Sau hơn 17 ngày giam giữ, nhà cầm quyền CSVN đã chính thức thừa nhận đang giam giữ ông Châu Văn Khảm, một thành viên của đảng Việt Tân tại Sydney, Úc Châu.
Ông Khảm sinh năm 1949 tại Thừa Thiên Huế. Năm 1969 nhập ngũ. Tốt nghiệp Trường Sĩ Quan Hải Quân VNCH Khóa 22. Cấp bậc sau cùng là Trung Úy, Sĩ Quan Trưởng Khối Chiến Thuyền.
Ông bị tù cải tạo từ 1975 đến năm 1978. Năm 1982 vượt biển tìm tự do và đến Úc, thành phố Sydney vào giữa năm 1983. Từ đó ông tham gia các sinh hoạt trong Cộng Đồng và trong Hội Cựu Quân Nhân và Gia Đình Hải Quân Hàng Hải NSW.
Anh Khảm tham gia vào Việt Tân năm 2010 vào đúng năm tôi bị bắt ở Việt Nam.
Tôi gặp anh Khảm trong một lần anh cùng gia đình du lịch Âu châu. Hôm ấy anh cùng bạn bè đồng ngũ say sưa kể chuyện thời chinh chiến. Đám lóc nhóc chúng tôi chỉ biết căng mắt, căng tai ra mà nghe. Nhìn những mái tóc “muối nhiều hơn tiêu” trước mặt, tôi xao xuyến nhớ đến những người chiến sĩ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, có người còn để lại một phần thân thể trên chiến trường để bảo vệ cho miền Nam trước sự xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản. Và tôi còn xao xuyến hơn khi thấy đến ngày hôm nay những con người ấy vẫn thầm lặng tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ của mình vào công cuộc đấu tranh giành lại quyền Con Người cho dân tộc.
Vài tháng sau khi gặp, từ cảm giác xao xuyến tôi lại ngỡ ngàng hơn khi nghe nói anh về công tác tại Việt Nam và bị bắt cùng với một người trong nước. Tôi mường tượng ra an ninh CSVN sẽ “làm việc” với anh như thế nào để moi móc thông tin của tổ chức.
Đọc trên tờ Công An Nhân Dân thì thấy họ chỉ tường thuật chung chung và sao đi sao lại mấy luận điệu cũ rích: “Hiện nay, Việt Tân tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin; đưa người ra nước ngoài đào tạo, huấn luyện, tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về phương thức, hoạt động khủng bố, phá hoại. Đồng thời tán phát lên mạng Internet các tài liệu kích động biểu tình, hoạt động khủng bố, phá hoại…”. Tóm lại phần lớn là vớ vẩn và sản phẩm của trí tưởng tượng và thói quen chụp mũ.
Qua việc anh Khảm bị bắt, tôi xin chia sẻ một suy nghĩ như sau: Trong những lần gặp gỡ bà con có nhiều người − trong đó có nhiều bạn trẻ đã hỏi: “Bây giờ chúng tôi phải làm gì để đóng góp cụ thể.” Tôi trả lời ngay: “Bạn nên về Việt Nam để tìm hiểu về đất nước và sau đó tìm cách đóng góp theo khả năng và điều kiện của mình.” Và đó là điều mà tôi muốn − qua diễn đàn này − gởi đến các bạn trẻ (hoặc ít trẻ hơn như anh Khảm) để trả lời cho những ưu tư của các bạn.
Chẳng quyền lực nào có thể cấm đoán chúng ta trở về Việt Nam và nói về tự do dân chủ, về biển Đông, về Formosa, Thủ Thiêm hoặc Lộc Hưng. Đừng nghĩ rằng ai cũng biết về những chủ đề này, mà có biết thì nói thêm cũng tốt. Đừng nghĩ rằng những việc nhỏ nhoi như vậy không ích lợi hoặc không xoay chuyển được tình hình. Mọi người chúng ta đều biết câu “Thà bật một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.” Nhiều người trong chúng ta cũng không thể ngờ rằng Đế quốc Anh hùng mạnh đã để nước Mỹ giành độc lập vì những lá trà và mất nước Ấn Độ vì những hạt muối.
Trong cuốn “Làm thế nào lật đổ độc tài bằng tay không”, Srdja Popovic, một lãnh tụ sinh viên thời Milosevic của Nam Tư cũ đã chứng minh rằng một trong những nguyên tắc của đấu tranh bất bạo động là bắt đầu bằng những việc nho nhỏ tưởng chừng “vô tích sự”, nhưng đó chính là những bước đầu của các cuộc cách mạng ở Đông Âu, ở Belgrade, Tbilisi, Rangoon, Tunisia, Ai Cập…
Làm thế có nguy hiểm không? Xin trả lời, trước tiên chẳng có gì vi phạm pháp luật Việt Nam qua những việc trên và anh Khảm không phải là lần đầu. Thứ hai, ở một nước vô pháp hoặc luật rừng như ở Việt Nam quá lắm là lại kết án những hành vi trên là “kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, huấn luyện, tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến…”, nghĩa là cũng y như anh Khảm.
Và sau cùng, nặng nhất là họ trục xuất và không cho về Việt Nam. Tôi nghĩ đây có lẽ là điều nhiều Việt kiều sợ nhất, nhưng đối với các bạn đặt câu hỏi về “phải làm gì” thì tôi thiết nghĩ các bạn đã có cách đối phó hoặc chấp nhận kịch bản này. Còn ngược lại, nếu mọi chuyện hạnh thông, các bạn có ý hoặc hành động khác thì cứ mạnh dạn thực hiện trong khả năng và điều kiện cho phép.
Điều sau cùng tôi muốn được chia sẻ là không có cuộc đấu tranh nào mà không phải hy sinh. Trong những lần tiếp xúc với giới ngoại giao và nhân quyền cho dù đó là khi còn ở Việt Nam hay đã bị trục xuất, họ thường “an ủi” tôi rằng so sánh với các nước như Trung Quốc, Nam Tư, Libya, Ai Cập, Đông Timor và gần đây nhất là Venezuela thì “sự đóng góp của người Việt các anh còn khiêm tốn”. Câu “an ủi” làm ai cũng phải sượng chín mặt. Và nếu tình trạng vẫn “lình xình” như thế này thì đừng mong có thay đổi.
Tôi tưởng tượng với con số hàng triệu người hải ngoại, chỉ cần một phần ngàn dám trở về như anh Khảm thì chắc chắn sẽ có những biến chuyển tích cực. Huy động một lực lượng an ninh để theo dõi, bắt giữ, điều tra và trục xuất ngần đó người không còn là chuyện nhỏ và qua việc đó xã hội và ngay cả chế độ sẽ có những thay đổi.
Giống như Mahatma Gandhi của Ấn Độ, Bouazizi của Tunisia, Popovic của Serbia… chúng ta hãy bắt đầu bằng những chuyện nhỏ./.
Leave a Comment