Tập tò viết văn ở trình độ lớp Hai mới không biết từ ghép “Sông núi” là danh từ đã mang nghĩa khái quát, nghĩa biểu niệm, đồng nghĩa với “Quốc gia”, “Tổ quốc”, không phải là “con sông” và “ngọn núi” với nghĩa biểu thị vật thể.
Hai từ đơn biểu vật biến thành từ ghép biểu niệm là hiện tượng khá phổ biến trong tư duy ngôn ngữ của người Việt. Chẳng hạn, cha ông, con cháu, nhà cửa, ruộng nương, rường cột, xe cộ, cây cỏ, trời đất, trăng sao,… khi sử dụng đã mất hoàn toàn nghĩa biểu vật mà chỉ còn biểu niệm chung, khái quát. Riêng từ “sông núi”, hay “đất nước” cũng vậy, là tư duy nguyên thủy, ghép cái biểu vật ban đầu trong đời sống vùng sông nước để biến thành cái biểu niệm của tư duy phát triển về sau đối với lãnh thổ hay Tổ quốc.
Vậy mà cả cái Hội Nhà văn của anh Thỉnh lại dịch mù sang tiếng Anh là: “Mountains and Rivers on the Shoulder”. Ơn trời, sông Việt Nam có nhiều sông hung dữ, núi Việt Nam có nhiều núi đồ sộ, núi và sông không đè sụn vai hay cuốn trôi cả ngàn người trong Hội Nhà văn!
Cách dịch tiếng Anh như vậy không phải chứng tỏ trình độ tiếng Anh (nhà văn không cần biết tiếng Anh để làm gì) mà là phản ánh trình độ tiếng Việt, văn hóa Việt. Nếu không có trò khoe tiếng Anh như thế này thì ta cứ tưởng nhà văn rành tiếng Việt, văn hóa Việt, hiểu được nghĩa đơn giản của từ “sông núi” mà nhà văn đang dùng.
Đừng đổ thừa lỗi tại thằng dịch. Một thằng dịch ngu, lẽ nào một ngàn thằng khác không ngu nhưng bị… mù?
Nhà văn phải là người giỏi ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Các cháu học văn, làm văn chọn mẫu văn của nhà văn mà học mà làm. Bước qua trình độ lớp Hai, các cháu đã phải biết phân biệt từ loại, các loại nghĩa của từ. Lẽ nào cả ngàn nhà văn của Hội Nhà văn chưa bước qua trình độ lớp Hai? Hay là nhà văn Việt Nam viết văn ở trình độ thổ dân nguyên thủy khi vốn ngôn ngữ chưa vươn đến trừu tượng khái quát của tư tưởng?
Vậy mà gần đây, tôi thấy nhiều nhà thơ xuất bản thơ tự viết tự dịch song ngữ Việt – Anh cơ đấy!
Tấm biển này đặt ở Văn Miếu, nơi tập hợp tinh hoa trí tuệ của Việt Nam nhé anh Thỉnh.
Leave a Comment