Mạnh Kim – VOA
Cuộc chính biến chấn động Venezuela dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao tức thì giữa các “ông lớn” cũng đang mang lại “ảnh hưởng” đến dư luận Việt Nam. Người Việt theo dõi sự kiện chính trị xảy ra ở một nước cách xa hơn 17 ngàn cây số với cái nhìn liên tưởng rất gần: Chừng nào đến lượt Việt Nam? Thậm chí có người viết: “Venezuela hôm nay, Việt Nam ngày mai!”… Tâm trạng này đủ để cho thấy người Việt khát khao thay đổi như thế nào. Viễn cảnh bùng nổ “cách mạng nhân dân” ở Việt Nam sẽ xảy ra, nếu những thực tế sau đây được xóa bỏ…
– Cuộc xuống đường rầm rộ phản đối chính phủ độc tài Nicolas Maduro hạ tuần tháng 1-2019 không phải là phản ứng tức thì và bột phát. Nó là kết quả của chuỗi phản kháng gần như chưa bao giờ ngừng kể từ khi Nicolas Maduro lên nắm quyền sau khi Hugo Chávez chết năm 2013. Yếu tố liên tục “giữ lửa” và “nuôi lửa” này gần như chưa bao giờ có ở Việt Nam. Các cuộc xuống đường ở Việt Nam, bất luận quy mô thế nào, cũng đều đi theo sự kiện và chúng nhanh chóng bị dập tắt ngay lúc đó. Đó là chưa kể hình thức biểu tình. Cách thức tổ chức, kêu gọi và hình thức xuống đường luôn tương tự. Lực lượng an ninh không khó khăn để lên kịch bản đàn áp nếu cách thức biểu tình và phương pháp “vận động nhân dân” không thay đổi.
– Việt Nam chưa có những tổ chức xã hội dân sự đủ mạnh để đánh động dư luận và kêu gọi sự đồng lòng ở số đông – theo cách mà chính những tổ chức cộng sản từng làm khi thực hiện “cách mạng nhân dân” lật đổ những “chính quyền thối nát”. Các tổ chức xã hội dân sự cũng chưa xây dựng được sự đoàn kết cần thiết để trở thành lực lượng tập hợp mạnh nhằm có thể trở thành đối trọng với đảng cầm quyền. Những cuộc trà trộn đánh phá nội bộ của an ninh chưa bao giờ bị phát hiện dẫn đến nghi kỵ càng khiến sự đoàn kết trở nên khó khăn. Sẽ rất khó hình thành nên phong trào một cách bền bỉ nếu việc xây dựng tổ chức vẫn tiếp tục loay hoay.
– Reuters (26-7-2018) cho biết, gần ¾ tờ báo ở Venezuela đã đóng cửa trong 5 năm (Venezuela xếp 143/180 quốc gia về tự do báo chí theo xếp hạng của Phóng viên không biên giới). Forbes (28-12-2017) cho biết thêm, chỉ trong hai tháng kể từ tháng 4-2017, chính quyền Maduro đã bắt và nhốt tù 66 nhà báo-biên tập viên liên quan các bài viết tường thuật biểu tình chống chính phủ; và ít nhất 49 đài phát thanh bị ngừng hoạt động trong năm 2017. Điều đó cho thấy tự do báo chí dưới thời Maduro là không tồn tại; tuy nhiên, nó cùng lúc cho thấy sự phản kháng trước tình trạng bóp nghẹt tự do báo chí của Venezuela là rất mạnh. Ở Việt Nam (hạng 175 về tự do báo chí), không có phóng viên nào có “thái độ chính trị” để khiến mình vào tù như đồng nghiệp Venezuela. Báo chí Việt Nam có vài tổng biên tập “xé rào” nhưng không có tổng biên tập nào dám xé toạc những “quy định báo chí” để thẳng thắn chỉ trích “đường lối và chủ trương của Đảng”. “Phong trào dân chủ” sẽ rất khó trở thành “phong trào” thật sự nếu hệ thống báo chí chính thống còn lấp ló sau những hàng rào sợ hãi, nếu những nhà báo đang ăn lương không đủ can đảm từ chức tập thể hoặc tuyên bố tự đóng cửa tòa soạn.
– Chính trường Việt Nam hoàn toàn không có chính trị gia chuyên nghiệp. Hệ thống “người của Đảng” kiểm soát mọi thứ, kể cả diễn đàn Quốc hội, nơi có những “đại biểu” vừa ngồi ghế hành pháp, vừa chiếm ghế lập pháp, vừa ôm ghế tư pháp (chưa kể “ghế” chủ doanh nghiệp). Không có chính trị chuyên nghiệp nên “ý kiến” “đại biểu” chỉ thể hiện “ý chí” của tổ chức đảng hơn là ý nguyện người dân. Không có chính trị gia chuyên nghiệp nên khả năng xây dựng lực lượng chính trị đối lập, dẫn đến phản kháng và đảo chính, là zero. Điều này chỉ có thể khác đi hoặc chấm dứt, khi người dân không bao giờ ngừng yêu cầu quyền bầu cử tự do và quyền thiết lập một nền chính trị đa nguyên.
– Phong trào dân chủ Việt Nam gần như không có nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Những tiếng nói đơn lẻ xuất phát từ bức xúc cá nhân dù tạo ra những cơn sóng phẫn nộ gay gắt vẫn dường như chưa đủ mạnh để lay chuyển tận gốc rễ nhận thức xã hội. Việt Nam cần nhiều hơn những người có thể mang lại “cảm hứng” như Trần Huỳnh Duy Thức, những người không chỉ có thể phác họa “con đường mới” cho Việt Nam mà còn có thể lay tỉnh được cơn ngủ vùi của tầng lớp lao động lẫn sinh viên; những người không chỉ có thể giúp xóa được tâm lý sợ hãi của người dân mà còn lay chuyển được cả những ông nghị vốn quen gật hoặc viên chức chính quyền lẫn quân đội…
Thời điểm hiện tại, chính quyền vẫn rất mạnh, xét về khả năng duy trì và bảo vệ chế độ. Họ có một quân đội trung thành, một bộ máy an ninh khổng lồ, một mô hình chính trị cùng “một hệ” xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương. Tuy nhiên, chế độ chưa bao giờ hỗn loạn và suy yếu từ bên trong nghiêm trọng như lúc này. Chỉ là hoang tưởng nếu tin rằng chế độ “vững như bàn thạch” trong khi họ không bao giờ ngừng gây oán thán bằng các chính sách bất cận nhân tình. Ngòi nổ liên tục được chính quyền tạo ra. Rơm được chất đống. Chỉ thiếu mồi lửa. Dù chưa có cuộc biểu tình nào đủ sức lật đổ chế độ nhưng ngày càng nhiều có những vụ đơn lẻ mang màu sắc thậm chí tiêu cực hơn chẳng hạn các vụ đánh trả, giết chết công an hoặc các vụ đặt bom ám sát viên chức chính quyền. Tâm lý thù ghét, mất niềm tin, thậm chí khinh bỉ, đối với chính quyền, đang lan rộng, vô phương chặn đứng.
Những người “thuộc nằm lòng” lý thuyết cộng sản đều biết rằng mâu thuẫn xã hội là một trong những nguy cơ lớn nhất đe dọa chế độ cầm quyền. Điều này đang diễn ra mỗi lúc mỗi gay gắt. Những tay “cộng sản trung kiên” cũng biết rõ rằng mâu thuẫn nội bộ là một “đại kỵ” có thể dẫn đến sụp đổ chế độ. Điều này cũng đang bùng nổ. Một cách tổng quát, Việt Nam đang hội đủ “điều kiện” ở giai đoạn “tiên khởi” dẫn đến sự vỡ bờ của một cuộc cách mạng, từ việc bầu cử phi dân chủ; sự thiếu vắng nền tư pháp độc lập; sự bưng bít thông tin và bịt miệng báo chí; sự trấn áp tàn bạo người dân; sự hình thành và bao che tầng lớp đặc quyền đặc lợi; sự tham nhũng hủ hóa cực kỳ nghiêm trọng; đến tình trạng vi phạm thô bạo quyền tư hữu đất đai…
Ở thời điểm này, không ai có thể nghĩ đến khả năng xảy ra chính biến ở Việt Nam. Cũng gần như không ai hình dung có một cuộc cách mạng “long trời, lở đất” lột xác diện mạo chính trị quốc gia. Hiện tại là những khó khăn cần nhiều nỗ lực để vượt qua cho một tương lai dân chủ. Hiện tại cũng đầy khó khăn và thách thức cho tương lai của chính chế độ. Nhà cầm quyền đang lâm vào tình thế bế tắc trong việc tìm chỗ đứng thuyết phục và xây dựng niềm tin người dân, vì họ cùng lúc tước đoạt chỗ đứng người dân và những quyền căn bản của họ. Chẳng ai tin chế độ có thể nhượng bộ thay đổi. Trong khi đó, người dân ngày càng thay đổi cái nhìn về chính quyền. Đó là điều căn bản để tạo ra “bào thai” cho một cuộc cách mạng, ít nhất là cách mạng nhận thức. Từ cách mạng nhận thức đến cách mạng hành động cần một thời gian “ấp ủ”. Vấn đề là sự khát khao thay đổi luôn cần được ấp ủ, luôn cần được nuôi nấng và duy trì, luôn cần được gieo hy vọng, kể cả khi đối mặt những thực tế hiện tại dường như bế tắc…
Leave a Comment