Quảng Cáo

Mật ước Thành Đô: Đập như thế là… tan?

Hội Nghị Thành Đô 1990

Quảng Cáo

Trân Văn – VOA

Người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đang cố gắng xác định xem tại sao hệ thống truyền thông chính thức lại đồng loạt đề cập đến cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam cách nay 40 năm (17/02/1979 – 17/02/2019). Rõ ràng là hệ thống đèn tín hiệu trong tuyên truyền về quan hệ Việt – Trung đã chuyển từ đỏ sang xanh nhưng cho đến giờ, vì sao thì chỉ là những… đồn đoán!

Kể từ đầu thập niên 1990, sau khi Việt Nam “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”, cuộc chiến vệ quốc kéo dài từ 1979 đến 1988 trở thành một trong những chủ đề cấm kỵ. Chẳng riêng hệ thống truyền thông chính thức, hệ thống giáo dục, văn nghệ sĩ cũng phải làm ngơ. Không ai được phép để công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ… ngộ nhận về Trung Quốc như một hiểm họa tiềm ẩn đối với vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc.

Đã có một số người cho rằng, sở dĩ hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đang đồng loạt “xông lên”, thậm chí đài truyền hình quốc gia, đài phát thanh quốc gia hăm hở phát lại những lời hiệu triệu, những nhạc phẩm từng được phát rộng rãi cách nay 40 năm, kêu gọi toàn quân, toàn dân theo đảng bảo vệ biên cương, vô hiệu hóa dã tâm của Trung Quốc là vì bối cảnh chính trị, tương quan giữa thế và lực trong khu vực đang thay đổi… Một số người khác thì cho rằng, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam được phép “ôn cố” vì năm nay là năm chẵn – tròn 40 năm tính từ ngày Trung Quốc xua đại quân tràn sang Việt Nam, dạy cho Việt Nam một bài học…

Những nhận định, lý giải theo hướng đó dường như không ổn lắm. Đâu phải đến bây giờ bối cảnh chính trị, tương quan giữa thế và lực trong khu vực mới thay đổi. Việt Nam đã mất toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, mất phần quan trọng nhất ở quần đảo Trường Sa vào cuối thập niên 1980. Bảy bãi đá mà Trung Quốc cưỡng đoạt của Việt Nam năm 1988 đã trở thành bảy căn cứ quân sự, khống chế toàn bộ biển Đông. Khi đường ra biển của ngư dân Việt Nam bị thu hẹp, ngư nghiệp trở thành èo uột. Nợ Trung Quốc được phán đoán là càng ngày càng lớn, dấu hiệu lệ thuộc Trung Quốc về chính trị – kinh tế càng ngày càng rõ, tại sao không ai được bình phẩm, cảnh báo? 40 năm là chẵn nhưng chẳng lẽ 30 năm, 20 năm không… chẵn? Thế thì tại sao trước đây vẫn phải làm ngơ?

***

Không phải tự nhiên nhiều người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam cùng cho rằng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “hèn với giặc, ác với dân”. Năm 2014, sự âu lo chuyển thành phẫn nộ, lan rộng đến cả cán bộ, đảng viên, giới lão thành cách mạng, sau khi Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo đồng loạt tiết lộ một phần “Kỷ yếu Hội nghị Thành Đô”: “Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…. Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc” (1).

Rất khó phân định thông tin của Tân Hoa Xã, Hoàn Cầu Thời Báo là thực hay hư nhưng cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khiến sự ngờ vực càng ngày càng lớn. Cho dù uy tín của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sút giảm nghiêm trọng, cho dù có rất nhiều ông tướng hữu công, cán bộ lão thành cách mạng yêu cầu bạch hóa “Mật ước Thành Đô” nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn im lặng. Thay vì bạch hóa “Mật ước Thành Đô” hoặc công khai phản bác “luận điệu bịa đặt với ý đồ kích động, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân” của Tân Hoa xã, Hoàn Cầu Thời Báo, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ phát hành một “tài liệu lưu hành nội bộ”, khẳng định: “Không hề có cái gọi là thỏa thuận Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung Quốc” và nhấn mạnh: “Hội nghi Thành Đô thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của đảng ta, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” (2).

Năm tới là 2020 – thời điểm mà theo Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo, Việt Nam sẽ hoàn tất việc chuẩn bị để trở thành một Khu Tự trị của Trung Quốc. Dẫu cho sự âu lo và phẫn nộ của công chúng càng ngày càng lớn, dẫu cho sự kiện hệ thống truyền thông chính thức đã và đang đồng loạt đề cập đến cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam cách nay 40 năm (17/02/1979 – 17/02/2019), sẽ cung cấp cho hệ thống tuyên giáo bằng chứng cần thiết để “đập tan” những chỉ trích, trấn an những nghi ngại về “Mật ước Thành Đô” nhưng không thể chỉ vì thế mà đoan chắc, đó là lý do hệ thống đèn tín hiệu trong tuyên truyền về quan hệ Việt – Trung đột nhiên chuyển từ đỏ sang xanh.

***

Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam luôn luôn “tài tình, sáng suốt”, luôn luôn có giải pháp để chuyển nguy thành an.

Trước, người Việt phải cùng nhau thực thi “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt), tụng niệm “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) vì Việt Nam và Trung Quốc có một “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ”. “Đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một đảng Cộng sản lãnh đạo”. Chính “điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc”, “chi phối cách ứng xử của hai nước” bởi “nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (3). Để khuynh hướng ghét Trung Quốc trở thành phổ biến, ngại nói điều tích cực về Trung Quốc là “nguy hiểm cho dân tộc” vì “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vẫn phải bảo vệ hòa bình, ổn định chính trị, thành quả cách mạng và giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, tăng cường phát triển toàn diện kinh tế – xã hội đất nước” (4).

Nay, đồng loạt nhắc lại cuộc chiến vệ quốc 40 năm trước, chủ yếu là đề cao tinh thần ái quốc của người Việt. Trấn an người Việt rằng khi họ luôn sẵn sàng theo… đảng, hy sinh tất cả để bảo vệ lãnh thổ thì ngoại xâm chẳng bao giờ là họa. Những chuyện như thường dân bị thảm sát, các thị xã, thị trấn, làng mạc ở khu vực biên giới bị san thành bình địa vì “không ai nghĩ đang là ‘đồng chí’ lại đánh nhau” như ông Vương Dương Tường, Bí thư Cao Bằng giai đoạn 1979 – 1992 từng thú nhận là… không được phép (5). Chưa biết đúng ngày 17 tháng 2, các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có đến thắp hương tưởng niệm những người Việt đã bỏ mình trong cuộc chiến vệ quốc cách nay 40 năm hay không (?). Chắc là không vì điều đó không có lợi cho quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, dùng truyền thông “đối nội” là tình thế, không thể gây bất lợi trong… “đối ngoại”. Còn nếu có thì đó là thừa.

Làm sao có thể tin vào những thẻ nhang, vòng hoa, diễn văn bày tỏ sự biết ơn khi vẫn còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại các cao điểm 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220, 1.030,… mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không thèm bận tâm đến chuyện mang về. Tháng 11 năm 2017, tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, từng khẩn khoản xin Quốc hội cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần để đưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ về với gia đình, về với quê hương (2) nhưng chẳng ai thèm đoái hoài. Ngoài Hà Giang với 2.500 hài cốt đang phơi mưa nắng, bao giờ thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tính đến chuyện tìm kiếm, an táng hài cốt những liệt sĩ tử trận ở Cao Bằng, Lạng Sơn trong giai đoạn 1979 – 1981? Chắc chắn là còn lâu. Trong nhận thức của những người cộng sản Việt Nam, bán đất để có tiền xây dựng những công viên, tượng đài tưởng niệm… Fidel Castro hữu lý hơn.

Cho rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “hèn với giặc, ác với dân” dường như không đúng. Những hệ thống đó không “hèn” cũng chẳng “ác” mà duy lợi. Duy lợi nên không bận tâm đến vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, không trước, không sau, không tình đồng chí, chẳng nghiã đồng đội. Mục tiêu duy nhất, trước sau như một vẫn chỉ nhằm duy trì được đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam để một số cá nhân thủ đắc đặc lợi. Chỉ thế mà thôi!

Chú thích

(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Hội_nghị_Thành_Đô

(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/10/141014_chengdu_meeting_circular

(3) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm

(4) http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-ngoai/xu-the-ghet-trung-quoc-nguy-hiem-cho-dan-toc_t114c1065n84289

(5) https://daotuanddk.wordpress.com/2014/02/13/hoa-dao-bien-vien/

(6) http://soha.vn/tuong-sung-thin-co-nhin-len-dinh-nui-biet-rang-hang-nghin-dong-chi-van-nam-do-20171102162626581.htm

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux