Tường thuật Hội thảo trước ngày kiểm điểm UPR kỳ 3 của CSVN tại Geneva

Quang cảnh buổi Hội thảo với chủ đề “Kiểm Điểm UPR tại LHQ Trong Bối Cảnh Đàn Áp Khốc Liệt”, diễn ra ngày 21 tháng Giêng, 2019 tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
- Quảng Cáo -

BBT Web Việt Tân |

Một ngày trước khi diễn ra phiên kiểm điểm định kỳ lần thứ 3 của CSVN trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, một cuộc Hội Thảo với chủ đề “Kiểm Điểm UPR tại LHQ Trong Bối Cảnh Đàn Áp Khốc Liệt” do Nhóm Làm Việc UPR (Working Group UPR) tổ chức vào chiều ngày 21 tháng Giêng vừa qua tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.

Nhóm Làm Việc gồm 10 tổ chức: Christians for the Abolition of Torture (ACAT), Hội Bầu Bí Tương Thân, COSUNAM (Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam), Destination Justice, Hội Anh Em Dân Chủ, Lawyers’ Rights Watch Canada, Media Legal Defence Initiative (MLDI), Phong Trào Lao Động Việt, Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Without Borders – RSF), Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Việt Tân).

Kiểm điểm UPR lần thứ 3, diễn ra trong bối cảnh đàn áp khốc liệt

Buổi hội thảo được khai mạc với bài phát biểu giới thiệu của bà Anne-Marie Von Arx-Vernon, Dân biểu Tiểu bang Geneva, Thụy Sĩ. Bà đã khẳng định rằng đây là lần kiểm điểm UPR diễn ra trong bối cảnh đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền CSVN trong hai năm qua.

- Quảng Cáo -

Bà Anne-Marie Von Arx-Vernon nói rằng buổi hội thảo rất quan trong vì tập hợp nhiều diễn giả của những tổ chức phi chính phủ có tên tuổi trên thế giới để trao đổi với nhau những ý tưởng cũng như để nghe tường trình của các nhân chứng sống khi mà ở Việt Nam không có tự do ngôn luận. Theo bà, một bằng chứng cho thấy Việt Nam không có nhân quyền, dân chủ, đó là Luật An Ninh Mạng được CSVN áp dụng từ đầu năm nay. Đặc biệt, bà nghĩ đến các tù nhân lương tâm (TNLT), những người  lên tiếng bênh vực cho đồng bào của mình; và cũng rất đặc biệt đến những người vợ của các TNLT đang bị cầm tù đã vượt qua nhiều khó khăn để có mặt tại Thụy Sĩ – trong dịp nhà nước Việt Nam phải trình bày trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc – để lên tiếng cho người thân của mình cũng như cho tất cả các TNLT khác ở Việt Nam.

Dân biểu Anne-Marie Von Arx-Vernon
Dân biểu Anne-Marie Von Arx-Vernon

Bà Anne-Marie Von Arx-Vernon nhắc đến TNLT Trần Thị Nga là người mà nhóm của bà đã khởi xướng cuộc vận động mới đây và gởi thư đến chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ. Bà nói rằng chúng ta cần thông báo cho thế giới biết về làn sóng đàn áp tàn bạo diễn ra từ năm 2016 chống người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ, blogger và những người bảo vệ nhân quyền. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ và hỗ trợ hết mình. Là một công dân Thụy Sĩ, thành viên của Quốc hội Geneva và đồng thời là một nhà hoạt động chống bạo lực đối với phụ nữ và nạn buôn người, bà đã chia sẻ kinh nghiệm của mình kể từ khi bà có cơ hội gặp những nhà hoạt động này, bao gồm ông Nguyễn Văn Đài trong chuyến đi của bà đến Việt Nam năm 2012.

Sau cùng, Dân biểu Anne-Marie Von Arx-Vernon nhắc lại rằng Kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR có tiềm năng lớn, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở góc tối nhất của thế giới. Theo bà, niềm hy vọng mạnh hơn nỗi sợ hãi. Bà mong muốn mọi người cùng bảo đảm cuộc hội thảo mang đến những kết quả cụ thể.

Sau bài phát biểu chào mừng của bà Dân biểu Anne-Marie Von Arx-Vernon, buổi hội thảo đã diễn tiến với ba nội dung rất sinh động và thu hút sự chú ý của mọi người tham dự.

Thực trạng đàn áp nhân quyền Việt Nam

Phần một của buổi hội thảo liên quan về những thách thức của tình trạng nhân quyền tại Việt Nam với sự tham gia của các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế: Cô Saba Ashraf, chuyên viên luật pháp của Media Legal Defence Initiative (MLDI), một NGO nhằm hỗ trợ trên mặt luật pháp các ký giả, blogger và truyền thông độc lập trên thế giới; ông Daniel Bastard, Giám đốc văn phòng Á Châu của Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), một NGO nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trên khắp thế giới; cô Jade Dussart, Giám đốc văn phòng Á Châu của tổ chức Kito Giáo Chống Tra Tấn (ACAT), một NGO với mục đích chống lại tất cả những hành xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc sỉ nhục trên khắp thế giới; và anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC) và là con của Mục sư Nguyễn Trung Tôn, người đang bị CSVN cầm tù.

Anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa trình bày trường hợp của cha anh, một mục sư vì tình yêu thương những người dân trong giáo xứ của ông. Chỉ vì ông lên tiếng bảo vệ những người trong làng mà ông bị nhà cầm quyền bắt giữ, cáo buộc ông tội phản quốc, làm việc cho CIA. Anh Trọng Nghĩa cho biết Ms Tôn bị đánh đập nhiều lần, cả hai chân của Ms Tôn bị đánh đến trọng thương đến giờ vẫn chưa lành và phổi bị thương vì bị đánh đập. Đến nay, Mục sư gặp khó khăn khi thở và có khi muốn ói ra máu. Ms Nguyễn Trung Tôn tham gia Hội Anh Em Dân Chủ và sau đó bị bắt. Sau hết, anh cảm ơn sự lên tiếng của mọi người nhằm tranh đấu cho cha của anh cũng như những tù nhân lương tâm khác.

Từ trái sang phải: Cô Jade Dussart (ACAT), ông Daniel Bastard (RSF), cô Saba Ashraf (MLDI) và anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa (HAEDC).
Từ trái sang phải: Cô Jade Dussart (ACAT), ông Daniel Bastard (RSF), cô Saba Ashraf (MLDI) và anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa (HAEDC).

Cô Saba Ashraf (MLDI) chia sẻ tổ chức của cô nhận được nhiều hình, phim ảnh là bằng chứng bị đánh đập bởi công an thường cũng như sắc phục. Những bằng chứng đó đã không được công an giải quyết khi người dân mang những hình, phim ảnh đó đến cơ quan công quyền tố cáo. Ngoài ra cô còn nói về điều kiện giam giữ, đày đọa người tù về tinh thần lẫn thể xác: Bị biệt giam rất lâu, cấm gặp gia đình và không được nhận thư từ khi không chịu nhận tội, bị buộc phải thi hành án rất xa nơi cư trú của họ và gia đình.

Ông Daniel Bastard (RSF) nói về Luật An Ninh Mạng vừa mới có hiệu lực đầu năm nay là bộ luật rất mơ hồ. Bộ  luật nầy tạo điều kiện cho chính quyền bắt bớ, bỏ tù những người chỉ trích, phê phán chế độ trên mạng xã hội. Theo cái nhìn của ông, ở Việt Nam vẫn đỡ hơn Trung Quốc vì người dân vẫn còn một khoảng nhỏ tự do để biểu đạt. Ông Daniel nêu lên trường hợp của TNLT Nguyễn Văn Hóa, người bị đánh đập dã man khi không chấp nhận làm nhân chứng chống lại một tù nhân khác để được giảm án. Ông nhắc đến Hóa để cho thấy thêm một bằng chứng rằng nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền, đặc biệt là đối với các TNLT. Trước khi kết thúc cô Saba Ashraf nói nhà cầm quyền CSVN rất tùy tiện trong việc cho các TNLT gặp người thân hay không.

Những  tiếng nói lương tâm từ quốc nội

Phần thứ hai của cuộc hội thảo là những nội dung chia xẻ của các chứng nhân đến từ Việt Nam: Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ TNLT Trương Minh Đức và bà Nguyễn Thị Quý, vợ TNLT Lê Đình Lượng. Ngoài ra còn có sự góp mặt của cựu TNLT Đặng Xuân Diệu và cựu TNLT Phạm Minh Hoàng, cả hai đều bị nhà cầm quyền trục xuất khỏi Việt Nam cách nay không lâu.

Bà Nguyễn Thị Qúy vừa đặt chân đến Thụy Sĩ vào chiều hôm trước, đã chia sẻ với cử tọa cảm nhận của mình khi chồng bà là TNLT Lê Đình Lượng bị tuyên án đến 20 năm tù giam. “Hôm đó tôi không được vào phiên tòa, phải đấu tranh mãi tôi mới được vào. Khi chồng tôi bị tuyên án 20 năm tù thì cảm nhận của tôi đây là một phiên tòa quá bất công, phiên tòa không có nhân quyền, bởi vì chồng tôi là người lên tiếng chống bất công…” Bà Quý nói tiếp, “Chồng tôi bị công an Nghệ An bắt lúc đi thăm một người bạn và là bị bắt cóc, trong khi gia đình không được biết gì cả. Khi xem Tivi tôi mới biết chồng tôi bị bắt.” Phiên tòa xét xử ông Lượng, theo bà chỉ là sự dàn dựng của CSVN để trả thù những người yêu nước như chồng bà và các nhà đấu tranh khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (trái), vợ của TNLT Trương Minh Đức và bà Nguyễn Thị Quý, vợ của TNLT Lê Đình Lượng trong buổi hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (trái), vợ của TNLT Trương Minh Đức và bà Nguyễn Thị Quý, vợ của TNLT Lê Đình Lượng trong buổi hội thảo.

Khi bà Nguyễn Thị Kim Thanh được hỏi về phản ứng trước bản án nặng nề thứ hai đối với chồng là nhà báo tự do Trương Minh Đức, cho biết: “Từ năm 2002 chồng tôi đã là người viết báo bênh vực người nghèo thấp cổ bé miệng. Anh cũng đấu tranh cho quyền lợi người công nhân bị áp bức, cho người đấu tranh bị đàn áp. 5 năm sau thì anh bị bắt và bị tuyên án 5 năm tù. Việc chồng tôi tham gia vào Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC) không có gì là sai cả. Sau khi ra tù anh vẫn tiếp tục đấu tranh và năm 2017 anh lại bị bắt với bản án rất nặng là 12 năm tù và 3 năm quản chế. Chồng tôi và 5 người trong HAEDC bị tuyên án với những tội danh mơ hồ vì đấu tranh ôn hòa cho dân chủ.”

Giảng viên Phạm Minh Hoàng giải thích thêm về lý do anh Lê Đình Lượng bị bắt. Đó là sự trả thù của chế độ và để dằn mặt những người thương gia như anh Lượng không được giúp đỡ những người đấu tranh. Lý do thứ hai chế độ trả thù anh Lượng là vì trong suốt quá trình điều tra, dù bị răn đe, khủng bố tinh thần nặng nề, anh vẫn giữ thái độ ung dung, không tỏ ra chút sợ hãi, sờn lòng với sự im lặng và nụ cười trên môi. Chính nụ cười và sự im lặng của anh Lượng đã đánh động lương tâm nhiều người, trong đó có luật sư của anh. Anh Lượng sẽ là tấm gương cho người đi sau anh.

Từ trái sang phải: Ông Hoàng Tứ Duy, anh Nguyễn Quý Đôn, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, bà Nguyễn Thị Quý, Giảng viên Phạm Minh Hoàng, cựu TNLT Đặng Xuân Diệu.
Từ trái sang phải: Ông Hoàng Tứ Duy, anh Nguyễn Quý Đôn, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, bà Nguyễn Thị Quý, Giảng viên Phạm Minh Hoàng, cựu TNLT Đặng Xuân Diệu.

Được hỏi về “cuộc hành trình“ của mình, Giảng viên Phạm Minh Hoàng nói rằng sự đóng góp của ông vào công việc đấu tranh chung là điều hết sức bình thường, không có gì gọi là lớn lao. Điều làm cho ông phẫn nộ là, tại sao nhà cầm quyền CSVN lại áp dụng những bản án nặng nề đối với những việc làm bình thường như trường hợp sinh viên Trần Hoàng Phúc. Là một người trẻ thay vì tập trung vào việc học, Phúc đã lăn xả vào những hoạt động xã hội với hoài bão giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp, trong khi gia đình Phúc là một gia đình cộng sản gộc, hưởng nhiều quyền lợi từ nhà cầm quyền. Phúc cùng một người bạn đồng trang lứa đã vào Quảng Bình để làm phóng sự về thảm họa môi trường Formosa. Cả hai đều bị công an bắt mang lên một ngọn đồi hoang vắng, bị lột hết quần áo và bị đánh đập vô cùng tàn nhẫn. Cứ 7 phút đánh một lần, ông Hoàng nhấn mạnh.

Được hỏi so sánh thế nào về các bản án gần đây với bản án tổng cộng hơn 100 năm tù trong vụ án 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành hồi năm 2011 mà chính anh là một trong số những bị cáo, cựu TNLT Đặng Xuân Diệu nói rằng: “Tình trạng nhân quyền Việt Nam ngày càng bi thảm”. Bản án 20 năm tù cộng 5 năm quản chế đối với ông Lê Đình Lượng được tuyên chỉ sau một buổi sáng xét xử, dù với cùng một tội danh (Điều 79 BLHS), anh Diệu nói thêm. Ngoài ra, theo anh Diệu, sự khó khăn mà hai người phụ nữ phải vượt ngàn dặm để đi vận động công lý cho chồng mình là sự sỉ nhục cho chế độ. Mặt khác anh Diệu tỏ ra khâm phục giới trẻ hôm nay tham gia đấu tranh cho công bằng xã hội rất sớm, khi mới vào đại học không lâu. Con số đông đảo người trẻ dấn thân cho thấy dân Việt Nam thiếu trầm trọng các quyền tự do căn bản. Cựu TNLT Đặng Xuân Diệu không bỏ lỡ cơ hội nhắn nhủ giới trẻ mạnh dạn và can đảm hơn thì giới trẻ Việt Nam sẽ đạt được những gì giới trẻ các nước khác đã đạt được.

Trình chiếu đoạn video về cuộc san bằng bình điạ hơn 200 căn nhà của dân tại vườn rau Lộc Hưng, Phường 6, Quận Tân Bình, TP.HCM.
Trình chiếu đoạn video về cuộc san bằng bình điạ hơn 200 căn nhà của dân tại vườn rau Lộc Hưng, Phường 6, Quận Tân Bình, TP.HCM.

Hội thảo cũng đã giới thiệu một đoạn video ngắn. Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh từ Sài Gòn đã tường trình vụ việc nhà cầm quyền huy động lực lượng đông đảo san bằng bình địa hơn 200 căn nhà của dân vào hai ngày 4 và 8 tháng Giêng, 2019 vừa qua tại vườn rau Lộc Hưng (VRLH), một sự kiện đang làm người Việt trên khắp thế giới quan tâm và phẫn nộ. Linh mục Thanh lên án hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng này, hành động mà Linh mục cho là tước đi nguồn sống của cư dân VRLH. Nhiều căn nhà dành cho những người thương phế binh cũng cùng chung số phận trong đống đổ nát. Linh mục Lê Ngọc Thanh kêu gọi Liên Hiệp Quốc đưa vụ việc này ra khi đối thoại với nhà cầm quyền CSVN và mong tình trạng cướp đất như thế không xảy ra nữa. Chính sách “đất đai là sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý” cho phép quan chức cướp đất của dân trên toàn lãnh thổ. Linh mục Thanh kêu gọi sự quan tâm và giúp đỡ của thế giới.

Trao Giải Nhân Quyền Lê Đình Lượng

Kế tiếp là buổi trao Giải Thưởng Nhân Quyền Lê Đình Lượng. Ông Hoàng Tứ Duy, Phát ngôn nhân đảng Việt Tân đã giới thiệu về Giải Thưởng Nhân Quyền Lê Đình Lượng do đảng Việt Tân thiết lập. Giải thưởng nầy sẽ được phát mỗi năm vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12, cũng là sinh nhật ông Lê Đình Lượng. Giải năm nay được Ban giám khảo gồm Luật sư Lê Công Định, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal và Giảng viên Phạm Minh Hoàng quyết định trao cho nhà hoạt động xã hội Trần Thị Nga.

Ông Hoàng Tứ Duy giới thiệu Giải Nhân Quyền Lê Đình Lượng. Bên cạnh ông là bà Nguyễn Thị Quý, vợ TNLT Lê Đình Lượng.
Ông Hoàng Tứ Duy giới thiệu Giải Nhân Quyền Lê Đình Lượng. Bên cạnh ông là bà Nguyễn Thị Quý, vợ TNLT Lê Đình Lượng.
Luật sư Nguyễn Văn Đài đại diện TNLT Trần Thị Nga đón nhận Giải Thưởng Nhân Quyền Lê Đình Lượng 2018 từ tay bà Nguyễn Thị Quý, phu nhân ông Lê Đình Lượng.
Luật sư Nguyễn Văn Đài đại diện TNLT Trần Thị Nga đón nhận Giải Thưởng Nhân Quyền Lê Đình Lượng 2018 từ tay bà Nguyễn Thị Quý, phu nhân ông Lê Đình Lượng.

Ban Tổ Chức đã trình chiếu một video ngắn, tóm lược quá trình hoạt động của chị Trần Thị Nga, người đang chịu bản án bỏ túi 9 năm tù giam. Bà Dân biểu Anne-Marie Von Arx-Vernon đã trao quà lưu niệm cho bà Nguyễn Thị Quý để bày tỏ tình cảm và sự khâm phục đối với vợ chồng ông Lượng. Luật sư Nguyễn Văn Đài đã thay mặt TNLT Trần Thị Nga đón nhận giải thưởng được trao từ tay phu nhân ông Lê Đình Lượng, bà Nguyễn Thị Quý. Luật sư Đài cám ơn Đảng Việt Tân thiết lập giải thưởng và theo Luật sư, chị Trần Thị Nga rất xứng đáng để nhận giải thưởng cao quý này. Vì không thể có mặt trong buổi lễ trao giải, anh Phan Văn Phong, chồng chị Nga đã lên tiếng trong một video gửi tới Ban tổ chức buổi hội thảo. Anh cho biết chị Nga rất vui vì được chọn nhận giải và cám ơn Ban giám khảo. Riêng anh cũng cảm thấy vinh dự.

Từ trái sang phải: Cô Doreen Chen (Destination Justice), ông Hoàng Tứ Duy (Đảng Việt Tân), bà Libby Liu (RFA), Ls Nguyễn Văn Đài (HAEDC) và anh Nguyễn Quý Đôn (Đảng Việt Tân).
Từ trái sang phải: Cô Doreen Chen (Destination Justice), ông Hoàng Tứ Duy (Đảng Việt Tân), bà Libby Liu (RFA), Ls Nguyễn Văn Đài (HAEDC) và anh Nguyễn Quý Đôn (Đảng Việt Tân).

Các khuyến nghị đến Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp

Bước sang phần cuối cùng của Hội thảo, các diễn giả đưa ra một số khuyến nghị đến Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Cô Doreen Chen thuộc Destination Justice điều hợp phần nầy, nhấn mạnh rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn kể từ lần kiểm điểm kỳ trước. Tham luận đoàn cho phần này bao gồm bà Libby Liu, Giám đốc đài Á Châu Tự Do (RFA); Luật sư Nguyễn Văn Đài (HAEDC); và ông Hoàng Tứ Duy, đại diện đảng Việt Tân.

Các khuyến nghị:

1- Cải thiện nhân quyền tại Việt Nam

a) Cần sự đoàn kết cũng như hợp tác từ cấp chính phủ các nước cho đến các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau lên tiếng một cách mạnh mẽ đối với những vụ đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.

b) Chính phủ các nước đang có mối quan hệ về kinh tế, chính trị, ngoại giao, thương mại với Việt Nam cần phải sử dụng các biện pháp đó gắn liền hợp tác với việc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Khi kết hợp các biện pháp như vậy thì hy vọng CSVN sẽ phải lắng nghe cũng như kêu gọi từ Cộng đồng quốc tế.

2- Tự do báo chí

a) Cần có sự minh bạch về cách thực thi luật, cụ thể là Luật An ninh mạng.

b) Người dân Việt Nam rất cần có tự do thông tin, tự do báo chí. Không có quyền tiếp cận thông tin sẽ khó để biết người dân họ muốn gì. Cần hỗ trợ để người dân có thể tiếp cận internet, có thể tự do biểu đạt trên mạng.

3- Tù nhân lương tâm:

a) UPR có lẽ là cơ chế duy nhất chất vấn chính thức nhà nước Việt Nam về hồ sơ nhân quyền nên đây là cơ hội rất tốt để khai dụng.

b) Vấn đề tù nhân chính trí tại Việt Nam cần nêu tên tuổi và án tù cụ thể để sự vận động được hữu hiệu hơn.

Sau cùng, Luật An Ninh Mạng vừa mới hiệu lực vào đầu năm nay, là một đạo luật nguy hiểm không chỉ đối với các nhà đấu tranh mà ảnh huởng cả đến người dùng internet bình thường, và xa hơn nữa, đến các công ty ngoại quốc làm ăn tại Việt Nam. Các nước nên đòi hỏi Việt Nam hủy bỏ luật này.

Dân biểu Rolin Wavre phát biểu trước khi kết thúc Hội thảo.
Dân biểu Rolin Wavre phát biểu trước khi kết thúc Hội thảo.

Ông Rolin Wavre, Dân biểu Quốc Hội Tiểu bang Geneva và là Chủ tịch Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam COSUNAM đã có đôi lời kết thúc buổi Hội thảo. Ông cám ơn những người hiện diện, đặc biệt là thân nhân hai TNLT đã vượt qua nhiều khó khăn để có mặt tại Geneva. Ông gởi lời cảm tạ đến Ban tổ chức, các diễn giả và những người theo dõi Hội thảo từ xa, đặc biệt là từ Việt Nam. Dân biểu Wavre nhắn gởi đến người dân Việt Nam rằng đang có rất nhiều người quan tâm, nghĩ đến họ và hành động cho sự tự do của người dân Việt Nam.

Sau cùng ông Wavre nhấn mạnh rằng bang giao kinh tế không thể tách rời với cách hành xử của chính quyền đối với công dân của họ và kêu gọi mọi người vận động chính quyền sở tại áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here