BOT là một cách làm viết tắt của tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, có nghĩa: Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao). Chính phủ kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho nhà nước.
Đã có nhiều nước làm và đây là mô hình tốt nhưng theo tôi, mô hình này không nên tồn tại ở Việt Nam.
Mô hình này cần có một sự minh bạch mà ở Việt Nam thì sự minh bạch còn đang trốn rất kĩ. Một cách làm tốt vào tay những kẻ lưu manh thì lập tức sẽ thành công cụ hút máu của dân. Không chỉ BOT mà bất cứ cái gì sạch mà rơi vào một cái hồ bẩn thì cũng thành bẩn mà thôi. Do vậy ở đây ta không cần bàn tới BOT tốt hay không nữa, mà chỉ cần tập trung vào là nó có nên tồn tại ở Việt Nam hay không.
Ai cũng biết rằng tham nhũng đang hoành hành ở mọi ngành nghề, mọi cấp độ ở đất nước này. Một cậu em có gara ô tô, cậu ấy bảo những công ty nhà nước, một năm, một chiếc xe tiền sửa có thể lên tới mấy trăm triệu. Không hỏng gì họ cũng thích được đưa vào gara sửa, cốt để lấy hoá đơn, bòn rút tiền của nhà nước.
Điều này những người có công ty cung cấp dịch vụ, hàng hoá cho các công ty nhà nước thì biết rất rõ. Có những mặt hàng giá một tỉ, khi vào giấy tờ hoàn toàn có thể tăng gấp 3,4 lần. Tất nhiên, số tiền dư ra không phải là được ăn cả, mà còn phải đấm vào miệng thanh tra, kiểm toán, cấp trên, các cơ quan ban ngành liên quan…
Ăn đớp ở mọi hình thức. Các công ty tư nhân phải hầu hạ những kẻ có quyền chức. Chúng đi ăn nhậu là gọi điện mời, nhưng thực chất là để đối tượng mang tiền ra trả.
Những kiểu làm ăn này, ai cũng biết nhưng không ai dám nói, dám phản kháng lại bởi một điều đơn giản là họ phải phụ thuộc vào cơ chế để sống.
Sự trung thực của người Việt nói chung và của quan chức, của doanh nghiệp nói riêng đến giờ là vô cùng tồi tệ. Chính vì vậy mà BOT bỗng trở thành một công cụ hút máu dân khủng khiếp.
Kết quả là cơ sở hạ tầng yếu kém, bởi tiền thu được thay vì chảy vào ngân sách thì vào túi tư nhân. Điều này rất nguy hiểm bởi khi tiền có quá nhiều, bọn chúng sẽ mua được quan chức, thành phần rất dễ “xúc động” với tiền bởi lý tưởng cao cả nhất của họ là ăn và đớp.
Tiền sinh quyền lực và ngược lại. Kết quả là chỉ có dân là khổ. Dân phản đối là bị quy là thành phần gây rối và bị bắt bớ, đánh đập như chúng ta chứng kiến những ngày qua với nhóm lái xe, phóng viên phản đối BOT bẩn.
Tiền sinh quyền nên mới có việc cậu Nguyễn Viết Tân – Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC), người ra quyết định cấm vĩnh viễn đối với 2 phương tiện biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác. Quyền lực của cậu Tân đã quá lớn đến nỗi cậu tưởng như mình là bố đời, là con trời, thay trời trị vì con dân Việt.
Tôi đang chờ xem chương trình Táo Quân đón xuân 2020 có đưa chân dung của cậu này vào hay không. Theo tôi thì cậu này xứng đáng được bước vào thế giới văn học nghệ thuật như một biểu tượng của sự lạm quyền lố lăng, bất chấp pháp luật.
Đất nước này đang khốn đốn bởi những bọn lợi ích nhóm. Giao thông là huyết mạch của đất nước, là cơ sở để kinh tế phát triển, ấy vậy mà chúng như những vòi bạch tuộc ngày đêm hút máu dân thì hỏi làm sao đất nước phát triển được?
Vì những lý do nêu trên, tôi đề nghị bỏ BOT ở Việt Nam. Ít ra là giai đoạn hiện nay khi mà cơ chế giám sát còn chưa tốt, luật lệ lỏng lẻo.
Tất nhiên, việc này không dễ bởi nó là quyền lực của bọn Bạch Tuộc, nhưng khi công luận cùng đồng lòng thì không có gì là không thể./.
Leave a Comment