“Vì trách nhiệm đối với hòa bình thế giới và hình ảnh mến khách thân thiện, hữu nghị của nước chủ nhà Việt Nam, chúng ta phải chứng minh cho thế giới biết rằng một đất nước hòa bình, thân thiện, trật tự… tất cả đã thành một văn hóa, một nếp sống của người Việt Nam”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có đoạn phát biểu như trên ở cuộc họp đánh giá công tác chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Trung tâm báo chí quốc tế IMC, Hà Nội sáng ngày 24-2.
Phải chăng “Việt Nam đang hòa bình, thân thiện, trật tự” như lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Nếu hiểu ‘hòa bình’ là không có ‘chiến tranh’, không ‘bị đe dọa chiến tranh’, thì suốt từ tháng 4-1975 đến tận hôm nay, Việt Nam chưa hề có được hòa bình. Trung Quốc luôn là mối đe dọa chiến tranh lớn nhất với Việt Nam. Hành vi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan, nhiều tàu và máy bay vào vùng biển của Việt Nam, chủ động gây hấn, đặc biệt là đâm chìm tàu cá Việt Nam là vô cùng nguy hiểm, đe dọa sử dụng vũ lực và vi phạm nghiêm trọng Công ước về Luật biển năm 1982…, là những hình ảnh dễ thấy nhất về ‘hòa bình’ ở Việt Nam ra sao.
“Hòa bình” theo cách hiểu của đảng cộng sản Việt Nam cũng trái ngược với cách hiểu như phát biểu kể trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ngày 30-10-2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Theo nội dung của Nghị quyết, này thì “hòa bình” còn là phải tuân thủ theo các nguyên tắc của đảng cộng sản đặt ra, chứ không thể hiểu “hòa bình” như cách phổ quát chung: “Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt được một số kết quả; tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội XII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021”.
Cách hiểu đó về “hòa bình” còn được đảng cộng sản Việt Nam thể hiện qua hàng loạt các văn bản như: Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Thông báo Kết luận 94 của Ban Bí thư khóa IX; Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư (khoá X) về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới; Thông báo Kết luận 213-TB/TW về “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”…
Nếu tính cột mốc thời gian liên quan về “hòa bình”, thì năm 1994, tại hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ khóa VII của đảng cộng sản Việt Nam, lần đầu tiên xác định “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong 4 nguy cơ tồn vong của đảng.
Văn kiện Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch”, “uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, những biểu hiện dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng”. Đại hội IX của Đảng xác định phải “Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”.
Văn kiện Đại hội X của đảng tiếp tục yêu cầu “Chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch”. Đại hội XI của đảng một lần nữa nhắc lại: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.
Theo cách hiểu của đảng cộng sản, một khi vẫn còn “thế lực thù địch” đe dọa sự tồn vong của đảng cộng sản, thì Việt Nam chưa thể có hòa bình.
“Thân thiện – trật tự” tiếp sau từ “hòa bình” trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc ở cuộc họp đánh giá công tác chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Trung tâm báo chí quốc tế IMC, Hà Nội ngày 24-2, xem ra một lần nữa lại là những ‘chém gió’ không chút ngượng miệng trước ống kính truyền thông. Nếu quả tình có “thân thiện – trật tự” thì làm gì xảy ra chuyện tháng 9 năm ngoái, Tổ chức Ân Xá Quốc tế (Amnesty Inernational) vào sáng ngày 10 tháng 9 phải ra thông cáo báo chí, cho hay ông Minar Pimple – Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của tổ chức nhân quyền này bị từ chối không cho nhập cảnh Việt Nam. Động thái đó diễn ra sau khi an ninh sân bay Nội bài câu lưu và trục xuất bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền – FIDH.
Ông Minar Pimple là một thành viên của ban lãnh đạo cao cấp của Ân xá Quốc tế, được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội, và dự định sẽ có bài phát biểu về sự đa dạng và đa nguyên tại sự kiện này, thế nhưng đã bị chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc từ chối cho tham dự.
Miệng lưỡi dân gian hay gọi đầy bởn cợt ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam là ‘Trọng lú’, song có lẽ ‘đệ nhất lú’ là danh hiệu thích hợp cho ngài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc./.
Leave a Comment