09/02/2019
Khi ông Châu Văn Khảm đột ngột ngừng trả lời những tin nhắn trong chuyến đi đến Việt Nam vào tháng 1, sự im lặng kéo dài của ông đã dẫn đến một nỗi lo lắng ngày càng lớn.
Gia đình của ông, sống tại Úc và Anh, lo sợ là ông đã bị bí mật thủ tiêu.
Ông Châu, 69 tuổi, là một công dân Úc và là một doanh nhân đã nghỉ hưu, sinh sống tại Sydney. Ông đã trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền vào năm 1982. Ông từng chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam và là một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền lâu năm.
Tinh thần cống hiến đã khiến ông đi từ Campuchia vào lãnh thổ Việt Nam trong một chuyến đi “tìm hiểu thực tế” thiếu may mắn.
“Tôi lo lắng nhất là việc ông biến mất”, con trai ông, anh Dennis Chau, 29 tuổi, nói với ABC tại Anh.
“[Mẹ tôi] luôn cố gắng mạnh mẽ nhưng tôi biết bà đang suy sụp như thế nào.”
Ông Châu bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15 tháng 1 sau khi gặp một nhà hoạt động xã hội dân sự.
Nay ông đang bị điều tra về các hoạt động bị cáo buộc là nhằm chống lại Chính phủ cộng sản Việt Nam – một tội có thể mang án tử hình trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.
Ông cũng đang bị từ chối không được gặp luật sư.
Anh Dennis cho biết, tin tức cha anh đã bị bắt giữ, tuy khiến gia đình lo lắng nhưng đã khiến mang đến sự nhẹ nhõm vì ít nhất cha anh không bị thủ tiêu biến mất.
Gia đình ông Châu nghi ngờ ông nằm trong danh sách bị theo dõi của chính phủ [Việt Nam] vì các hoạt động thúc đẩy dân chủ của ông.
Đây là điều mà họ từng nói đùa, khi mà khái niệm bắt giữ là điều không thể tưởng tượng được.
“Tôi chưa từng tưởng tượng điều này có thể xảy ra – tôi đã bị sốc”, Dennis nói.
Trong một tuyên bố, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã xác nhận rằng “Châu Văn Khảm hiện đang bị giam giữ và đang bị điều tra vì vi phạm luật pháp Việt Nam”, nhưng bà từ chối xác định ông ta vi phạm những điều luật nào.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) nói với ABC rằng họ đang cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho một người đàn ông Úc bị giam giữ tại Việt Nam, nhưng vì lý do bảo vệ sự riêng tư họ không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết.
“Những hoạt động lật đổ Chính phủ”
Nhưng một báo cáo của DFAT gởi cho gia đình sau lần duy nhất giới chức lãnh sự thăm ông Châu vào ngày 28 tháng 1, mà ABC được cho xem, cho thấy người đàn ông Úc đã về hưu, đang bị điều tra theo Điều 109 – trong đó đề cập đến các hoạt động bị cáo buộc là nhằm lật đổ Chính phủ.
Nằm giữa “tội phản quốc” và tội “gián điệp” trong bộ luật hình sự của Việt Nam, Điều 109 nói rằng một người tham gia một tổ chức chống lại Chính phủ nhân dân có thể bị trừng phạt từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Các nghi can đồng phạm phải đối mặt với các án phạt nhẹ hơn, từ 12 tháng đến 12 năm tù.
Ông Châu cũng đang bị điều tra về cáo buộc vi phạm Điều 341, liên quan đến việc làm giả các tài liệu. Chính quyền Việt Nam cáo buộc ông sử dụng chứng minh nhân dân Việt Nam giả để vào nước.
Do các tội mà ông Châu bị cáo buộc rơi vào vi phạm an ninh quốc gia, nên ông không được quyền gặp luật sư đại diện pháp lý cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất vào cuối tháng 5, với lý do “bảo vệ bí mật” của quá trình điều tra.
Ông Châu bị quay video trong chuyến thăm lãnh sự, khiến người ta lo ngại rằng ông không thể nói chuyện một cách tự do với các quan chức Úc.
Gia đình cũng lo lắng về các vấn đề sức khỏe của ông, bao gồm bệnh cao mỡ và viêm tuyến tiền liệt.
Anh Dennis cho biết anh và gia đình đang phải đối diện với thực tế là cha của họ bị bắt giam dưới một hệ thống tư pháp rất khác xa với hệ thống tư pháp Úc.
“Đây không phải là một hệ thống luật pháp mà bạn quen thuộc. Bạn không biết điều gì sẽ xảy ra… [không biết ông] có bị ngược đãi trong tù không?” anh Dennis nói.
“Chạy trốn chiến tranh, đối mặt với lao tù”
Trong một clip trên YouTube, ông Châu đã chia sẻ kinh nghiệm sống sót sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 khi là một sinh viên 19 tuổi ở Huế, nơi hàng ngàn thường dân đã bị quân đội Việt Cộng và Bắc Việt giết chết.
Nhưng đối với các con trai của mình, ông Châu chỉ đơn giản là “bố”.
Đến bờ biển nước Úc năm 1982, ông Châu đã trở thành công dân vào năm sau đó. Ông gặp người sau này trở thành vợ mình, bà Trang, người đã đến Úc năm 1983.
Họ kết hôn năm 1986 và có 2 người con trai, Daniel, 31 tuổi và Dennis, 29 tuổi.
Gia đình sống ở tầng trên cửa tiệm giặt ủi ở Sydney, cho đến khi ông Châu mở một tiệm bánh.
“Khi đến Úc, cha tôi nghĩ rằng đây là những cơ hội mà ông không có được ở Việt Nam,” Dennis nói.
“Ông luôn làm việc rất nhiều, cả ngày, và khá cực nhọc.”
Nhưng các ngày cuối tuần ông để dành thời gian với các con của ông – đưa chúng ra bãi biển, chơi tennis và đi bơi.
Khi nghỉ hưu, ông Châu trở thành một thành viên tích cực của Việt Tân, một tổ chức bị chính phủ cộng sản Việt Nam dán nhãn “lực lượng khủng bố” và bị đặt ngoài vòng pháp luật tại Việt Nam.
Nhưng chủ tịch của Việt Tân ông Đỗ Hoàng Điềm đã bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng Việt Tân là khủng bố, ông nói rằng mục đích của Việt Tân là “thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam thông qua hành động dân sự bất bạo động”.
Ông nói trong ba năm qua Việt Nam “thực hiện một cuộc đàn áp khắc nghiệt đối với những người bất đồng chính kiến” và ông Châu về để thu thập thông tin tại địa phương về tác động của cuộc đàn áp này.
“Khi phải đối mặt với một chế độ vô luật pháp như vậy, các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động trong danh sách đen của họ không còn cách nào khác ngoài việc tìm nhiều cách khác nhau để vào Việt Nam,” ông nói.
Trong một tuyên bố, Việt Tân cho biết Chính phủ Việt Nam thường sử dụng biện pháp giam giữ tùy tiện và “những cáo buộc bịa đặt” để vu khống nhóm này. Tuyên bố nói thêm rằng ông Châu đã bị cơ quan truyền thông nhà nước “tấn công” và địa chỉ của ông đã được công bố như là “một chiến thuật để đe dọa gia đình ông”.
“Ông Châu Văn Khảm chắc chắn đã phải đối mặt với tra tấn tinh thần và thậm chí bị ép phải nhận tội,” tuyên bố nói.
Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính hiện nay đang có hơn 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam, nhiều người trong số họ bị những án tù dài sau những “phiên toà trò hề”.
Việt Nam có “một kỷ lục khủng khiếp về việc nhắm mục tiêu vào những người nói những gì họ nghĩ một cách ôn hoà”, một phát ngôn viên của Tổ chức Ân xá nói với ABC trong một tuyên bố của họ.
“Một cuộc gặp gỡ đơn giản hoặc thậm chí một bài đăng trên Facebook có thể khiến bạn phải ngồi tù nhiều năm.”
Các án tù được ấn định trước phiên xét xử đối với những người bị cho là “kẻ thù của nhà nước” và “tra tấn thường được sử dụng bởi các quan chức hỏi cung”.
Suy nghĩ về hoạt động của cha mình, Dennis cho biết anh thường hỏi tại sao cha anh tiếp tục hoạt động cho nhân quyền và dân chủ ở một đất nước mà ông đã ra đi.
Cha anh nói với anh rằng đó là vì người dân không có các quyền tự do cơ bản ở Việt Nam.
“Tôi nghĩ điều đó thúc đẩy cha tôi hoạt động. Ông rất, rất say mê về điều đó”, anh Dennis nói.
“Ông luôn đặt người khác trước mình.”
Nguồn: https://www.abc.net.au/news/2019-02-10/family-of-australian-detained-in-vietnam-speaks-out/10774824?pfmredir=sm
Leave a Comment