuấn thì chẳng có lý do gì để ông ta nương tay với những kẻ khác.
Vụ tống giam hai người được xem là là ‘phe ta’ – Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn – đã phát đi tín hiệu về một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm và hành động của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian qua, có thể từ thái độ trù trừ và nương tay với ‘phe ta’ sang quyết đoán và quyết liệt hơn. Sự thay đổi này nhiều khả năng xuất hiện từ sức ép của một số cựu thần và tướng lĩnh lão thành – giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến. Muốn được ‘lưu truyền sử xanh’ thì không còn cách nào khác, ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ phải hành xử quyết liệt với chính đàn em mà ông ta đã từng dung dưỡng.
Mặt khác muốn chiếm được tình cảm của người dân Nam Bộ – một nhiệm vụ chính trị rất lớn mà từ năm 2016 đến nay có nhiều biểu hiện cho thấy cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang, dù đã về hưu, vẫn có những hoạt động ‘dân vận’ và đóng một vai trò khá quan trọng bên cạnh tổng bí thư để nắm tình hình diễn biến tư tưởng và tâm lý của giới quan chức miền Nam – Nguyễn Phú Trọng không thể không tận dụng vụ khiếu kiện của nhiều ngàn dân oan ở khu đô thị mới Thủ Thiêm cùng nhiều dấu hiệu và bằng chứng khó chối cãi của nhóm lợi ích ‘ăn đất’ Lê Thanh Hải. Không thể nghi ngờ rằng nếu được điều tra làm rõ và xử lý đến nơi đến chốn trách nhiệm hình sự của những quan chức vi phạm, vụ Thủ Thiêm sẽ mang lại một điểm son chính trị khó tả cho Nguyễn Phú Trọng, nhất là nếu ‘Minh Quân’ còn giữ tâm thế ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa tại đại hội 13 vào năm 2021.
Cuối tháng 2 năm 2019, cái ghế phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM của Tất Thành Cang đã chính thức được Bộ Chính trị điều động cho một quan chức khác: Trần Lưu Quang – cựu Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh. Thêm một dấu hiệu cho thấy hồ sơ của Cang sắp ‘đóng hòm’.
Số phận Tất Thành Cang chỉ còn là vấn đề thời gian. Cú ‘cẩu đầu trảm’ sẽ giáng lên Cang vào một thời điểm có lẽ không còn xa nữa, và thình lình như cái cách mà Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn đã phải hứng chịu.
Leave a Comment