Việt Nam chính thức bước vào năm Kỷ Hợi, năm theo cách tính âm lịch của người Việt.
Cách đây 1080 năm về trước, vào năm 939 – Ngô Tiên Vương (tức Ngô Quyền) đã đánh đuổi tan giặc Nam Hán, tạo ra nhà nước Việt Nam độc lập và tự chủ. Sự độc lập, tự chủ không chỉ đến từ việc xưng vương, mà ngay cả trong việc chọn kinh đô là Cổ Loa (thuộc Phong Châu – nay là Đông Anh, Hà Nội). Theo nhiều nhà nghiên cứu, chọn Cổ Loa thay vì Đại La xuất phát từ ‘ý thức dân tộc trỗi dậy, tiếp nối quốc thống xưa của nước Âu Lạc xưa, biểu hiện ý chí đoạn tuyệt với Đại La do phương Bắc khai lập’.
Điều đó cho thấy rằng, sự dung dưỡng ý thức quan trọng là tối quan trọng, là nền tảng của nền tảng trong đoạn tuyệt với ‘ý chí’ của phương Bắc.
Sau 1080 năm, ý chí đoạn tuyệt với phương Bắc nhiều lần được vun đắp ngầm và biểu lộ công khai (hiếm hoi) trong các lần biểu tình của người dân Việt nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền Biển Đông trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự đoạn tuyệt với ‘ý chí’ của phương Bắc luôn là một câu hỏi lớn, không có lời giải đáp đối với nhóm người cai trị hiện nay.
Trong xã hội hiện tại, khi đề cập đến Trung Quốc, người dân hiểu ngay đó là sự bá quyền và tham vọng,… Việt Nam với Trung Quốc là láng giềng, như sự khoản đãi trên tinh thần hữu hảo anh em chưa bao giờ được duy trì quá vài thập niên, thậm chí ngay trong thời kỳ của những người Cộng sản (vốn cùng ý thức hệ). Những lục đục giữa lãnh đạo cấp cao hai quốc gia sau Hiệp định Geneva 1954 cho đến cuộc chiến Biên giới 1979 thực chất là biểu hiện sống động cho mối quan hệ đầy bất ổn, nấp dưới những ngôn từ hữu hảo. Chính vì vậy, dung dưỡng lòng yêu nước, dung dưỡng một thái độ tự chủ trong dân tộc là điều cần thiết và cốt yếu trong xây dựng một nền phản vệ quốc gia trước mọi yếu tố gây hấn, xâm lăng đầy bất ngờ từ phương Bắc. Đây không phải là một ‘thuyết âm mưa’ hay sự ‘lo ngại đầy viển vông’, mà bởi, những tham vọng Biển Đông của Trung Quốc đã hiện thực hóa bằng dàn tên lửa, các căn cứ quân sự,… và sự mở rộng không ngừng nghỉ ảnh hưởng của nước này trên tuyến hàng hải thương mại quan trọng bậc nhất của thế giới. Nơi có sự tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc, trong đó Việt Nam là quốc gia đòi hỏi yếu tố chủ quyền nhiều nhất, gay gắt nhất trước Bắc Kinh.
Năm 2019, tình hình biển Đông có thể nguy cấp hơn, bởi trong một bài viết ngày 2.2.2019 trên The Diplomat, có đề cập đến thất bại của Mỹ trong việc chống lại chiến thuật khu vực xám của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, mà nguyên nhân không bắt nguồn từ sự thiếu ý chí, mà là từ sự thiếu các lựa chọn (nhượng bộ, mạo hiểm chiến tranh). Kết quả, Mỹ chọn sự nhượng bộ trong hàng tá năm trở lại đây, họ không sẵn sàng thách thức trực tiếp sự kiểm soát đối với khu vực này, và bởi bản thân ‘tự do an ninh hàng hải’ chưa phải là lý do để Mỹ chọn lựa sự mạo hiểm. Bản thân Tập Cận Bình cũng sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh ở Biển Đông với tuyên bố, ‘phản ứng thích hợp với các xáo trộn ở Biển Đông’ [2].
Những sự kiện nêu trên đã dẫn đến một viễn cảnh 1979, nhưng sự ngoan cường và chính nghĩa của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào cách mà lòng dân Việt Nam hưởng ứng như thế nào. Để thực thi tinh thần ái quốc, và sự bảo vệ không giới hạn của người dân đối với quốc gia dân tộc, thì phải đến từ sự tự chủ của cả dân tộc. Nó không phải là sự tự chủ của ban phát bằng tuyên truyền hay nghị quyết đảng, mà phải cho phép người dân có những quyền biểu đạt của mình – cái quyền vốn được ghi nhận trong Hiến pháp.
Nói cách khác, nếu chính quyền muốn tính chính danh của thể chế tiếp tục duy trì, và yếu tố chủ quyền không ảnh hưởng quá sâu đậm tới sự tồn tại hay không tồn tại của chính đảng, thì bản thân những nhà lãnh đạo (gắn phù hiệu ĐCS) phải dung dưỡng và cổ vũ sự tự chủ của dân tộc bằng cách nhanh luật về biểu tình. Một dự luật bị treo nhiều năm, do lo ngại sự hình thành ‘cách mạng màu’ trong nhóm cầm quyền tại Hà Nội. Trong khi đó, khi biểu tình nổ ra, mặc dù là biểu tình chống Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền, những người biểu tình đã bị đáp trả bằng bạo lực, mặc dù họ hoàn toàn ôn hòa. Điều này khiến cho sự nghi ngờ về quyết tâm bảo vệ chủ quyền của ĐCS, về sự tự chủ của ĐCS trong người dân gia tăng, đi kèm sự phẫn nộ.
Ra Luật biểu tình trước hiểm họa Biển Đông, không chỉ vì sự tồn vong của chính ĐCS, mà vì sự tồn vong của quốc gia và dân tộc. Nó là khởi nguồn của mùa xuân độc lập và tự chủ như cách mà Ngô Tiền Vương từng thiết lập, trước họa phương Bắc. Nó là cách ứng xử đầy kiêu hãnh để đảm bảo giá trị của một quốc gia ngàn năm đứng vững trước nhiều lần họa xâm lăng phương Bắc. Là kết tinh của trí tuệ và sự hợp thể giữa chính quyền và nhân dân.
Đoạn tuyệt ý chí với Trung Quốc trên vùng Biển Đông, đó là chuyện cần làm.
Tham khảo:
[1] https://thediplomat.com/2019/02/what-the-berlin-airlift-can-teach-us-about-the-south-china-sea/
[2] https://nationalinterest.org/feature/what-causing-chinas-recent-war-words-washington-42947
Leave a Comment