Minh Châu – VNTB – Ngày 12-2, trên trang Sputnik, viết rằng tình trạng “quân sự hóa” của Trung Quốc tại Biển Đông, là lý do khiến Mỹ bắt đầu thảo luận về khả năng điều động lực lượng và mở thêm căn cứ tại khu vực này.
Bài báo cho biết đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đã nói, “Chúng ta phải chấp nhận rằng thực tế môi trường ở Biển Đông đang thay đổi mạnh mẽ đến mức sẽ cần có những cách tiếp cận mới. Điều đó buộc chúng ta phải nghĩ về một số nơi, nếu không phải các căn cứ… Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác và đồng minh về một vài cơ hội có thể ở đó”. [*]
Liệu Việt Nam có phải là một trong những đối tác và đồng minh mà ngài đô đốc Philip Davidson đang để mắt đến?
Chỉ xét riêng Việt Nam, với nhận định của đô đốc Philip Davidson, nếu được thay đổi góc nhìn của chủ thế phát ngôn là một tướng lãnh nào đó của Bộ Quốc phòng, thì rõ ràng Việt Nam quả đang rất cần có những cách tiếp cận về việc cùng bắt tay với người Mỹ trong đặt các căn cứ quân sự tại vùng biển miền Trung, nơi ngắn nhất cho việc tiếp cận các đảo, quần đảo của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ.
Vịnh Vũng Rô của tỉnh Phú Yên, vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong cùng của tỉnh Khánh Hòa là ba ứng viên sáng giá cho một hợp tác quân sự với Mỹ. Bởi cho dù ý thức hệ chính trị là gì đi nữa, thì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc vẫn đứng trên tất cả. Nói như bài báo đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 14-2, “Toàn thể các đồng bào dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai, hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc, và xây dựng đất nước hùng cường!”. [**]
Vì sao lại là Vũng Rô?
Với Hà Nội thì địa danh Vũng Rô từng gắn đến huyền thoại về đoàn tàu không số, nhiều năm liền chọn Vũng Rô là nơi tập kết hàng hóa để chở vũ khí vào miền Nam, còn được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Ngày 16 tháng 2 năm 1965, từ một sự tình cờ, điểm tập kết đã bị phát hiện và Không lực của Việt Nam Cộng Hòa nhanh chóng xóa sổ. Ngay sau đó, Việt Nam Cộng Hòa cho thành lập một quân cảng tại Vũng Rô. Sau tháng 4-1975, quân cảng này bị bỏ phế.
Với dân trong ngành hàng hải thì Vũng Rô có chiều sâu tự nhiên lý tưởng, ở vị trí khuất gió, kín đáo được sự che chắn của 3 dãy núi Đá Bia, Hòn Bà (phía Bắc, Đông và Tây) và đảo Hòn Nưa (phía Nam). Nếu chọn đặt quân cảng nơi đây, sẽ là điểm đầu của quốc lộ 29 – đây là đường huyết mạch nối Khu kinh tế Nam Phú Yên với Đắk Lắk, Tây Nguyên đến cửa khẩu Đắk Riê – Campuchia. Tuyến đường này là một trong những trục ngang tạo nên sự liên kết giữa khu vực Tây Nguyên với các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, khi mà hầm đường bộ Đèo Cả và đèo Cổ Mã giữa hai tỉnh Phú Yên -Khánh Hòa đã được thông thương.
Hiện tại thì cảng dân sự ở Vũng Rô khai thác không hiệu quả.
Vân Phong là một gợi ý khác sau Cam Ranh
Vịnh Cam Ranh thì quá quen thuộc với mọi người. Đây là một cảng biển nước sâu thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh này thường được xem là bến nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, thích hợp làm nơi tàu bè trú ẩn khi biển động. Vì địa thế chiến lược mà Cam Ranh được sự chú ý quân sự qua nhiều thời kỳ. Hải quân Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô đã từng dùng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ chiến sự.
Vịnh Vân Phong có khác hai địa danh Cam Ranh và Vũng Rô là nơi đây chưa bao giờ được đặt làm căn cứ quân sự.
Điểm đặc biệt nhất của vịnh Vân Phong là độ sâu tự nhiên tốt. Trong tổng số 110 km bờ biển có thể làm cảng dân sự tại vịnh, thì có tới 60 km bờ bán đảo Hòn Gốm và Hòn Lớn có độ sâu từ 15 – 22m. Ngoài ra, luồng vào cảng ngắn có độ sâu trên 22 m và ổn định do không có dòng sông lớn hay hải lưu chảy vào. Độ sâu này gấp hai lần độ sâu giới hạn của luồng vào cảng Sài Gòn (10m), và gấp hơn 4 lần của cảng Hải Phòng (7m). Chiều rộng luồng nơi hẹp nhất là trên 400 m, cho phép tàu có thể lưu hành hai chiều thuận tiện và an toàn.
Vân Phong có bán đảo Hòn Gốm che chắn phía Đông và phía Bắc nên tránh được sóng, và có độ kín gió tốt nhất trong tất cả các cảng dân sự của Việt Nam, an toàn cho tàu ra vào cảng. Khu vực mặt nước của cảng cũng khá lớn với trên 43.500 héc ta, gấp ba lần vịnh Cam Ranh gần đó. Mặt đất bán đảo Hòn Gốm và Hòn Lớn rộng 13.800 ha. Về tính ổn định của địa chất nền móng, nơi đây hoàn toàn không có núi lửa và động đất. Chân núi là đá granit, không có hang động, thuận lợi cho việc xây dựng các công trình vĩnh cửu.
Vịnh Vân Phong là điểm cực đông của bán đảo Đông Dương, là vùng bờ biển Việt Nam gần nhất với các tuyến đường biển quốc tế; nằm ngay trên ngã ba đường hàng hải quốc tế (tuyến châu Âu – Bắc Á, châu Úc – Đông Bắc Á, tuyến Vân Phong – Manila – Panama hoặc tuyến San Francisco (Mỹ) hoặc Victoria (Canada). Ngoài ra, từ Vân Phong vượt Thái Bình Dương là quãng đường ngắn nhất so với Hongkong và Singapore.
Ngoài ra, dự án của Thái Lan dự tính liên kết với Trung Quốc thực hiện kênh đào Kra nối liền vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương, sẽ có tác động lớn đến vận chuyển hàng hải quốc tế. Kênh đào này sẽ mở đường trực tuyến cho tàu viễn dương từ châu Âu qua châu Á, Thái Bình Dương mà không còn phải đi qua eo biển Malacca và Singapore. Cảng dân sự Vân Phong sẽ là cảng biển lớn đầu tiên trên tuyến đường này.
Với nhiều lợi thế tự nhiên, song cũng như cảng dân sự Vũng Rô, hiện nay cảng dân sự ở vịnh Vân Phong khai thác không hiệu quả.
Một liên kết với Mỹ như đề cập ở phần đầu bài viết cho thấy sẽ được rất nhiều lợi ích, trong đó có việc tăng thêm sức mạnh quân sự trong bảo vệ tổ quốc đất liền và biển đảo.
+ Chú thích:
[*] “We have to accept the fact that the environment is changing so drastically in the South China Sea that it’s going to require new approaches”, Davidson told the US Senate Armed Services Committee. “It’s going to require us to think about some places, if not bases… We are in conversations with partners and allies about what some of the opportunities might be there”.
[**] http://www.vietnamthoibao.org/2019/02/vntb-cam-hung-thuong-inh-my-trieu-tai.html
Leave a Comment