Câu trả lời phụ thuộc gần hết vào não trạng và hành động của giới chóp bu Việt Nam.
Nhiều nguồn tin cho biết vào tuần đầu của tháng 3 năm 2019, một cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Việt Nam sẽ diễn ra tại Brusells, Bỉ – nơi đặt trụ sở của EU.
Trước đây, EU vẫn duy trì đối thoại nhân quyền với Việt Nam ít nhất một lần/năm. Nhưng hầu hết những cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam đã không có kết quả nào. Phía EU chỉ nhận được những hứa hẹn bất tận và lặp đi lặp lại đến trơ miệng của quan chức trưởng phái đoàn đối thoại Việt Nam – chỉ là cấp bậc trung cấp hàm vụ trưởng và về thực chất chẳng có quyền hạn gì để hứa hẹn hoặc cam kết hay thực hiện.
Thậm chí ngay trước cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào cuối năm 2017, công an Việt Nam còn công khai bắt cóc hai khách mời của phái đoàn EU – hai nhà hoạt động nhân quyền Trương Dũng và Phạm Đoan Trang. Lối hành xử thô bạo và vô pháp đó cho thấy đã từ lâu trong con mắt của chính thể độc đảng ở Việt Nam, EU luôn là một khách thể dưới cơ và dễ ăn hiếp.
Nhưng cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào đầu tháng 3 năm 2019 lại có bối cảnh khác hẳn: vào giữa tháng 11 năm 2019, lần đầu tiên nghị viện châu Âu tung ra một bản nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền với nội dung rất rộng và sâu, lời lẽ rất cứng rắn; và vào tháng 2 năm 2019, Hội đồng châu Âu đã thẳng tay quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA khiến chính quyền Việt Nam ‘mất ăn’ khi tưởng như đã nuốt trôi mọi thứ.
EU đang đặc biệt quan ngại về những vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam liên quan đến số phận EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam), và gần đầy EU đã chuyển quan điểm từ ‘EVFTA trước, nhân quyền sau’ sang ‘nhân quyền trước, EVFTA sau’.
“Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát”. (Thoibao.de)
Cách nói mở đường của Maas cho thấy nhiều khả năng Phạm Bình Minh đã hứa hẹn ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’ – một chỉ dấu khá quan trọng cho thấy Bộ Chính trị Việt Nam, mà cụ thể là ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng, đang có khuynh hướng nhượng bộ hơn đối với người Đức nói riêng và EU nói chung để đạt được mục tiêu EVFTA ‘sớm được ký kết, phê chuẩn và thông qua’.
Theo lịch trình trước đây của EU, nếu EVFTA được Hội đồng châu Âu phê chuẩn và nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu (một cơ quan tham mưu rất quan trọng của Nghị viện châu Âu về các hiệp định thương mại), EVFTA sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu để xem xét bỏ phiếu thông qua vào tháng 5 năm 2019. Tuy nhiên, giớp chóp bu Việt Nam chỉ muốn ăn sẵn và ăn ngay đã bị một cú sốc thình lình khi nhân quyền – yếu tố mà trước đây chỉ là một điều kiện không ưu tiên trong EVFTA và bị chính quyền Việt Nam xem thường, đã trở nên chính yếu và tạo ra cú knock-out hoãn EVFTA ngày vào lúc Hà Nội sắp mở tiệc ăn mừng ‘thoát nạn’.
Lối thoát duy nhất của chính thể độc đảng ở Việt Nam về EVFTA là cải thiện nhân quyền, nhưng phải cải thiện sao để có thể chứng minh được và phải được ‘mắt thấy, tai nghe’, chứ không phải như vô số hứa hẹn trơn tuột tại các kỳ đối thoại nhân quyền mà sau đó thực tế đã biến diễn hoàn toàn ngược lại đến độ vô liêm sỉ./.
Leave a Comment