Nguyễn Tường Thuy – VNTB – Cách đây 40 năm, vào đầu năm 1979, cùng một lúc Việt Nam bị cuốn vào có hai cuộc chiến tranh: chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc. Có một điều hết sức trớ trêu là kẻ thù không phải là tên đế quốc thực dân nào mà kẻ thù lại là hai quốc gia cộng sản: Trung Quốc và Campuchia, nghĩa là cùng chung ý thức hệ. Đây là dấu hiệu cho thấy những mâu thuẫn trong phong trào cộng sản quốc tế đã lên tới đỉnh điểm.
Chiến tranh biên giới phía Bắc bắt đầu vào ngày 17/2 phải gọi cho chính xác là cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động nhằm thôn tính Việt Nam. Nó không phải là cuộc phản kích tự vệ như Trung Quốc rêu rao, ngụy biện. Đây là nỗi nhục không thể nào gột rửa của tập đoàn phản động, hiếu chiến Bắc Kinh.
Còn chiến tranh biên giới Tây Nam không phải bắt đầu từ khi quân đội VN tràn qua biên giới để lật đổ chế độ Khơ me đỏ mà phải tính từ trước đó, khi hàng chục sư đoàn Khơ me đỏ tràn qua biên giới bắn giết đồng bào ta vô cùng tàn bạo, dã man. Cho nên, trong cuộc chiến tranh này, nói VN phản kích tự vệ mới là đúng, chứ không phải TQ phản kích tự vệ ở biên giới phía Bắc. Có điều, sự có mặt của quân đội VN ở Campuchia lên tới 10 năm đã trở thành lực lượng chiếm đóng gây nên sự phản đối của thế giới. Nhưng việc rút quân sớm lại đồng nghĩa với việc nhân dân Campuchia tái rơi vào thảm họa diệt chủng.
Cả hai cuộc chiến tranh biên giới, tuy kẻ thù trực tiếp có khác nhau nhưng đều có yếu tố TQ. Nếu chiến tranh biên giới phía Bắc, TQ trực tiếp xâm lược VN thì ở chiến tranh biên giới Tây Nam, vai trò của chúng là gián tiếp. Chẳng thế mà khi Khmer Đỏ bị đánh bật khỏi Phnôm Pênh thì cố vấn TQ rồi đại sứ quán TQ cũng thất thểu chạy theo.
Vì TQ chỉ đóng vai trò gián tiếp trong chiến tranh biên giới Tây Nam nên việc kỷ niệm sự kiện này cũng dễ dàng hơn tuy vẫn không được an tâm như kỷ niệm các dấu mốc chiến tranh với Phap hay Mỹ. Năm nay, Lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot được tổ chức ở cấp trung ương, có mặt cả lãnh đạo cao nhất là ông Nguyễn Phú Trọng, còn báo chí tuyên truyền cũng khá thoải mái.
Còn với chiến tranh Việt – Trung năm 1979, việc tổ chức kỷ niệm là một điều húy kỵ. Nó có nguyên nhân từ thỏa thuận giữa VN và TQ. Đây là sự thỏa thuận bất bình đẳng, vì chẳng có kẻ cướp nào muốn nhắc đến vụ cướp, đánh đồng kẻ xâm lược và người bị xâm lược. Mặt khác, khi phía VN rất nhiệt tình làm theo thỏa thuận, tới mức đục cả bia chiến thắng, cắt cả thơ thì phía TQ vẫn cho báo chí và tướng lĩnh của chúng công khai tuyên truyền chiến tranh, đe dọa VN, xuyên tạc về cuộc chiến tranh xâm lược của chúng, tuyên dương anh hùng, tôn vinh những kẻ đã gây tội ác với nhân dân VN.
VN đã đưa cuộc chiến tranh xâm lược và chống xâm lược ra khỏi sách giáo khoa. Thế hệ trẻ không hề biết tới cuộc chiến tranh qui mô, tàn bạo và mới nhất về thời gian. Ít nhất là từ sau Hội nghị Thanh Đô, không có một buổi lễ kỷ niệm chính thức nào về ngày. Còn báo chí, mỗi năm, tùy theo tình hình mà được nhắc đến nhiều hay nhắc ít.
8 năm nay, từ sau phong trào chống TQ Mùa Hè năm 2011, việc tổ chức kỷ niệm chiến tranh biên giới phía Bắc đều do các hội nhóm xã hội dân sự kêu gọi. Việc kỷ niệm này thường bị phá, như ngăn chặn thắp hương, đặt vòng hoa, chặn người từ nhà, tổ chức nhảy múa tại nơi dự định kỷ niệm. Họ nhảy múa tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ như thách thức những người đến tưởng niệm, như ăn mừng trên xác đồng bào chiến sĩ ngã xuống trong cuộc chiến tranh đẫm máu, như thể chào mừng ngày TQ xâm lược VN. Có năm chúng tôi bị xua đuổi, ngăn chặn, phải ôm vòng hoa chạy 3 nơi: Đài Cảm tử, Đài liệt sĩ Bắc Sơn, tượng đài Quang Trung ở Gò Đống Đa. Nhiều người còn bị canh giữ không cho ra khỏi nhà một cách thô bạo và trắng trợn.
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến kỷ niệm ngày TQ xâm lược VN. Đã có một số tờ báo quen thuộc nhắc đến sự kiện này mà Vietnamnet là tờ báo đi đầu với bài “Cuộc chiến chống quân xâm lược tháng 2 năm 1979”. Ngoài ra, lác đác có tuyên giáo các tỉnh thành phổ biến tinh thần kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc có trọng tâm trọng điểm và đương nhiên là phải đúng định hướng. Có vẻ như năm nay, báo chí được tự do hơn khi nhắc đến cuộc chiến tranh này.
Năm nay là kỷ niệm lớn bởi tính chất tròn chục của con số 40. Không hy vọng phía chính quyền tổ chức. Về phía xã hội dân sự, đã xuất hiện những lời kêu gọi, nhắc nhở. Có thể những hoạt động kỷ niệm nhỏ lẻ này lại sẽ bị cản trở.
Nếu nhà cầm quyền vẫn e ngại kẻ thù thì hãy để cho nhân dân tự do kỷ niệm. Cố tình quên đi sự hy sinh của của những chiến sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, để cho những nấm mồ có tên hoặc vô danh hương lạnh khói tàn thì không còn cách nói nào chính xác hơn hai chữ phản bội.
Leave a Comment